22/02/2017 - 22:01

Công trình phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông có thể chứa tên lửa

Trích lời hai quan chức Mỹ, hãng tin Reuters cho biết Trung Quốc gần như đã hoàn tất công đoạn xây dựng khoảng 20 công trình trên các thực thể nhân tạo mà Bắc Kinh bồi lấp phi pháp ở Biển Đông. Các cấu trúc này có thể là nơi chứa tên lửa tầm xa, giúp Trung Quốc mở rộng khả năng phòng không trên vùng biển tranh chấp.

Theo Reuters, phía Mỹ coi việc Trung Quốc xây dựng các kết cấu bê tông lắp đặt tính năng di động trên Đá Subi, Đá Vành Khăn và Đá Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động leo thang quân sự. Trước đó, Trung Quốc đã xây xong đường băng phi pháp phục vụ mục đích quân sự trên các thực thể kể trên.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy các công trình phi pháp mà Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: DigitalGlobe

Theo lập luận của giới tình báo Mỹ, việc Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông không đơn giản cho có. Các công trình mới với cấu trúc tương tự nhà chứa tên lửa có thể được Bắc Kinh sử dụng để thiết lập hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa. Tuy không xác định khi nào Trung Quốc triển khai, nhưng giới chức Mỹ chắc chắn hoạt động này sẽ giúp Trung Quốc mở rộng chiếc ô phòng không trên các thực thể nhân tạo mà nước này chiếm giữ và bồi lấp trái phép ở Biển Đông.

Trong báo cáo cuối năm ngoái, chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Greg Poling từng cảnh báo Trung Quốc dường như đang thiết lập vũ khí trên tất cả 7 thực thể nhân tạo mà nước này bồi lấp trái phép, bao gồm hệ thống phòng không và chống tên lửa. "Điều này chắc chắn gia tăng căng thẳng trong khu vực" – vị học giả này dự đoán. Hiện còn có thông tin Bắc Kinh đang xây dựng tàu sân bay thứ 3 để củng cố tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và mở rộng khả năng hải quân tầm xa trên Ấn Độ Dương.

"Phép thử" chính quyền Trump

Hiện tại, đại sứ quán Trung Quốc tại Washington vẫn chưa lên tiếng bình luận về các cấu trúc mới mà phía Mỹ đề cập. Trong khi đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc khẳng định Mỹ duy trì cam kết "phi quân sự ở Biển Đông" và kêu gọi các bên "hành động phù hợp với luật pháp quốc tế". Theo giới quan sát, diễn biến này được coi là "phép thử" đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, đặt ra câu hỏi liệu Washington có phản ứng hay không và phản ứng như thế nào khi đã cam kết theo đuổi lập trường cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông.

Nói thêm về mục đích của Bắc Kinh, chuyên gia về Trung Quốc Chas Freeman từng là trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, cho rằng Trung Quốc mở rộng xây dựng ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông là vì mục đích quân sự hòng củng cố yêu sách chủ quyền đối với các quốc gia khác trong khu vực. Trong tuyên bố hôm 21-2, Philippines và các nước Đông Nam Á tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng nhìn nhận việc Trung Quốc lắp đặt hệ thống vũ khí trên các cơ sở mà họ dựng lên ở Biển Đông là "hết sức đáng ngại", qua đó kêu gọi đối thoại để ngăn chặn leo thang căng thẳng. Ngoài ra, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hy vọng Trung Quốc và Mỹ sẽ đảm bảo hòa bình, ổn định khu vực.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết