05/11/2023 - 13:44

Đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Bức tranh kinh tế Việt Nam đã dần khởi sắc, tăng trưởng kinh tế 9 tháng tăng 4,24%, CPI 9 tháng tăng 3,16%... Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã nhận định, kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu đề ra. Chính phủ cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong những tháng cuối năm; trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tập trung các giải pháp thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), tận dụng tốt các cơ hội thị trường; đẩy mạnh triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội… nhằm đạt cao nhất chỉ tiêu năm 2023. Trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, lạm phát khoảng 3,5-4%.

Mới đây, báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9-2023 của Ngân hàng Thế giới đã đưa ra khuyến cáo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã khởi sắc trong quý III, nhờ xuất khẩu phục hồi, nhưng tiêu dùng trong nước vẫn yếu. Tăng trưởng tín dụng chậm, phản ánh đầu tư tư nhân trong nước và niềm tin nhà đầu tư vẫn yếu. Trong khi xu hướng lạm phát tăng mạnh, nên cần được theo dõi sát. Các tháng cuối năm cần nỗ lực cải thiện thực hiện đầu tư công để hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng trong ngắn hạn. Cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư vào nguồn nhân lực để giúp Việt Nam thu hút FDI công nghệ cao, tăng năng suất lao động trong dài hạn.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương nỗ lực tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước vào các tháng cuối năm. Tính chung 10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước ước đạt 65,8% kế hoạch, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 10 tháng ước đạt 18 tỉ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Ðây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 10 tháng trong 5 năm qua...; là tín hiệu tích cực nâng đỡ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn.

Còn theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến 27-10-2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 7,1% so với cuối năm 2022 (chỉ tiêu năm 2023 tăng 14%). Hiện mặt bằng lãi suất cho vay các khoản vay mới và khoản vay cũ lãi suất đã giảm khoảng 1% so cuối năm 2022; thậm chí đã bằng, thấp hơn 0,3% so với trước dịch COVID-19. Các khó khăn về tiếp cận tín dụng đã được nhận diện, như bất động sản gặp khó, 70% nguyên nhân do khó khăn về pháp lý, vấn đề này đang được tháo gỡ tín dụng sẽ tăng theo. Cùng với đó, lãnh đạo NHNN cũng kiến nghị do đặc thù doanh nghiệp Việt Nam đa số là nhỏ và vừa nên cần tăng bảo lãnh vay vốn, có như vậy mới thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, gỡ khó kịp thời cho doanh nghiệp.

SONG NGUYÊN

 

Chia sẻ bài viết