04/06/2012 - 20:58

NGÀNH NUÔI TRỒNG THỦY SẢN Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Cùng liên kết để phát triển bền vững

Thu hoạch cá tra tại HTX thủy sản Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ). Ảnh: MINH HUYỀN

Với 762.000ha mặt nước nuôi thủy sản cùng giá trị xuất khẩu hàng tỉ USD mỗi năm, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp đến 2/3 kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Ngành nuôi trồng thủy sản không chỉ tạo ra việc làm, tăng lợi nhuận cho người dân mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng. Các địa phương ở ĐBSCL đang định hướng phát triển mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh cho ngành nuôi trồng thủy sản của vùng.

Chưa phát huy hết tiềm năng

Với những lợi thế về diện tích, sản lượng khai thác, đánh bắt và cả kim ngạch xuất khẩu, nghề nuôi trồng thủy sản được các địa phương khuyến khích phát triển trên cơ sở khai thác những lợi thế do thiên nhiên mang lại gắn với nhu cầu thị trường để chọn đối tượng canh tác phù hợp. Nằm ở vị trí được bao bọc bởi sông Tiền và sông Hậu, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, tỉnh Vĩnh Long đã khai thác tối đa lợi thế sẵn có để nuôi trồng và khai thác thủy sản. Toàn tỉnh có 3.091 ha mặt nước và 787 lồng bè nuôi thủy sản các loại. Ông Nguyễn Văn Bé Ba, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Hiện nay, toàn tỉnh có 6 HTX và 1 Liên hiệp HTX thủy sản hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cá giống, chăn nuôi các loại thủy sản, sản xuất và tiêu thụ thức ăn chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm cho các xã viên. Ngoài ra, tỉnh còn có 866 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Các tổ hợp tác này chủ yếu nuôi thủy sản thâm canh trên ruộng lúa, mương vườn, kết hợp với mô hình vườn-ao-chuồng (VAC) trong sản xuất nông nghiệp”.

Theo Viện Phát triển Kinh tế Hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam), ĐBSCL là khu vực có nhiều HTX thủy sản nhất với 155 HTX, chiếm hơn 1/3 số HTX thủy sản của cả nước. Các HTX giúp đỡ nhau từ khâu giống, thức ăn, phòng trừ dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm,... Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thới An (TP Cần Thơ), cho biết: Thời gian qua, nghề nuôi cá tra thương phẩm ở HTX Thủy sản Thới An không ngừng phát triển. Không chỉ huy động các xã viên cùng góp vốn, góp sức để đầu tư 300ha ao nuôi cá tra thương phẩm, HTX còn đứng ra tổ chức các khâu dịch vụ để hỗ trợ xã viên như tìm và cung cấp các yếu tố đầu vào, liên kết với doanh nghiệp chế biến để ổn định đầu ra.

Hiện nay, ngành nuôi trồng thủy sản của ĐBSCL đang gặp một số bất lợi do sản xuất đơn lẻ, người nuôi chỉ quan tâm đến lợi nhuận nhất thời nên có lúc, có nơi ngành phát triển quá nóng, thiếu quy hoạch dẫn đến mất cân đối cung cầu. Công tác quản lý các yếu tố đầu vào, khâu thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bất cập. Việc đầu tư cho sản xuất của nông dân còn không ít khó khăn. Vì vậy, các địa phương trong vùng ĐBSCL đều chú trọng khai thác các điều kiện tự nhiên để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, định hướng liên kết các hộ nuôi trồng thủy sản lại với nhau hình thành mô hình HTX thủy sản. Song, trong thời gian qua, các HTX thủy sản ở ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, quy mô còn nhỏ, các tổ chức tín dụng chỉ cho nông dân vay vốn hỗ trợ sản xuất khi có tài sản thế chấp, việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn...

Tạo mối liên kết bền vững

Theo Viện Phát triển Kinh tế Hợp tác, hiện tại, Liên minh HTX Việt Nam đang phối hợp với Bộ Công thương triển khai xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ và hoạt động cung ứng vật tư nông nghiệp; trong đó có hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản tại 12 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đối với lĩnh vực thủy sản tại ĐBSCL, mô hình tiêu thụ cá tra và cung ứng vật tư thủy sản đang được thực hiện thí điểm tại Trường Đại học An Giang. Từ kết quả bước đầu của mô hình này, Viện Phát triển Kinh tế Hợp tác đề xuất “Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp/Liên hiệp HTX-HTX-Ngư dân trong hoạt động nuôi trồng, đánh bắt, tiêu thụ thủy, hải sản thông qua hợp đồng”. Ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, phân tích: “Thực hiện thí điểm mô hình liên kết được xem là một giải pháp tối ưu để đưa ngành thủy sản phát triển bền vững. Khi tham gia mô hình này, doanh nghiệp, Liên hiệp HTX tham gia tìm kiếm thị trường, tổ chức thu mua, cung ứng vốn, giống, vật tư, kỹ thuật... HTX tại địa bàn phổ biến về lợi ích, trách nhiệm; hướng dẫn, vận động xã viên thực hiện đúng hợp đồng; trực tiếp cung ứng vốn, giống, vật tư, kỹ thuật do doanh nghiệp đầu tư. Người nuôi đảm bảo thực hiện đúng các quy trình nuôi trồng, thu hoạch theo hướng dẫn của HTX, tuân thủ hợp đồng đã ký với doanh nghiệp...”.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, giống như nghề nông, nghề nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên, nếu không có sự hợp tác thì hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp. Vấn đề quan trọng là phải lựa chọn mô hình cung ứng vật tư, kỹ thuật để nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và tiêu thụ thủy, hải sản phù hợp với hoạt động của các HTX khu vực ĐBSCL. Ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hình thành các chi hội thủy sản trên cơ sở liên kết giữa người nuôi thủy sản với các doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, tập hợp người nuôi thành các tổ nhóm, các liên hiệp hoặc hội nuôi cá sạch tham gia cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp. Cách làm này trong thời gian qua đã giúp giảm thiểu tình trạng tranh mua, tranh bán trong phát triển nghề nuôi thủy sản mà chủ yếu là sản phẩm cá tra”.

Khi những hộ nuôi nhỏ lẻ liên kết lại để hình thành HTX thì hàng loạt những khó khăn của nghề nuôi trồng thủy sản sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là làm thế nào để nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX. Tại Hội thảo “Nghiên cứu phát triển mô hình Hợp tác xã (HTX) thủy sản trong xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL”, bà Nguyễn Thị Thúy Anh, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế Hợp tác, cho biết: “Thời gian tới, Viện Kinh tế Hợp tác phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam tham mưu, đề xuất với Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương đề ra những chính sách đổi mới nhằm củng cố và phát triển kinh tế tập thể trong ngành thủy sản vùng ĐBSCL. Qua đó đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo lập nghề mới, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân”.

MINH HUYỀN-MỸ THANH

Chia sẻ bài viết