08/09/2024 - 08:35

Dân New Zealand ồ ạt di cư 

Bất chấp hình ảnh “thiên đường tiến bộ” trong mắt cộng đồng quốc tế, New Zealand đang chứng kiến ​​làn sóng di cư kỷ lục do phí sinh hoạt cao, tình trạng thiếu việc làm và bầu không khí ảm đạm nói chung.

Người dân New Zealand rời khỏi đất nước với tốc độ chưa từng có. Ảnh: Al Jazeera

Jessica Chong, 28 tuổi và đang sống tại New Zealand, cho biết hầu hết bạn bè cũng như người thân xung quanh cô đã chuyển ra nước ngoài trong vài tháng trở lại đây. Bản thân Chong cũng có kế hoạch chuyển đến Anh.

Chong và các bạn của cô nằm trong số rất nhiều người trẻ New Zealand rời khỏi quê nhà để tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài. Tính đến tháng 6-2024, Cục Thống kê New Zealand ghi nhận con số cao kỷ lục 131.200 người đã rời khỏi đất nước. Trong đó có 80.200 trường hợp là công dân New Zealand, gần gấp đôi lượng người rời đi hàng năm trước đại dịch COVID-19. Khoảng 40% ở độ tuổi từ 18 đến 30.

Là một trong những quốc gia biệt lập trên thế giới, công dân New Zealand thường có thói quen di cư tạm thời đến Anh hoặc Úc để “trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài”. Ngoài 5,2 triệu người cư trú trong nước, ước tính khoảng 1 triệu công dân New Zealand đang sống ở nước khác. Theo truyền thống, nhiều người New Zealand sau một vài năm sống ở nước ngoài sẽ trở về nhà để gần gia đình. Tuy nhiên, dựa vào tốc độ di cư chưa từng có như hiện nay trong bối cảnh kinh tế và việc làm đều trì trệ, các chuyên gia lo ngại nhiều người ra đi rồi có thể sẽ không quay trở lại. “Điều này vượt ngoài dự đoán. Chúng tôi chưa từng thấy số lượng người New Zealand rời đi nhiều như vậy trước đây” - nhà kinh tế trưởng Brad Olsen tại công ty tư vấn Infometrics có trụ sở tại Wellington cho biết.

Người dân di cư trước bất ổn bủa vây

Nhờ mức tăng trưởng khiêm tốn 0,2% trong quý 1-2024, nhiều chuyên gia kỳ vọng kinh tế New Zealand “trở lại đúng hướng” sau 2 đợt suy thoái kéo dài 18 tháng. Tuy nhiên, tình hình quốc đảo Tây Nam Thái Bình Dương nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn

Cùng với kinh tế trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp ở New Zealand tăng từ 3,6% của năm 2023 lên 4,6% trong quý II-2024. Ngoài ra, số liệu của Infometrics cho biết giá nhà ở New Zealand đang tăng trở lại sau nhiều năm và hiện cao hơn khoảng 7 lần so với thu nhập trung bình. Điều này khiến việc sở hữu nhà trở nên ngoài tầm với đối với nhiều người trẻ New Zealand. Kể từ giữa năm 2021, người dân nơi đây còn phải gánh chịu cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt nghiêm trọng. Trong một phân tích hồi đầu năm, World Vision phát hiện chi phí cho các mặt hàng thực phẩm cơ bản ở New Zealand đã tăng 56% từ năm 2022 đến năm 2023.

Do bất mãn kinh tế, cử tri New Zealand năm ngoái đã bỏ phiếu để thay thế chính phủ do Công đảng trung tả lãnh đạo bằng liên minh cánh hữu do đảng Quốc gia lãnh đạo, đứng đầu là cựu doanh nhân Christopher Luxon. Thất vọng này cùng quan điểm “cỏ ở bên kia luôn xanh hơn” đã thúc đẩy một bộ phận người dân di cư sang nước láng giềng Úc. Michaela Young, 27 tuổi, là một trong số đó. Sau khi tốt nghiệp Đại học Victoria ở Wellington với bằng thạc sĩ y sinh, Young phải vật lộn để tìm việc với mức lương chỉ đủ trang trải cuộc sống. “Chi phí sinh hoạt là vấn đề lớn và đang trở nên nghiêm trọng hơn” - Young cho biết. Vào tháng 3, Young chuyển đến Melbourne theo sự dẫn dắt của một số người bạn. Tại thành phố lớn thứ 2 của Úc, cô vẫn có cảm giác gần gũi khi được bao quanh bởi những người cùng quê khác.

Theo Cục Thống kê New Zealand, có 44.500 người New Zealand chuyển đến Úc trong riêng năm 2023. Quy mô của làn sóng này khiến các nhà kinh tế lo ngại khi nó báo hiệu nhiều người New Zealand đang thay đổi “trải nghiệm ở nước ngoài”. “Nếu không có việc làm và nhà ở giá rẻ, người ta sẽ thực sự cân nhắc việc nên quay lại New Zealand hay sẽ đưa gia đình chuyển ra nước ngoài” - ông Olsen cảnh báo. Ông cũng nói thêm, việc thiếu nhiều yếu tố thu hút người dân ở lại sẽ càng thúc đẩy làn sóng di cư và về lâu dài dẫn tới rủi ro cho dân số và sự đổi mới trong tương lai.

MAI QUYÊN (Theo Al Jazeera)

Chia sẻ bài viết