14/11/2021 - 15:58

Đa tầng văn hóa trong Lễ hội Ok-Om-Bok 

Một trong những nét đặc trưng văn hóa của đồng bào Khmer tại ÐBSCL là những lễ hội dân gian lớn trong năm: Chôl Chnăm Thmây (vào năm mới), Sene Dolta (cúng ông bà), Ok-Om-Bok (cúng trăng hay đưa nước), Dâng y cà sa... Trong đó, Ok-Om-Bok thể hiện nét đa tầng văn hóa khi lễ hội gồm hoạt động đua ghe ngo (Um-tuk), lễ cúng trăng hay đút cốm dẹp; cùng những hoạt động thả đèn nước, đèn gió, sinh hoạt văn nghệ - thể thao dân gian... Tính đa tầng còn thể hiện các mối quan hệ về ý thức xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo; sự kết hợp giữa văn hóa với các hoạt động thực tiễn đời sống của lễ hội Ok-Om-Bok.

Lễ hội đua ghe ngo

Lễ hội đua ghe ngo được tổ chức vào buổi trưa ngày 15 tháng 10 âm lịch hằng năm. Ghe ngo được làm bằng một thân cây sao nguyên vẹn, phần đầu và phần đuôi cong lên, không có mui, chiều dài từ 22-24m, chiều ngang ghe khoảng 8 tấc đủ cho 2 quân chèo ngồi, toàn ghe có khoảng 43-52 quân chèo. Nhà chùa sở hữu ghe ngo và ghe chỉ dùng duy nhất cho cuộc đua hằng năm. Ghe ngo được cất giữ cẩn thận trong khuôn viên chùa, trong một ngôi nhà cao ráo, thoáng đãng gọi là Rong-tuk.

Đua ghe ngo thường được tổ chức dịp Lễ hội Ok-Om-Bok. Ảnh: DUY KHÔI

Trước ngày hội đua khoảng một tháng, sư cả của chùa sẽ làm lễ hạ thủy ghe ngo. Sau đó chọn trai tráng khỏe mạnh trong phum, sóc làm quân chèo. Họ phải vào ở trong chùa và chay tịnh trong một tháng tập luyện. Ngày cuộc đua ghe ngo diễn ra, trong khi chờ xem đua ghe, người ta tham gia các trò chơi dân gian: đá cầu, thả diều, đẩy cây, thưởng thức ẩm thực. Cuộc đua ghe bắt đầu từ khoảng 11-12 giờ trưa, có khoảng 20-40 ghe ngo từ khắp các nơi ở ÐBSCL tham gia. Cuộc đua được tiến hành trên một khúc sông khoảng 3-5km. Ðến khoảng 4-5 giờ chiều, cuộc đua kết thúc, mọi người trở về phum, sóc để chuẩn bị cho lễ cúng trăng.

Lễ hội đua ghe ngo trước tiên cho thấy tục thờ linh vật của cư dân nông nghiệp vùng Ðông Nam Á. Hội đua ghe ngo cũng là một nghi lễ tống tiễn thần nước, thần mưa của người Khmer vùng hạ lưu sông Mekong. Người Khmer giải thích hội đua ghe ngo bằng nhiều truyền thuyết khác nhau. Ví như theo kinh Rig-Veda, chiếc ghe ngo mô phỏng hình dạng của rắn Naga đã được con người thần phục. Còn theo triết lý của Phật giáo, lễ hội đua ghe ngo nhằm tưởng nhớ dấu vết của Ðức Phật ở bờ cát bên sông Nimôta thuộc xứ Yônol (Lào), hay để nhớ đến một chiếc cầu bằng thuyền do Phật lập ra để ngăn chặn cơn đại hạn ở vương quốc Vaicali, hoặc tưởng nhớ một cái răng của Phật được vua loài rắn Naga cất giữ... Hội đua ghe ngo còn gắn với những sự tích liên quan đến các sư sãi và chùa chiền. Ðua ghe ngo còn để cảm ơn đất và nước về những ân huệ, những tặng vật đã ban cho con người và đây cũng là dịp để con người xin lỗi vì đã sử dụng đất và nước.

Lễ cúng trăng hay đút cốm dẹp

Lễ cúng trăng hay lễ đút cốm dẹp vào đêm 15 tháng 10 âm lịch, trước khi mặt trăng lên đỉnh đầu, mọi người tập trung tại khuôn viên chùa, tại sân nhà hay nhiều gia đình cùng đến một nơi rộng rãi không có bóng cây che khuất để làm lễ. Trước tiên họ đào lỗ cắm hai cây trúc (có nơi làm bằng hai cây mía cột chụm đầu lại) thành một cái cổng, trang trí hoa lá. Dưới cổng, người ta bày một bàn lễ vật, trước hết là cốm dẹp và một số nông sản khác: chuối, khoai, dừa... Sau đó, họ trải chiếu mời tất cả mọi người ngồi quay mặt về phía mặt trăng và mời một vị Acha làm chủ lễ. Người ta làm lễ dâng hương, trà và Acha khấn vái, cầu mong thần linh nhận lễ vật, ban phước lành, mùa sau mưa thuận gió hòa để mùa vụ bội thu.

