03/02/2024 - 10:20

Cung ứng nông sản “độc, lạ” cho thị trường Tết 

Càng gần đến Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, vùng chuyên canh nông sản ÐBSCL tất bật sản xuất rất nhiều sản phẩm như hoa kiểng, trái cây, thủy hải sản… trong đó có những mặt hàng “độc, lạ” được chăm sóc chu đáo để phục vụ thị trường Tết.

Ông Huỳnh Thanh Tâm - ở xã An Khánh (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) bên trái bưởi tạo hình thỏi vàng chữ “tài - lộc”.

Trái cây tạo hình giá hơn 1 triệu đồng/cặp

Lây nay, Hậu Giang là nơi chuyên sản xuất bưởi hồ lô phục vụ thị trường Tết khắp nơi. Ông Võ Trung Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ bưởi hồ lô xã Phú Hữu (huyện Châu Thành) cho biết, hiện nay các thành viên của câu lạc bộ tất bật “o bế” hơn 1.000 trái bưởi tạo hình (chữ tài, lộc) để cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ thị trường Tết 2024 sắp đến. Có khoảng 80% sản phẩm đã được khách hàng xa gần đặt mua và đang thu hoạch để giao cho khách. “Năm nay, bưởi tạo hình trái đẹp có giá bán dao động từ khoảng 1-1,4 triệu đồng/cặp, về cơ bản không tăng so với các năm trước, mà còn giảm nhẹ…”, ông Thành thông tin thêm.

Theo ông Thành, nhiều năm qua ông đã tiên phong làm trái cây tạo hình. Ban đầu ông chọn một số mẫu cho trái bưởi như hình vuông, hình hồ lô... Qua quá trình thử nghiệm, ông quyết định chọn hình trái bưởi hồ lô có 2 chữ “tài - lộc” nổi trên bề mặt, bởi có ý nghĩa để chưng trong những ngày Tết. Từ khi sản phẩm bưởi tạo hình hồ lô “độc, lạ” của ông Thành ra đời đã được người tiêu thụ khắp nơi đón nhận và trở nên “đắt hàng” mỗi khi Tết đến. Song song đó, ông Thành còn hỗ trợ kỹ thuật để nhiều người khác làm theo, không chỉ bưởi hồ lô có chữ “tài - lộc”, mà còn có bưởi hồ lô in hình thỏi vàng, đồng tiền, chữ “phúc - lộc - thọ”… nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu thị trường mỗi khi Tết đến xuân về.

Cũng ở huyện Châu Thành (Hậu Giang), ông Võ Hồng Quốc chăm sóc vườn đào tiên tạo hình để bán vào dịp Tết. Năm nay, ông sản xuất khoảng 200 trái đào tiên chữ “tài - lộc”, có giá bán từ 400.000-600.000 đồng/trái. Ông Huỳnh Thanh Tâm ở xã An Khánh (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cũng chuyên tạo hình các loại trái cây như bưởi, dừa phục vụ thị trường Tết mỗi năm. Năm nay ông Tâm sẽ cung ứng thị trường Tết khoảng 2.000 trái dừa tạo hình hồ lô chữ “phúc - lộc - thọ” và chữ “tài - lộc”, cùng 1.500 trái bưởi tạo hình hồ lô, thỏi vàng, hoa mai, đồng tiền… Ðể tạo ra hàng ngàn sản phẩm “độc, lạ” bắt mắt, ông Tâm cho biết đã đầu tư nhiều kinh phí nhằm cải tiến khuôn mẫu, thay đổi phông chữ nổi đẹp hơn, sắc sảo hơn…

Cũng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ông Bùi Văn Thức (xã Ðông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đang tập trung chăm sóc các loại trái cây như đu đủ, dừa, mãng cầu, xoài… trong số này nhiều nhất là xoài có in chữ thư pháp với giá bán tại vườn khoảng 150.000-180.000 đồng/trái. Ngoài việc bán lẻ thì ông Thức còn cung cấp trái cây tạo hình theo dạng trọn gói mâm ngũ quả “cầu, sung, dừa, đủ, xoài”, có giá dưới 1 triệu đồng. Việc cung ứng sản phẩm combo này sẽ rất tiện lợi cho khách hàng trong mua sắm trái cây tạo hình chưng cúng dịp Tết…

