16/09/2010 - 09:17

Cuộc chiến Afghanistan với sự trỗi dậy của Taliban

Kỳ 4: Tiêu diệt Taliban trước hết phải trừ cây anh túc

Taliban bảo kê nông dân Afghanistan trồng anh túc.
Ảnh: AFP

Để tiêu diệt Taliban, Mỹ lên kế hoạch tấn công nguồn tài chính chủ yếu của Taliban, đó là những cánh đồng anh túc bạt ngàn, bằng cách đưa 20.000 binh sĩ và lính thủy đánh bộ tới 3 tỉnh trồng nhiều loại cây này là Helmand, Kandahar và Zabul ở miền Nam từ năm 2007. Thực tế, chính sách xóa cây anh túc đã được chính quyền Afghanistan áp dụng từ năm 2002, nhưng dù được viện trợ hàng tỉ USD và sự giúp sức của hàng chục ngàn quân nước ngoài, “nguồn sữa” của Taliban vẫn không bị cắt đứt.

Năm 2000, khi còn kiểm soát Afghanistan, Taliban cấm nông dân trồng cây anh túc, bởi vậy có lúc diện tích cây trồng này giảm đến 96%. Cuối năm 2001, sau khi chính quyền Taliban bị Mỹ lật đổ, Taliban cần tiền mua vũ khí và nuôi quân chống lại quân chính phủ và quân đội Mỹ-NATO thì họ không cấm nữa. Taliban còn khuyến khích nông dân trồng trở lại cây này để có thể thu thuế ruộng, thuế chế biến và thu tiền mãi lộ thương buôn thuốc phiện.

Thông qua việc bảo kê, thu thuế và buôn bán thuốc phiện, Taliban có thể thu được ít nhất 300 triệu USD mỗi năm, chiếm 90% tổng doanh thu từ chất gây nghiện này trên thế giới. Theo các chuyên gia Mỹ, số tiền trên đủ để tài trợ cho các chiến dịch quân sự của Taliban trong một năm.

Nhằm thay thế cây anh túc, Mỹ đã đầu tư 250 triệu USD cho các dự án nông nghiệp như cải thiện điều kiện tưới tiêu và trồng lúa mì. Cùng với đó là 200 triệu USD để cải thiện cơ sở vật chất, chủ yếu là đường sá, để giúp vận chuyển nông sản ra thị trường. Mục tiêu chính của Mỹ là lập lại trị an, dần cô lập nhóm phiến quân với dân thường. Tuy nhiên, vì cây anh túc được trồng ở những khu dân cư mà các phần tử Taliban dễ dàng trà trộn nên kế hoạch này vấp phải nhiều trở ngại. Mặt khác, kêu gọi nông dân bỏ cây anh túc là gần như không thể, khi Taliban dành nhiều ưu đãi cho nông dân, những lợi ích mà chính quyền Kabul không làm được. Chẳng hạn như, chúng bao giá sản phẩm cho nông dân và đảm trách việc đưa sản phẩm ra thị trường, dù điều kiện đường sá nơi đây vô cùng tồi tệ. Khi tiến hành chiến dịch xóa cây anh túc, chính quyền Kabul thỏa thuận đền bù cho nông dân 500 USD/mẫu Anh (tương đương 0,4 ha). Số tiền này quá nhỏ so với thu nhập thực tế 6.400 USD/mẫu Anh của nông dân nếu trồng cây anh túc. Cho nên, dù đa phần dân Afghanistan không thích trồng cây anh túc nhưng vì cuộc sống họ buộc phải làm.

Một thực tế khác là khi Mỹ hạn chế được diện tích trồng anh túc thì giá thuốc phiện lại bị đẩy lên cao. Taliban không bị thiệt hại nhiều như tính toán của Mỹ. Trong khi đó, các cuộc chạm trán giữa Mỹ với các phần tử nổi dậy thường gây thiệt hại cho dân thường vô tội, gây khó khăn cho Mỹ trong việc thu phục lòng dân Afghanistan.

Vì vậy, trong chiến lược mới về Afghanistan khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền đầu năm 2009, Mỹ đã giảm dần việc tài trợ xóa cây anh túc. Washington cho rằng nhổ bỏ cây thuốc phiện không có tác dụng và chỉ đẩy nông dân Afghanistan ngã về Taliban. Tuy nhiên, một số quan chức Afghanistan cho rằng chiến lược mới của Mỹ là một sai lầm vì để dân tiếp tục trồng cây anh túc sẽ có lợi cho Taliban.

Tổng Tư lệnh mới của Lực lượng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tướng David Petraeus cũng vừa ban hành hướng dẫn mới cho lực lượng Mỹ và liên quân tại Afghanistan, trong đó có yêu cầu binh sĩ ngồi uống trà nhiều với người địa phương. Trong tuyên bố đầu tiên sau khi nhậm chức từ đầu tháng 7, Tướng Petraeus kêu gọi các binh sĩ học hỏi và thích nghi với văn hóa Afghanistan, trong khi chiến đấu chống phiến quân Taliban và đồng minh của chúng. Ông Petraeus nói: “Nếu chúng ta giết người dân hoặc làm tổn hại tài sản của họ trong tiến trình triển khai quân, chúng ta sẽ tạo ra thêm nhiều kẻ thù hơn số mà ta có thể trừ khử được. Đó chính là những gì mà Taliban muốn. Đừng rơi vào bẫy”.

BẢO TRÂM (Theo New York Times)

Kỳ tới: Nóng bỏng mặt trận tuyên truyền

Taliban bảo kê nông dân Afghanistan trồng anh túc. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết