27/09/2012 - 22:06

CPI tăng do lực đẩy của giá xăng, dầu tăng?

CPI tháng 9 tăng 1,16% chủ yếu do tác động tăng giá của xăng dầu bán lẻ trên thị trường trong tháng 8.

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố trong tháng 9 tăng 1,16% so với tháng trước. Giá xăng dầu, gas, dụng cụ học tập… tăng là những tác động chính đẩy CPI tháng này tăng trên 1%.

Trong tháng 9 có đến 12/13 nhóm hàng trong "rổ hàng hóa" đưa vào tính CPI có chỉ số giá tăng so với tháng trước. Trong đó, có 3 nhóm hàng có chỉ số giá tăng trên 1%, các nhóm hàng còn lại chỉ dao động trong khoảng 0,02-0,83%. Nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giá giảm 0,09%.

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, từ trung tuần tháng 8 đến trung tuần tháng 9 là mùa khai giảng năm học mới. Chính vì vậy, hàng nhóm giáo dục trong tháng có chỉ số giá tăng "đội sổ" với mức tăng là 6,59% do các loại học phí nhà trẻ, mẫu giáo tư thục, học phí trung cấp, cao đẳng và đại học… tăng. Trong tháng, việc tăng liên tiếp của mặt hàng xăng, dầu bán lẻ trên thị trường trong tháng 8 đã tác động và làm lực đẩy nhóm giao thông tăng 4,03%. Đầu năm đến nay, xăng bán lẻ có 6 lần được điều chỉnh tăng với mức tổng cộng là 6.050 đồng/lít và 5 lần điều chỉnh giảm với mức tổng cộng là 3.200 đồng/lít. Giá xăng dầu tăng là nhân tố quan trọng tác động trực tiếp đến lạm phát, khiến chi phí vận chuyển, chi phí sản xuất… tăng. Do đó, giá xăng tăng không chỉ kéo chi phí sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp, nhà sản xuất tăng mà còn đẩy phí trung gian của những cơ sở bán lẻ trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Giá xăng, dầu cùng với giá gas tăng cũng là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá của nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng trong tháng 9 tăng 2,43% so với tháng trước. So với tháng 8, chỉ số giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng 9 chỉ tăng 0,18% (trong đó, nhóm lương thực tăng 0,96%; thực phẩm giảm 0,28% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,79%). Tình hình xuất khẩu gạo của nước ta thời gian gần đây khá thuận lợi do giá gạo của Thái Lan đứng ở mức cao nên một số nhà nhập khẩu đã chuyển sang mua gạo của Việt Nam khiến giá chào bán gạo xuất khẩu tăng. Trong khi đó, diện tích lúa hè thu và lúa thu đông sớm ở ĐBSCL không nhiều nên đẩy giá lúa hàng hóa và giá gạo trong nước tăng. Theo Cục Thống kê thành phố, thời gian tới, do tình hình thời tiết tại Ấn Độ, Mỹ đang bất lợi, cộng với tác động từ chương trình hỗ trợ giá gạo tại Thái Lan, dự báo giá gạo thế giới và giá lúa, gạo trong nước sẽ có xu hướng tăng. Trái chiều với hàng lương thực, trong tháng 9, một số hàng thực phẩm trên thị trường có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào. Tại các chợ và siêu thị trong nội ô TP Cần Thơ, so với tháng trước, giá bán lẻ các loại thịt heo đã giảm khoảng 2.000 đồng/kg do lượng heo hơi xuất bán trong dân tăng và giá heo hơi giảm mạnh. Giá thịt heo nạc tại nhiều chợ và điểm kinh doanh thịt trong nội ô thành phố trong tháng được Cục Thống kê thành phố ghi nhận ở mức 78.000 – 80.000 đồng/kg; thịt đùi 72.000 – 78.000 đồng/kg; ba rọi từ 65.000 – 67.000 đồng/kg. Bắt đầu vào cuối tháng 8, thời điểm bắt đầu của mùa lũ. Chính vì vậy, bên cạnh lượng thủy sản nuôi, thì lượng thủy sản được đánh bắt khá tự nhiên về chợ cũng khá nhiều khiến nhiều loại thủy sản giảm giá. Bên cạnh đó, tháng 7 Âm lịch - tháng cao điểm của mùa ăn chay trong năm nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sức tiêu thụ và giá cả hàng hóa thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống trên thị trường.

Các nhóm hàng còn lại trong "rổ hàng hóa" như: đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón và giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; văn hóa, giải trí và du lịch; hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá trong tháng 9 tăng từ 0,02-0,83%.

Theo các chuyên gia kinh tế, để hỗ trợ sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường, Chính phủ đã nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ. Tuy nhiên, cũng sẽ có hiệu ứng phụ là thu hẹp sản xuất, tăng trưởng bị suy giảm và thấp hơn mục tiêu, rất dễ rơi vào vòng luẩn quẩn "Tăng trưởng- lạm phát- thắt chặt- suy giảm- nới lỏng- lạm phát...". Thêm vào đó, nhu cầu đầu tư, tiêu dùng vào cuối năm theo thông lệ thường cao hơn đầu năm. Việc tăng giá xăng dầu, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục... sẽ còn tác động dây chuyền, lan tỏa trong thời gian tới. Chính vì vậy, mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cần được các ngành, các cấp đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Hà Triều

CPI tháng 9 tăng 1,16% chủ yếu do tác động tăng giá của xăng dầu bán lẻ trên thị trường trong tháng 8.

Chia sẻ bài viết