22/08/2020 - 18:20

Cuộc chiến giành khí đốt ở Đông Địa Trung Hải 

Trong nhiều thập kỷ qua, tranh chấp biên giới biển phía Đông Địa Trung Hải chỉ giới hạn trong các tuyên bố hoặc phản đối về chủ quyền giữa Síp, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Song, trong 5 năm qua, các nguồn khí đốt tự nhiên ngoài khơi đã biến Đông Địa Trung Hải trở thành một đấu trường chiến lược quan trọng, với sự tham gia của các nước phương Tây và Trung Đông.

Hợp lực chia nguồn khí đốt

Căng thẳng tái bùng phát mới đây khi Thổ Nhĩ Kỳ điều tàu thăm dò Oruc Reis với sự hộ tống của tàu hải quân để tìm kiếm nguồn dầu khí tự nhiên ở vùng biển gần đảo Kastellorizo của Hy Lạp, nơi mà cả Athens và Ankara đều tuyên bố chủ quyền. Thể hiện sự ủng hộ đối với Hy Lạp, Pháp điều tàu chiến đến vùng biển tranh chấp nói trên. Ai Cập và Israel, 2 nước thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung với Hy Lạp, cũng bày tỏ tình đoàn kết với Athens. Nga cũng điều 1 khu trục hạm đến khu vực theo dõi tình hình. Trong khi đó, Mỹ cử chiến hạm USS Hershel Woody Williams đến đảo Crete của Hy Lạp để theo dõi căng thẳng ngày càng leo thang giữa 2 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), làm dấy lên lo ngại về khả năng tăng cường sự hiện diện quân sự của Washington tại khu vực.

Tàu thăm dò Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Địa Trung Hải. Ảnh: Reuters

Cuộc tranh giành chủ quyền giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ ở Ðông Ðịa Trung Hải  bắt đầu khởi phát sau khi Tập đoàn dầu mỏ Eni của Ý hồi tháng 8-2015 phát hiện ra mỏ khí đốt tự nhiên khổng lồ Zohr trên vùng biển của Ai Cập. Ðây là mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất được tìm thấy ở Ðịa Trung Hải với trữ lượng khoảng 850 tỉ mét khối. Eni, vốn đồng thời là nhà điều hành hàng đầu trong lĩnh vực phát triển khí đốt tự nhiên của Síp, cũng bắt đầu xúc tiến kế hoạch thu gom khí đốt của Síp, Ai Cập và Israel cũng như quảng bá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của khu vực sang châu Âu.

Tuy nhiên, Eni phải đối mặt một số rắc rối về địa chính trị khi không cho Thổ Nhĩ Kỳ giữ bất kỳ vai trò nào, phá vỡ tham vọng trở thành trung tâm năng lượng khu vực của Ankara. Năm 2018, Tập đoàn năng lượng khổng lồ Total của Pháp còn giáng một đòn khác vào Thổ Nhĩ Kỳ khi hợp tác với Eni phát triển khí đốt ở Síp, đưa Pháp tiến vào giữa vùng năng lượng Ðông Ðịa Trung Hải. Síp cùng lúc chính thức đồng ý nhập khẩu LNG của Ai Cập. Ít lâu sau, Israel, quốc gia trước đó cân nhắc xây dựng đường ống dẫn khí đốt dưới biển Israel - Thổ Nhĩ Kỳ, đã tiếp bước Síp ký thỏa thuận bán khí đốt cho Ai Cập.

Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả

Do không được hưởng thị phần khí đốt, Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra khó chịu, tham gia vào một loạt các cuộc tập trận “ngoại giao pháo hạm”, triển khai các tàu thăm dò và giàn khoan với sự hộ tống của tàu hải quân đến vùng biển Síp. Nước này tiếp tục từ chối công nhận các đường biên giới trên biển của Síp mà Ankara cho rằng được vẽ ra một cách phi pháp. Và với mỗi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, mặt trận Ai Cập - Israel - Síp - Hy Lạp ngày càng nhận được sự ủng hộ về quân sự từ Pháp, Ý và Mỹ - những nước có khoản đầu tư kinh tế đáng kể vào khí đốt ở Ðông Ðịa Trung Hải.

Trong nỗ lực thoát khỏi sự cô lập tại khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 9-2019 đã ký thỏa thuận phân chia biên giới trên biển với Chính phủ Ðoàn kết Dân tộc Libya (GNA) đóng tại thủ đô Tripoli được Liên Hiệp Quốc công nhận nhằm có được vị thế pháp lý cao hơn để thách thức các biên giới biển mà Hy Lạp thiết lập với Síp và Ai Cập. Thỏa thuận ranh giới biển Thổ Nhĩ Kỳ - Libya mở rộng các yêu sách hàng hải của Thổ Nhĩ Kỳ ngay trên phần Ðông Ðịa Trung Hải, nằm giữa Hy Lạp và Síp; thiết lập đoạn ranh giới dài 18,6 hải lý giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya và từ đường ranh giới đó, thỏa thuận phân chia khu vực hàng hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya - khu vực trải dài từ góc Tây Nam của Thổ Nhĩ Kỳ đến bờ biển miền Ðông Libya.

Ðặc biệt, thỏa thuận ranh giới biển Ankara - Tripoli kèm theo một hiệp ước hợp tác quân sự, hỗ trợ GNA chống lại Lực lượng quân đội miền Ðông của Tướng Khalifa Hafta Haftar, vốn được Nga, Pháp và Ai Cập hậu thuẫn. Tháng 12 năm ngoái, GNA chính thức kích hoạt hiệp ước quân sự với Ankara, kết nối tình hình trên biển vốn đã căng thẳng ở Ðông Ðịa Trung Hải với cuộc nội chiến ở Libya. Thổ Nhĩ Kỳ kể từ đó tăng cường sự hiện diện quân sự ở Libya, tạo nền tảng thách thức Síp, Ai Cập và Hy Lạp ở Ðông Ðịa Trung Hải. Tận dụng vị thế ngày càng nâng cao tại khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách gây áp lực đối với Hy Lạp. Ðáp lại, Hy Lạp ngày 6-8 đã ký với Ai Cập thỏa thuận phân định hàng hải nhằm thiết lập khu vực đặc quyền kinh tế giữa hai nước. Và chỉ vài ngày sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tàu Oruc Reis với sự hộ tống của 5 tàu hải quân đến vùng biển tranh chấp gần đảo Kastellorizo.

TRÍ VĂN (Theo Foreign Policy, VOA)

Chia sẻ bài viết