Sau khi Cách Mạng Tháng Tám thành công, giữa bộn bề khó khăn khi vừa phải kiến thiết đất nước, vừa đối phó với giặc ngoại xâm, tại miền Nam, Xứ ủy Nam Kỳ đã có chủ trương thực hiện một công tác đặc biệt quan trọng. Đó là tổ chức đón các chiến sĩ cách mạng bị địch giam cầm ở nhà tù Côn Đảo trở về đất liền. Trường Taberd ở Sóc Trăng là nơi vinh dự đón những người con ưu tú, anh hùng của Tổ quốc vào ngày 23-9-1945.
Mô hình phác thảo toàn cảnh Trường Taberd năm 1945.
Qua tổng hợp từ nhiều nguồn dữ liệu, có thể khái quát sự kiện lịch sử mang ý nghĩa trọng đại này như sau: Ngay sau Cách Mạng Tháng Tám thành công, chủ trương đón đoàn chiến sĩ cách mạng bị giam ở nhà tù Côn Ðảo trở về được Xứ ủy Nam Kỳ đặc biệt quan tâm. Tại Sài Gòn, vào đêm 25-8-1945, Xứ ủy Nam Kỳ triệu tập cuộc họp ở nhà bác sĩ Phạm Ngọc Thạch để bàn bạc về công tác tổ chức chính quyền và về nhiệm vụ đón các chiến sĩ cách mạng từ Côn Ðảo trở về.
Thời điểm đó, phương tiện để đi Côn Ðảo rất thiếu thốn, trên đường đi thường gặp nhiều khó khăn, bất trắc. Vậy nên, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định huy động tàu, ghe ở các tỉnh để củng cố vật lực, sẵn sàng đón những chiến sĩ cách mạng trở về. Theo “Ðịa chí Sóc Trăng”, ngày 13-9-1945, ông Tưởng Dân Bảo, cán bộ Ủy ban hành chính Nam Bộ đã đến Sóc Trăng để liên hệ tổ chức thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này. Ông Dương Kỳ Hiệp, lúc bấy giờ là Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Sóc Trăng, đã triệu tập cuộc họp quán triệt chủ trương của Xứ ủy và bàn phương cách thực hiện.
Về phương tiện tàu, ghe, nhiệm vụ được giao cho các ông Sáu Chô, Tám Máy và Tư Ðước. Theo đó, các ông sửa chữa tàu buôn muối “Phú Quốc” từ Sài Gòn qua Ðại Ngãi (Sóc Trăng). Ông Tư Ðước còn tự nguyện sung công chiếc tàu Sonltena chạy khách tuyến Sóc Trăng - Nam Vang của mình và cùng các ông Nguyễn Văn Tư (tức ông Ðội Ðá), Phan Thành Sâm lái con tàu này ra Côn Ðảo làm nhiệm vụ thiêng liêng. Tỉnh ủy Sóc Trăng phân công một số người khác xuống vùng Long Phú, Vĩnh Châu, và qua địa bàn tỉnh Trà Vinh giáp ranh để mượn thêm một số tàu biển của ngư dân. Công tác chuẩn bị nhân lực như bảo vệ, lái tàu, cấp dưỡng, y tế… cũng được triển khai ráo riết. Lý lịch Di tích “Trường Taberd - Nơi đón đoàn chính trị phạm từ Côn Ðảo về ngày 23-9-1945” (Di tích Trường Taberd) ghi nhận: Khi mọi công việc đã được tiến hành chu đáo, ngày 18-9-1945, đoàn tàu, ghe gồm 27 chiếc đã xuất phát, trực chỉ Côn Ðảo. 2 ngày sau thì đoàn cập bến Côn Ðảo, ghe đậu bến Cỏ May, tàu thì cập bến Cỏ Ống.
Bức tranh do họa sĩ Tô Dự vẽ, tái hiện quang cảnh các chiến sĩ cách mạng từ Côn Đảo trở về được học tập chính trị tại Đình Tân An (Cần Thơ).
