Từ khi Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường”, đã có hàng trăm lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn được đến trường, thắp sáng ước mơ.
Thiếu tá Nguyễn Ðình Thắng, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Tam Giang Tây, thăm động viên cháu Chung Hoàng Khôi trước thềm năm học mới.
Khu vực biên giới biển của tỉnh Cà Mau gồm 23 xã, thị trấn thuộc 6 huyện ven biển. Qua khảo sát, hiện còn nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, thiếu nhà ở, con em không có điều kiện đến trường. Thấu hiểu hoàn cảnh đó, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ BÐBP tỉnh Cà Mau đã có nhiều việc làm thiết thực, góp phần cùng cấp ủy đảng, chính quyền địa phương từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp nhiều gia đình có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, lo cho con em ăn học.
Theo Ðại tá Phạm Minh Giang, Bí thư Ðảng ủy, Chính ủy BÐBP tỉnh Cà Mau, thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh BÐBP phát động, từ năm 2015 đến nay, BÐBP tỉnh Cà Mau đã nhận giúp đỡ hơn 200 lượt học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm học 2021-2022, BÐBP tỉnh tiếp tục hỗ trợ 38 em, với mức kinh phí mỗi em 500.000 đồng/tháng, thời gian hỗ trợ từ lớp 1 cho đến hết lớp 12; đồng thời duy trì 1 lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối cho 23 cháu là con em của cư dân trên đảo. “Việc làm này của cán bộ, chiến sĩ biên phòng góp phần thắp lên khát vọng học tập, ý thức tự vươn lên của học sinh nơi biên giới cũng như xây dựng hình ảnh, tình cảm tốt đẹp của người chiến sĩ biên phòng đối với nhân dân nơi đóng quân” - Ðại tá Phạm Minh Giang cho biết thêm.
Những ngày đầu năm học mới, chúng tôi đến thăm gia đình cháu Võ Thanh Văn, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Mạc Cửu, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Văn là 1 trong 3 cháu đang được Ðồn Biên phòng Khánh Tiến nhận đỡ đầu và giúp đỡ mỗi tháng 500.000 đồng từ lớp 1 cho đến khi học hết lớp 12. Ðại úy Nguyễn Văn Quơn, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Khánh Tiến, cho biết: “Văn mồ côi cha từ nhỏ. Gia đình nhà nghèo, không đất sản xuất, mẹ bị bệnh nặng nên mẹ con Văn phải nhờ vào sự cưu mang của bà ngoại năm nay cũng gần 70 tuổi. Vào năm học mới, mẹ Văn lên TP Hồ Chí Minh trị bệnh rồi dịch COVID-19 bùng phát nên không về quê được. Anh em trong đơn vị phải đi mua sách vở, đồ dùng học tập, quần áo mới để Văn được cùng bạn bè bước vào năm học mới”.
Bà Trần Hồng Nhị, bà ngoại Văn, chia sẻ, gia đình bà ruộng đất ít, cuộc sống khó khăn, lại phải cưu mang thêm mẹ con cháu Văn nên càng thêm khó. Nhờ BÐBP giúp đỡ nên mấy năm nay gia đình giảm bớt gánh nặng, cháu Văn được đến trường. “Mỗi khi đi công tác địa bàn, các chú BÐBP đều ghé qua gia đình thăm hỏi động viên. Nhờ vậy Văn luôn phấn chấn, tự tin và cố gắng học giỏi, chăm ngoan, được bạn bè và thầy cô khen ngợi” - bà Nhị nói.
Một trường hợp khác là cháu Chung Hoàng Khôi, học sinh lớp 7, Trường THCS Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Khôi mồ côi mẹ khi mới 15 tháng tuổi, cha thì không xác định được nhân thân. Hoàn cảnh ông bà ngoại lại quá nghèo nên khi mẹ mất Khôi được dì ruột là chị Chung Thị Hằng, ở ấp Voi Vàm, xã Tam Giang Tây, đem về nuôi. Chị Hằng bị tật ở chân, không có chồng con, sống đơn thân trong căn nhà tình thương bên bờ sông Cửa Lớn. Hằng ngày dì cháu mưu sinh bằng nghề giăng lưới bắt cá ven sông. Thiếu tá Nguyễn Ðình Thắng, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Tam Giang Tây, cho biết: “Cảm thông hoàn cảnh của hai dì cháu, chính quyền xã Tam Giang Tây đã làm thủ tục đề nghị các cấp hỗ trợ người tàn tật mỗi tháng 410.000 đồng. Riêng cháu Khôi được đơn vị nhận hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng để cháu có tiền mua sách vở và đồ dùng học tập. Mỗi chuyến công tác địa bàn, anh em trong đơn vị thường ghé qua nhà động viên, kiểm tra việc học tập của Khôi, chỉ dạy cháu những bài học chưa hiểu. Suốt 4 năm học qua, Khôi luôn đạt học sinh tiên tiến, được thầy cô, bạn bè khen ngợi, quý mến”.
Văn và Khôi chỉ là 2 trong nhiều học sinh nghèo được BÐBP giúp đỡ. Dù con đường đến trường của các em còn lắm gian nan, nhưng sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ BÐBP là nguồn động viện, cổ vũ, giúp các em có thêm động lực. Ðại tá Phạm Minh Giang cho biết: Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài nhưng từ năm 2020 đến nay, toàn đơn vị đã vận động xây cất hàng chục căn nhà, nhiều công trình dân sinh; tổ chức khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm lượt người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và triển khai một số dự án hỗ trợ việc làm giúp dân phát triển kinh tế gia đình. Ðồng thời nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa, với mức hỗ trợ từ 300.000 đồng/người/tháng. Trong đó, việc thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” đã góp phần quan trọng tạo động lực giúp các cháu vươn lên trong học tập, nuôi dưỡng ước mơ để sau này góp sức mình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài, ảnh: ANH VY