13/07/2014 - 20:48

Đặc sản làng nghề chinh phục người tiêu dùng

Trong hành trình tham gia chuỗi phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn"do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp cùng các địa phương tổ chức, phần lớn cơ sở làng nghề và doanh nghiệp (DN) tại các tỉnh ĐBSCL đã có những bước tiến rõ nét từ việc quảng bá hình ảnh sản phẩm đến cách tiếp cận thị trường. Từ đó, nhiều DN và cơ sở đặc sản làng nghề đã xây dựng thành công thương hiệu, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng nông thôn.

Các cơ sở đặc sản làng nghề của vùng ĐBSCL như: Câu lạc bộ đặc sản làng nghề Trà Vinh, mắm bà giáo Khỏe 555, đường thốt nốt Thảo Hương… đã có bước chuyển mình và khẳng định vị trí trên thị trường. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm của Câu lạc bộ đặc sản làng nghề Trà Vinh như: Chả hoa Năm Thụy, bánh tét Trà Cuôn Hai Lý, nước mắm rươi, mắm tép,… với hương vị đặc trưng, chất lượng và mẫu mã đa dạng dần chinh phục được nhiều khách hàng. Vì vậy, tại các hội chợ hay phiên chợ hàng Việt về nông thôn, nhiều người dân sau khi dùng thử sản phẩm của những câu lạc bộ trên đã quyết định mua ngay.

Người tiêu dùng mua sắm hàng đặc sản của câu lạc bộ đặc sản làng nghề Trà Vinh trong phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn" tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Ông Ngô Văn Phương, Chủ DNTN Phong Vinh, chia sẻ: "Với mong muốn đưa sản phẩm đặc sản làng nghề phát triển và vươn xa ngoài địa phương, các cơ sở làng nghề không chỉ chú trọng sản xuất hàng hóa chất lượng, đáp ứng thị hiếu khách hàng, mà còn quan tâm đến quảng bá hình ảnh sản phẩm và tiếp cận thị trường bằng nhiều hình thức. Những chuyến tham gia hội chợ thương mại hay phiên chợ hàng Việt chính là cơ hội đẩy mạnh quảng bá sản phẩm đặc sản của làng nghề đến người tiêu dùng trong và ngoài vùng ĐBSCL". Theo ông Phương, sau các chuyến tham gia hội chợ hay phiên chợ hàng Việt, các thành viên trong câu lạc bộ đặc sản tỉnh Trà Vinh đã liên kết cùng chia sẻ thông tin, học hỏi về cách phân phối hàng, tiếp thị bán hàng để đưa đặc sản ra khỏi phạm vi chợ huyện và có mặt khắp các tỉnh, thành trong, ngoài khu vực ĐBSCL. Nhờ đó, nhiều mặt hàng đặc sản của Trà Vinh như: chả hoa Năm Thụy, rượu Xuân Thạnh, bánh tét Trà Cuôn Hai Lý hay nước mắm rươi … giờ đã xuất hiện trên các quầy tại các siêu thị ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương. Đây được xem là động lực thu hút thêm cơ sở sản xuất hàng đặc sản tham gia vào câu lạc bộ.

Công ty Cổ phần thực phẩm Bích Chi, tỉnh Đồng Tháp đã khẳng định ưu thế của DN địa phương, người tiêu dùng đánh giá tích cực những sản phẩm do công ty sản xuất. Anh Lê Văn Hiếu, Phụ trách bán hàng cho Công ty Cổ phần thực phẩm Bích Chi trong phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn" tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp (tổ chức vào đầu tháng 7-2014), cho biết: "Tại các chợ truyền thống trên địa huyện Hồng Ngự, sản phẩm của Bích Chi hiện có độ phủ từ 70-80%. Tham gia phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn" tại huyện Hồng Ngự lần này, đa phần người dân Hồng Ngự nhận ra ngay sản phẩm của Bích Chi và mạnh dạn chi tiền mua sắm". Theo anh Hiếu, mục tiêu của DN tham gia phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn", tại các phiên chợ không phải là doanh số bán hàng mà giúp người tiêu dùng nhận dạng hình ảnh cũng như chất lượng sản phẩm của DN địa phương. Để đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, ngoài trưng bày và giới thiệu các mặt hàng phở, bún và hủ tiếu ăn liền các loại, Bích Chi còn mang đến nhiều sản phẩm như: hủ tiếu hương nấm hương hay phở chay… phục vụ nhu cầu cho người ăn chay. Bích Chi còn quan tâm đến việc quảng bá hình ảnh DN thông qua các hoạt động như: thực hiện chương trình sampling, giới thiệu sản phẩm mới cho khách hàng tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời, triển khai chương trình dùng thử sản phẩm tại các hội chợ hay phiên chợ hàng Việt để người dân nhận biết chất lượng sản phẩm của DN. Sản phẩm của Bích Chi hiện có mặt khắp các kệ tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích trong và ngoài vùng ĐBSCL.

Tham gia chuỗi phiên chợ hàng Việt về nông thôn, nhiều cơ sở sản xuất đã nhận ra rằng thay đổi tư duy trong nhận thức kinh doanh, tiếp cận thị trường bằng nhiều hình thức khác nhau sẽ giúp đặc sản làng nghề, DN các tỉnh ĐBSCL chinh phục người tiêu dùng, kết nối với các kênh phân phối hiện đại… góp phần khẳng định vị thế trên thị trường. Kết quả đó đã thể hiện sự nỗ lực phát huy năng lực nội tại của DN và các cơ sở làng nghề trong việc mở ra hướng phát triển mới, nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, các DN cũng như cơ sở sản xuất đặc sản làng nghề cần phát huy hơn nữa từ việc chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, quảng bá thương hiệu đến việc nâng cao năng lực sản xuất, triển khai xây dựng kế hoạch phát triển thị trường, chú trọng đến việc phát triển sản phẩm mới… Muốn làm được điều này, các cơ sở đặc sản làng nghề cũng như DN cần có người đồng hành. Đó là, các ngành hữu quan tại các địa phương cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển cho các DN và cơ sở đặc sản làng nghề tại các ĐBSCL thông qua nhiều hình thức như: hỗ trợ chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới, hỗ trợ vốn… để các sản phẩm làng nghề, DN phát triển vững chắc trên thị trường.

Bài, ảnh: M.HOA

Chia sẻ bài viết