Sau lễ cúng, Acha gọi trẻ em đến quỳ chắp tay hướng về mặt trăng, sau đó đút cốm dẹp, đấm nhẹ sau lưng và hỏi các em ước mong điều gì. Câu trả lời của các em sẽ được người lớn tin như những dự đoán tốt xấu trong vụ mùa tới. Sau các nghi thức trên, mọi người cùng dùng các thức cúng, trò chuyện, múa hát, còn các trẻ em vui chơi đến khuya...

Ðây cũng là những nghi lễ, tín ngưỡng dân gian thể hiện ý thức về thiên nhiên của cư dân nông nghiệp. Người Khmer làm ruộng theo mùa mưa và mùa khô trong năm ở Nam Bộ, tính theo đường quay vòng trái đất của mặt trăng. Vì thế, ngày 15 tháng 10 âm lịch là ngày cuối cùng của mùa hạ và cũng là thời gian thu hoạch. Trong đó, nếp có sớm nhất. Người ta dùng nếp sớm để giã thành cốm dẹp và dâng lên một số nông sản khác để cúng mặt trăng. Mặt trăng là vị thần điều động mùa màng trong năm. Việc đút cốm dẹp cho trẻ em nhằm để gởi gắm khát vọng về vụ mùa sau, sinh sôi nảy nở.

Người Khmer cũng giải thích nguồn gốc của nghi lễ này bằng một câu chuyện vừa mang dấu vết của Phật giáo, vừa là mô típ của một truyện kể dân gian, từ đó người Khmer cho rằng trên mặt trăng có hình dáng của chú thỏ trắng là tiền kiếp của Phật Thích Ca.

Các thành tố văn hóa dân gian trong lễ hội Ok-Om-Bok

Trong lễ hội Ok-Om-Bok có sự kết hợp đồng thời của nghi lễ, tín ngưỡng, trò chơi, nghệ thuật, ẩm thực. Về nghi lễ, có lễ hạ thủy ghe ngo (một số nơi còn gọi là lễ mặc áo cho ghe ngo), thả đèn nước, đèn gió, lễ cúng trăng. Các trò chơi dân gian: đá cầu, đẩy cây, thả diều, thả đèn gió, đèn nước. Các loại hình nghệ thuật dân gian trước giờ tổ chức hội đua ghe ngo như hát à-day, múa trống sa-dăm, dù-kê… Về mỹ thuật, có trang trí sơn phết, chạm trổ đầu và đuôi ghe ngo thành các hình dáng như thần rắn, cá sấu... Về ẩm thực là cách làm các loại bánh trái, lễ vật cúng trong lễ cúng trăng, đặc biệt là cách làm cốm dẹp.

Đút cốm dẹp là một trong những nghi thức quan trọng trong Lễ hội Ok-Om-Bok. Ảnh: DUY KHÔI

Nếu xét trong từng hoạt động của lễ hội, cũng có sự kết hợp đồng thời giữa các thành tố văn hóa. Ví như trong thả đèn gió, trước tiên đây là một nghi thức gởi thông điệp, gởi lời cầu xin mưa thuận gió hòa lên trời, vừa liên quan đến một sự tích về Phật Thích Ca. Tương truyền rằng đèn gió chính là chiếc răng Phật được thần rắn Naga cất giữ.

Lễ hội Ok-Om-Bok còn là sự kết hợp giữa văn hóa với hoạt động thực tiễn. Ðây là sự tái hiện quá trình khai phá đất đai, cải tạo thành đất nông nghiệp trồng lúa nước. Ðơn cử việc “cưỡi” trên chiếc ghe ngo có hình dáng như một con rắn, một con cá sấu to trong ngày hội là phản ánh thực tế về sự hoang sơ của vùng đất này vào thời xa xưa và sự chinh phục của con người.

Lễ hội Ok-Om-Bok cũng nhằm giải trí, thư giãn, tái tạo sức lao động sau một vụ mùa vất vả. Sau những ngày vui chơi giải trí một cách lành mạnh, nhất là tham gia hội đua ghe ngo thể hiện sức khỏe, tinh thần chiến thắng, thể hiện cái đẹp, người ta lại tin tưởng bước vào một mùa vụ mới.

Ngày 25-8-2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch đã có Quyết định số 2684/QÐ-BVHTTDL đưa lễ hội Ok-Om-Bok tỉnh Trà Vinh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Nhân lễ hội Ok-Om-Bok, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phối hợp các tỉnh, thành tổ chức 7 lần Ngày hội văn hóa - thể thao đồng bào Khmer các tỉnh Nam Bộ thu hút hàng triệu khách tham quan.

Ngọc Anh

-------------

Tài liệu tham khảo:

- Cao Huy Đỉnh, 2003, “Tìm hiểu thần thoại Ấn Độ”, NXB Khoa học xã hội.

- Sơn Phước Hoan, 1998, “Các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ”, NXB Giáo dục.

- GS. Đinh Gia Khánh, 1989,
“Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian”,
NXB Khoa học Xã hội.

Chia sẻ bài viết