Theo “Ðịa chí tỉnh Sóc Trăng”, ngày 23-9-1945, đoàn tàu chở hơn 1.800 chiến sĩ cách mạng bị giam ở nhà tù Côn Ðảo tiến về đất liền. Không may trời giông gió nên đoàn tàu bị chia tách, một đoàn tàu cặp bến Ðại Ngãi, còn chiếc ca-nô chở đồng chí Tôn Ðức Thắng chệch hướng về hướng Cồn Nóc (cửa biển Mỹ Thanh, Vĩnh Châu) và được bà con ở đó đón tiếp, chỉ hướng về lại trung tâm tỉnh Sóc Trăng. Ðoàn về trước có các đồng chí: Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Lương…
Tại Sóc Trăng, Tỉnh ủy chọn Trường Taberd - một ngôi trường nội trú được xây dựng từ năm 1912 - để làm địa điểm tập trung nghỉ ngơi, sinh hoạt cho đoàn. Thời điểm ấy, Trường Taberd là phù hợp hơn cả vì có khuôn viên rộng rãi, 2 dãy nhà lầu 2 tầng kiên cố, có nhà làm việc, nhà ăn, nhà bếp và nhà giải trí thể thao… Hàng chục tấn gạo, đường muối, hàng trăm con heo, gà, vịt và hàng ngàn bộ quần áo, chăn, chiếu, mùng, ván… được nhân dân quyên góp để tiếp đón đoàn. Ðội phục vụ gồm hàng trăm nam nữ thanh niên cũng xung phong, sẵn sàng phục vụ. “Từ Cầu Nổi, đoàn chiến sĩ đã đi trong rừng đuốc, rừng cờ biểu ngữ và tiếng reo vui vang trời. Ðồng chí Dương Kỳ Hiệp dẫn đầu đoàn cán bộ Tỉnh ủy Sóc Trăng ra tận nơi đón đoàn và đưa thẳng về Trường Taberd. Các đồng chí được chăm sóc hết sức chu đáo. Ðến 9 giờ đêm, công việc đón tiếp đã được ổn định” - theo tư liệu trong Lý lịch Di tích Trường Taberd.
Sáng hôm sau, ngày 24-9-1945, Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức họp mặt với đoàn. Các đồng chí đại diện Ủy ban hành chính Nam Bộ như Nguyễn Văn Tây, Phạm Văn Bạch cũng về dự, chung vui. Tại cuộc họp này, Ủy ban hành chính Nam Bộ phân công cán bộ về tăng cường cho các địa phương. Riêng các đồng chí quê Sóc Trăng như Văn Ngọc Chính, Lương Ðơn Quế, Dương Minh Ðệ… thì về quê hương công tác. Ðặc biệt, đồng chí Lê Văn Sô, lúc bấy giờ là quyền Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ cũng đã về Sóc Trăng để thăm các đồng chí vừa trở về từ “địa ngục trần gian”. Từ đó đến ngày 30-9-1945, sân Trường Taberd lúc nào cũng nhộn nhịp, đông vui.
Có một sự kiện rất hay liên quan đến Cần Thơ là ngày 30-9-1945, đoàn chiến sĩ cách mạng trở về từ Côn Ðảo xuất phát từ Trường Taberd đã lên đường đến Cần Thơ để nhận nhiệm vụ mới. Sau đợt học tập chính trị tại Cần Thơ, các chiến sĩ cách mạng đã theo lời kêu gọi của Ðảng, tỏa đi tham gia kháng chiến chống Pháp ở mọi miền đất nước. Về chi tiết này, theo xác nhận của Khu Di tích Trường Taberd và theo bức tranh được họa sĩ Tô Dự vẽ dựa vào ký ức của chính ông và qua lời kể của nhân chứng, địa điểm các chiến sĩ cách mạng từ Côn Ðảo trở về học tập chính trị là Ðình Tân An, nằm ở chợ Giữa (nay thuộc đoạn gần Vincom Xuân Khánh và là tiền thân của Ðình Tân An ở vòng xoay cồn Cái Khế bây giờ). Chi tiết này cần được xác minh, làm rõ thêm, như: thời gian học tập, những đồng chí nào đã từng học tập chính trị tại đây… để củng cố tư liệu cho lịch sử Cần Thơ nói chung, Ðình Tân An nói riêng.
75 năm trôi qua, sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng ở miền Hậu Giang sau ngày Cách Mạng Tháng Tám thành công luôn được ghi nhớ với sự tri ân các bậc tiền bối cách mạng. Di tích Trường Taberd hiện tọa lạc trên đường Tôn Ðức Thắng, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Năm 1992, Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia đối với “Trường Taberd - Nơi đón đoàn chính trị phạm từ Côn Ðảo về ngày 23-9-1945”.
Trong các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo được đón về tại Di tích Trường Taberd cách đây 75 năm, có 1 đồng chí sau này trở thành Chủ tịch nước là Bác Tôn - Chủ tịch Tôn Đức Thắng; 2 đồng chí trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam là đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Nguyễn Văn Linh; 1 đồng chí là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là đồng chí Phạm Hùng; cùng hàng chục đồng chí trở thành cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta.
-------------------
Bài viết tham khảo tư liệu:
- “Địa chí tỉnh Sóc Trăng”, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2012;
- Lý lịch Di tích Trường Taberd do Trung tâm Văn hóa - Thông tin TP Sóc Trăng cung cấp.