Hàng chục triệu chậu hoa kiểng cung ứng Tết

Cùng với trái cây tạo hình thì hoa kiểng là sản phẩm không thể thiếu trong dịp Tết. Tại Làng hoa Sa Ðéc (tỉnh Ðồng Tháp), hàng ngàn hộ dân trồng hoa kiểng Tết đang đẩy nhanh tiến độ, tập trung chăm sóc tỉ mỉ để hoa thu hoạch ngay dịp Tết nhằm bán được giá cao.

Làng hoa Sa Ðéc (Ðồng Tháp) đang vào xuân.

Cung ứng thị trường Tết năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Lan, ở phường Tân Quy Ðông, TP Sa Ðéc đang xuất bán khoảng 3.000 chậu cúc, mào gà, bông giấy và vạn thọ. Theo bà Lan, năm nay giá vật tư nông nghiệp tăng, trong khi đó một số loại hoa vẫn giữ giá từ 60.000-90.000 đồng/chậu, nên nông dân vẫn có lãi nhưng không nhiều. Cũng ở Làng hoa Sa Ðéc, năm nay gia đình ông Võ Văn Trung trồng hơn 1.000 chậu cúc mâm xôi Hàn Quốc nhiều màu trông rất bắt mắt. Nhờ chăm sóc chu đáo nên cúc nở hoa ngay đúng dịp Tết, cộng với những hoa cúc lạ và đẹp nên giá bán từ 150.000-200.000 đồng/chậu được khách hàng chấp nhận.

Theo lãnh đạo tỉnh Ðồng Tháp, hoa kiểng được xác định là thế mạnh của tỉnh và lâu nay Làng hoa Sa Ðéc là nơi có nhiều người dân đam mê, sáng tạo nên hoa kiểng phong phú, làm giàu đời sống tinh thần không chỉ cho người dân Ðồng Tháp mà còn lan tỏa những giá trị tốt đẹp này đi nhiều nơi trong cả nước. Trong đời sống người dân Sa Ðéc, hoa kiểng là người bạn đồng hành trong hành trình vượt khó, thoát nghèo, làm giàu. Hoa, kiểng Sa Ðéc giờ đây không chỉ là thương hiệu của một ngành hàng chủ lực trong nông nghiệp của tỉnh Ðồng Tháp với giá trị hơn 6.000 tỉ đồng mỗi năm, mà đã trở thành những tên gọi có tính biểu tượng cao, khẳng định giá trị, truyền thống, chất lượng, nét đặc sắc riêng có của vùng đất này. Hiện đã có diện tích khoảng 1.000ha với hơn 2.000 giống hoa, kiểng, cung ứng hơn 12 triệu sản phẩm hàng năm; trong đó mùa Tết là chủ lực.

Tại Bến Tre, không khí sản xuất và cung ứng hoa tết cũng nhộn nhịp. Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách cho hay, dịp Tết Nguyên đán hằng năm những hộ trồng hoa kiểng trong huyện cung ứng cho thị trường Tết khoảng 10 triệu chậu các loại. Hiện thương lái các nơi kéo về thu mua và chở hoa kiểng đi các nơi tiêu thụ…

Bà Trần Thị Mai, ngụ xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách (Bến Tre), cho biết: “Dịp Tết này gia đình tôi chở qua TP Cần Thơ hơn 400 cây mai vàng. Theo đó, mai vàng (loại mai kiểng cao khoảng 1 mét) dự kiến giá từ 500.000-700.000 đồng/cây trở lên, mai vô chậu (cao từ 1 mét trở lên) giá 1,5-2 triệu đồng/cây… Nếu thị trường tiêu thụ tốt thì trước Tết khoảng 2-3 ngày sẽ bán hết; còn trường hợp tiêu thụ chậm sẽ bán kéo dài đến tối 29 Tết…

Bài, ảnh: PHƯỚC BÌNH

 

Chia sẻ bài viết