Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 9-4 đã ký dự luật chi tiêu tạm thời, tránh cho chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động vì hết tiền, đồng thời tạm chấm dứt tranh cãi về cắt giảm ngân sách giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tuy nhiên, báo chí Mỹ nhận định “cuộc chiến ngân sách” ở nước này vẫn chưa kết thúc.
Như tin đã đưa, nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã đạt được thỏa thuận cắt giảm thêm 38,5 tỉ USD ngân sách đến ngày 30-9 tới, sau cuộc tranh luận kéo dài, kết thúc chỉ vài giờ trước khi chính phủ liên bang Mỹ rơi vào tình trạng ngừng hoạt động vì hết tiền.
Ông Obama than thở rằng sự hợp tác đạt được sau những thỏa hiệp khó khăn là “sự cắt giảm chi tiêu lớn nhất trong lịch sử” tại thời điểm mà Washington phải đối mặt với tình trạng thâm hụt dự báo khoảng 1.650 tỉ USD, tương đương 10,9% GDP của Mỹ trong năm 2011. Đây là mức thâm hụt ngân sách lớn nhất của Mỹ từ năm 1945 tới nay.
Tổng thống Obama cho hay, sự cắt giảm nói trên “sẽ rất đau đớn, kéo theo sự chậm trễ hoặc trì hoãn nhiều chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng”. Tuy nhiên, ông cho rằng “người Mỹ cần phải bắt đầu sống trong điều kiện vốn có của mình, bởi đó là cách duy nhất để bảo vệ nguồn đầu tư, giúp Mỹ cạnh tranh hơn trong việc tạo ra công ăn việc làm mới”.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner cũng cho biết đã có rất nhiều tranh luận và đấu tranh lâu dài, phe Cộng hòa của ông “buộc phải chiến đấu”, bởi điều đó sẽ giúp tạo ra một môi trường việc làm tốt hơn cho người dân trong nước.
Ai cũng biết nếu không có thỏa thuận đạt được đêm thứ 6 tuần rồi (theo giờ địa phương) thì chính phủ Mỹ buộc phải ngưng hoạt động, ảnh hưởng tới việc làm của 800.000 nhân viên chính phủ.
Tuy nhiên, trong bài viết có tựa đề “Bây giờ mới là cuộc chiến ngân sách thực sự” đăng tải ngày 10-4, hãng tin Mỹ CNN nhận định: Thỏa thuận đạt được theo kiểu “để nước tới chân mới nhảy”khiến nhiều người lo lắng rằng cuộc chiến ngân sách khó khăn hơn nhiều vẫn còn ở phía trước, đặc biệt là xung quanh vấn đề nâng mức trần nợ công và đối phó tình trạng thâm hụt ngân sách lâu dài. CNN cho rằng nếu giải quyết những vấn đề này như kiểu làm tệ hại vừa rồi của những nhà lập pháp Mỹ, hậu quả sẽ trầm trọng hơn nhiều so với những lần tạm thời đóng cửa của một số đời chính phủ trước đây.
Bộ Tài chính Mỹ dự đoán trong khoảng thời gian từ ngày 15-4 đến ngày 31-5 tới đây, nợ công của Mỹ sẽ chạm tới mức trần 14.300 tỉ USD mà pháp luật liên bang cho phép. Nếu nợ công chạm trần thì về nguyên tắc, Mỹ xem như vỡ nợ. Tính đến hôm 1-4 vừa qua, lượng tiền mà Bộ Tài chính Mỹ vay chỉ còn cách mức trên có 95 tỉ USD.
Nguy cơ là ở chỗ trần nợ công đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi lâu nay trong Quốc hội Mỹ. Đảng Dân chủ muốn tăng mức trần nợ công, trong khi nhiều nghị sĩ phe Cộng hòa muốn sử dụng mức trần này để ép chính quyền của ông Obama cắt giảm chi tiêu.
Vì thế, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner và Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke đã không ít lần cảnh báo rằng cuộc tranh cãi kéo dài khiến mức trần nợ công không được tăng lên sẽ gây ra “hậu quả thảm khốc” cho nền kinh tế Mỹ.
THẢO VY (Theo CNN, FoxNews và NPR)