16/01/2025 - 18:30

Cuộc đua lên Mặt trăng bắt đầu gay cấn 

Sau hàng loạt nỗ lực phóng tàu vũ trụ không người lái lên Mặt trăng trong vài năm gần đây, năm 2025 có thể sẽ mang đến cơ hội thứ hai cho các quốc gia cũng như trình làng một số công ty “tân binh”. Mở màn cho cuộc đua không gian năm 2025 là vụ phóng cùng lúc 2 tàu đổ bộ thương mại của Mỹ và Nhật Bản lên Mặt trăng vào sáng 15-1.

Tên lửa SpaceX mang 2 tàu đổ bộ thương mại rời bệ phóng ngày 15-1. Ảnh: friendsofnasa.org

Theo đó, tên lửa Falcon 9 của tập đoàn SpaceX cùng tàu đổ bộ Mặt trăng Blue Ghost do công ty tư nhân Firefly Aerospace (Mỹ) phát triển và tàu vũ trụ Resilience của công ty khởi nghiệp iSpace (Nhật Bản) đã cất cánh từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở bang Florida.

Tàu đổ bộ Blue Ghost mang theo 10 thiết bị khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), tập trung vào nghiên cứu bụi Mặt trăng, đặc điểm địa vật lý và tác động của thời tiết không gian. Theo kế hoạch, tàu Blue Ghost sẽ đáp xuống Mặt trăng vào đầu tháng 3 tới. NASA trả 145 triệu USD cho Firefly, tân binh trong cuộc đua khám phá Mặt trăng, để thực hiện nhiệm vụ này.

Trong khi đó, tàu Resilience mang theo 5 thiết bị khoa học, bao gồm một thiết bị điện phân nước, một module sản xuất thực phẩm thử nghiệm, một robot tự hành nhỏ mang tên Tenacious. Robot cao 26cm này có nhiệm vụ khám phá bề mặt Mặt trăng và thu thập dữ liệu. Tàu dự kiến hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng vào tháng 5 tới, trong sứ mệnh trị giá gần 100 triệu USD.

Nếu thành công, Resilience sẽ là tàu đổ bộ đầu tiên của một công ty tư nhân Nhật Bản hạ cánh xuống Mặt trăng. Mục tiêu của iSpace là thiết lập một dịch vụ vận chuyển giữa Trái đất và Mặt trăng. Tháng 4-2023, công ty này đã thực hiện nỗ lực đầu tiên nhằm hạ cánh tàu đổ bộ xuống Mặt trăng, song thất bại khi gần đến đích.

Hồi tháng 2-2024, Intuitive Machines của Mỹ đã trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa tàu đổ bộ hạ cánh thành công trên Mặt trăng. Tháng tới, Intuitive Machines dự kiến ​​sẽ thực hiện sứ mệnh thứ hai trong số 4 sứ mệnh Mặt trăng theo hợp đồng ký kết với NASA. Sứ mệnh thứ ba, có tên IM-3, có thể được phóng sớm nhất vào tháng 10-2025.

Intuitive Machines là một trong những bên tham gia Chương trình Vận tải thương mại lên Mặt trăng (CLPS) của NASA, trong đó cơ quan này hợp tác với các công ty tư nhân để đưa hàng hóa lên Mặt trăng. Các nhà thầu khác bao gồm Firefly và Astrobotic Technology. Kế thừa Apollo, chương trình Artemis của NASA đặt mục tiêu đưa phi hành gia trở lại Mặt trăng vào cuối thập niên này. Ðể chuẩn bị cho mục tiêu đó, NASA sẽ gửi rất nhiều thiết bị khoa học và công nghệ lên Mặt trăng.

Những kế hoạch phóng sắp tới

Trong khi đó, Blue Origin, công ty vũ trụ do tỉ phú Mỹ Jeff Bezos thành lập năm 2000, có kế hoạch phóng một tàu đổ bộ “tìm đường” cho các nhiệm vụ chở hàng lên Mặt trăng sớm nhất là trong năm nay.

Nhiệm vụ này sẽ gửi một tàu đổ bộ robot để thử nghiệm thiết kế và động cơ của tàu vũ trụ Blue Moon, trước khi thực hiện các nhiệm vụ mang theo những thiết bị khoa học có giá trị hoặc phi hành đoàn trên tàu trong tương lai. Tàu Blue Moon là một trong 2 phương tiện mà NASA chọn để đưa các phi hành gia từ quỹ đạo Mặt trăng xuống bề mặt hành tinh này. Hợp đồng vận chuyển của Blue Origin trị giá 3,4 tỉ USD.

Nhiều sứ mệnh Mặt trăng khác cũng đã lên lịch phóng vào cuối năm nay, mặc dù tính phức tạp của nhiệm vụ thường dẫn đến sự chậm trễ.

Trong đó, Astrobotic Technology sẽ có cơ hội bật dậy sau lần đầu tiên hạ cánh xuống Mặt trăng nhưng thất bại vào năm 2024. Phương tiện mới và lớn hơn của công ty này là Griffin đang được chế tạo để phóng sớm nhất trong năm nay.

Chỉ có 5 quốc gia đã hạ cánh thành công các phương tiện trên Mặt trăng kể từ thập niên 1960, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nhật Bản và Liên Xô cũ. Ðến nay, Mỹ vẫn là quốc gia duy nhất đưa phi hành gia lên thiên thể cách Trái đất gần 390.000km.

Ngành công nghiệp thám hiểm không gian đạt 630 tỉ USD vào năm 2023 và dự kiến ​​sẽ bùng nổ lên 1.800 tỉ USD năm 2035, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết