15/07/2009 - 07:22

Cúm mùa và vắc-xin ngừa bệnh

Cúm là bệnh lây nhiễm cao rất thường gặp, nhất là vào mùa lạnh. Bệnh gây ra bởi virus cúm- một loại virus rất đặc biệt vì có khả năng thường xuyên biến đổi. Khi một chủng virus cúm mới xuất hiện sẽ có khả năng lây nhiễm mạnh. Các trận dịch cúm có thể lây truyền từ nơi khởi phát sang các khu vực khác chỉ trong vòng vài tháng. Tốc độ lây truyền ngày càng cao bởi các phương tiện di chuyển nhanh liên lục địa. Trong mùa dịch cúm bình thường hằng năm, khoảng 10% dân số thế giới (khoảng 500 triệu người) nhiễm cúm.

Bệnh cúm có thời gian ủ bệnh từ 1-5 ngày nhưng thường là 3 ngày. Bệnh nhân sốt cao 390C từ 1 đến 3 ngày; cảm thấy khó chịu, toàn thân ê ẩm, ho, sổ mũi, nhức đầu, có thể khó thở. Bệnh có thể hồi phục trong vòng 1 tuần. Nhưng trong một số trường hợp, bệnh có thể trở nên trầm trọng thậm chí có thể gây tử vong do biến chứng đi kèm viêm phổi, viêm phổi do virus hoặc vi khuẩn hoặc do cả hai. Những biến chứng của bệnh cúm:

+ Viêm não có thể xảy ra ở tất cả bệnh nhân cúm. Hội chứng Reie rất ít gặp nhưng biến chứng rất trầm trọng, tỷ lệ tử vong từ 10-40%.

+ Viêm tai, chủ yếu gặp ở trẻ em.

+ Viêm phế quản, biến chứng thường gặp nhất ở những người bị đái tháo đường và những người lớn tuổi. Đây là biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

+ Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim có thể gặp ở tất cả bệnh nhân.

+ Thiếu hụt miễn dịch làm giảm hoặc suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể.

+ Cơn kịch phát ở những người bị bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh dị ứng và những bệnh mạn tính khác.

Để đối phó với bệnh cúm, Tổ chức Y tế Thế giới đã thành lập một hệ thống theo dõi toàn cầu, gọi là mạng lưới theo dõi cúm toàn cầu. Mạng lưới này gồm 112 Trung tâm cúm quốc gia tại 83 nước và 4 Trung tâm phối hợp của Tổ chức Y tế Thế giới nhằm xác định chủng virus cúm mới cần phải có vắc-xin tiêm ngừa. Dựa trên các thông tin thu thập được, Tổ chức Y tế Thế giới sẽ đưa ra khuyến cáo về công thức vắc-xin nhằm vào 3 chủng virus nhiều độc tính nhất đang lưu hành.

Hiện nay, vắc-xin tiêm ngừa bệnh cúm là loại vắc-xin gồm 3 chủng virus cúm nhiều độc tính đang lưu hành trên thế giới, phù hợp với khuyến cáo hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới. Tại Việt Nam, việc tổ chức tiêm ngừa cúm cũng đã được thực hiện rộng khắp ở hầu hết các tỉnh thành, góp phần làm giảm những thiệt hại do bệnh cúm gây ra.

Tất cả mọi người đều có khả năng nhiễm cúm và cần được tiêm ngừa. Tuy nhiên có một số nhóm cần đặc biệt quan tâm đến việc tiêm ngừa cúm hàng năm. Đó là:

+ Người lớn tuổi:

Mặc dù tất cả các nhóm tuổi đều có khả năng mắc cúm nhưng tỷ lệ biến chứng nặng nhất là viêm phổi và tỷ lệ tử vong cao nhất là ở nhóm người trên 65 tuổi. Trong mùa cúm, tỷ lệ mắc cúm ở người lớn tuổi tại các viện dưỡng lão có thể lên đến 40-50% hoặc hơn nữa. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tiêm ngừa cúm cho tất cả người trên 65 tuổi, một số quốc gia khác khuyến cáo nên tiêm ngừa cúm cho người từ 60 tuổi trở lên.

+ Trẻ em:

Trẻ em rất dễ nhiễm cúm và mắc các biến chứng do cúm. Tỷ lệ nhiễm cúm ở trẻ em- nhất là trẻ từ 5 đến 9 tuổi- cao hơn các nhóm tuổi khác. Trong mùa dịch, tỷ lệ nhiễm cúm của trẻ em lên đến hơn 40% ở trẻ trước tuổi đến trường, và 30% ở trẻ trong độ tuổi đi học. Các nghiên cứu gần đây cho thấy trẻ em dưới 1 tuổi có nguy cơ mắc các biến chứng do cúm nặng hơn. Một lý do khác để tiêm ngừa cúm cho trẻ em là trẻ em trong độ tuổi đến trường là nguồn chính lây truyền bệnh đến những người ở chung nhà. Ủy ban tham vấn tiêm chủng Hoa Kỳ khuyến cáo vắc-xin cúm nên được tiêm cho: tất cả trẻ em 6-18 tháng tuổi; trẻ từ 2 tuổi trở lên có bệnh mạn tính; trẻ từ 6 tháng đến 18 tuổi dùng aspirin dài ngày; người nuôi dưỡng hoặc sống chung với trẻ dưới 6 tháng tuổi.

+ Người đang có bệnh mạn tính:

Người đang có bệnh mạn tính là nhóm có nguy cơ cao nhất mắc các biến chứng liên quan đến cúm. Các biến chứng liên quan đến cúm thường gây nguy hiểm cho người có bệnh mạn tính như: hen phế quản, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh nhân suy yếu hệ miễn dịch do bệnh lý hoặc do sử dụng các thuốc làm suy giảm hệ miễn dịch. Nhiều người có bệnh mạn tính không tiêm ngừa cúm đã tử vong khi nhiễm cúm. Ngoài ra, người có bệnh mạn tính còn được khuyến cáo tiêm ngừa phối hợp 2 loại vắc-xin cúm và vắc-xin ngừa phế cầu, giúp bảo vệ 2 lần chống cúm, biến chứng của cúm cũng như bệnh do phế cầu khuẩn.

+ Nhân viên y tế có thể làm lây truyền cúm

Do thường xuyên tiếp xúc gần với bệnh nhân, những nhân viên y tế không được tiêm ngừa có thể gây ra dịch cúm trong bệnh viện, các nhà dưỡng lão và các cơ sở y tế khác. Đã có nhiều trường hợp cho thấy rằng dịch cúm trong bệnh viện và nhà chăm sóc là do nhân viên y tế gây ra. Việc tiêm ngừa cho các nhân viên y tế là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho chính họ cũng như cho các bệnh nhân.

Hiện nay tại nước ta cũng đã có tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh cúm tại hầu hết các Trung tâm Y tế dự phòng của các tỉnh, thành.

BS. NGUYỄN TRUNG NGHĨA
(Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết