02/09/2019 - 07:47

Có một dòng tranh thắm “máu và hoa” 

Có một thời, họa sĩ ngồi vẽ giữa những rung chuyển, ầm ào của bom rơi, đạn lạc, của lằn ranh sống chết. Tranh của họ vẽ ra có lúc chỉ là những nét chì đơn sắc, những đường màu dang dở, đôi khi còn nhuộm cả máu đào... Các họa sĩ đã cùng góp vào lịch sử Mỹ thuật Việt Nam một dòng tranh thắm máu và hoa - đó là tranh ký họa kháng chiến.

          Họa sĩ Phong Trần bên tác phẩm do ông sáng tác thời kháng chiến

Hôm khai mạc trưng bày chuyên đề “Tranh ký họa kháng chiến ở ĐBSCL”(*), tôi ấn tượng về một ông lão lặng lẽ đứng xem kỹ lưỡng từng bức ký họa. Ông vừa xem, vừa nghĩ và dường như nhớ ra điều gì, ông lại lấy tay vỗ nhẹ vào trán vài cái. Có những bức tranh khiến ông đứng thật lâu, đôi mắt rưng rưng bao xúc cảm. Thật bất ngờ khi biết ông là họa sĩ Phong Trần, một họa sĩ kháng chiến tiêu biểu của Cần Thơ, người mà tôi đã từng được đọc nhiều trong sách vở.

Ngắm những tác phẩm, vật dụng sinh hoạt thời chiến và tấm Huân chương kháng chiến của chính mình, họa sĩ Phong Trần bồi hồi nói rằng, cứ nghĩ vẽ để làm tư liệu, để lưu lại ký ức thời đạn bom, nay được giới thiệu trang trọng như thế này nên ông rất vui. Nói về những khó khăn khi vẽ tranh ký họa kháng chiến, người họa sĩ năm nay đã 89 tuổi chỉ dùng một câu mộc mạc: “Không biết bao nhiêu mà kể!”. Ông nhớ lại, chỗ nào địch bỏ bom, phóng pháo hay càn quét rồi thì họa sĩ có mặt liền để tả lại, như vậy mới có tác phẩm hay, mang hơi thở cuộc sống. Nguy hiểm ở chỗ, biết địch có quay lại lần nữa hay không, nói theo ông là “chết như chơi”. “Cứ chọn ngồi chỗ yên tĩnh, sung sướng mà vẽ thì làm sao có tác phẩm hay” - họa sĩ Phong Trần chia sẻ.

Trong triển lãm này, người xem còn có dịp chiêm ngưỡng những tác phẩm tranh ký họa thời chiến của một họa sĩ người Cần Thơ nổi tiếng khác là họa sĩ Tô Dự. Những tác phẩm như “Cấy lúa - Bình Thủy”, “Đi công tác từ Bắc về Nam (trên sông Vàm cỏ Đông)”, “Cầu Đước (Tân Ân), Cà Mau”, “Căn cứ trong rừng tràm Cà Mau”, “Tráng phim trong rừng”… của người họa sĩ năm nay đã gần 90 tuổi cứ như hiện ra trước mắt người xem một khung cảnh cách đây mấy mươi năm giữa thời khói lửa.

Họa sĩ Tô Dự.

Họa sĩ Tô Dự được xem là “cây đa cây đề” của Mỹ thuật thời kháng chiến. Ông từng được học vẽ tại các trường hội họa uy tín bậc nhất Việt Nam và Liên Xô cách đây mấy mươi năm. Trong tiềm thức và cảm hứng sáng tác của người họa sĩ quê Cái Chanh, Thường Thạnh, Cái Răng, khung cảnh đồng quê luôn gợi bao xúc cảm. Bây giờ đã về sống tại Củ Chi, TP Hồ Chí Minh nhưng ông vẫn luôn mong ngóng tin tức xứ Cần Thơ với nỗi lòng của người xa quê. Ông nhắn với tôi rằng: “Cháu xem bà con xem tranh thì có cảm tưởng, ý kiến gì không? Ký họa bác vẽ khắp nơi còn nhiều lắm, chưa có điều kiện in”.

Tác phẩm ký họa “Căn cứ trong rừng tràm Cà Mau” được họa sĩ Tô Dự vẽ năm 1974, đề “thân tặng bạn Phan Thao”.

Gian khổ, hy sinh của các họa sĩ ký họa kháng chiến còn được minh chứng bằng những câu chuyện rất thật. Người xem xúc động khi xem tác phẩm “Đi pháo kích ở Phụng Hiệp” và càng xúc động hơn khi nghe chuyện về tác giả - họa sĩ Trần Thanh Tuấn là liệt sĩ. Ông công tác tại Ban Tuyên huấn khu Tây Nam bộ, vừa làm báo vừa sáng tác mỹ thuật với gia tài trên 300 bức ký họa. Ông đã hy sinh trong một trận chống càn ác liệt tại Kiên Giang vào năm 1970.

Tranh ký họa kháng chiến không chỉ có giá trị về mỹ thuật mà còn là những chứng tích lịch sử sống động, phác họa lại một thời gian khổ mà anh dũng của đất nước, quê hương. Đó là một cách viết sử bằng màu và cọ. Thú vị làm sao khi xem những bức ký họa thời chiến được sáng tác ở Cần Thơ như vẽ cảnh ở Thường Thạnh, Cái Chanh, Bà Vèn… Những chiếc cầu cây, những rặng lá dừa, những con người đôn hậu thời chiến được các họa sĩ phác họa thật sống động.

Nghe âm vang một thời hào hùng quân và dân ĐBSCL vùng lên đánh giặc, giải phóng quê hương. Đó là “Quyết chiến điểm Ngã Sáu Cai Lậy” của tác giả Trần Quang Bộ với hình ảnh cờ đỏ sao vàng phấp phới cùng nhịp quân hành của chiến sĩ giải phóng; là “Đồn Kinh Ngang - Ô Môn” của họa sĩ Văn Tâm ghi lại sự kiện ta chiếm đồn Kinh Ngang với hình ảnh hàng rào thép gai bị xô ngã, quân lính tháo chạy…

Không chỉ vậy, còn có những tác phẩm họa sĩ vẽ cảnh làng quê miền Tây yên ả, thanh bình, nhịp sống hằng ngày diễn ra với nét chân chất, dễ thương. Có thể kể đến như “Vùng giải phóng - Đặt vó Nam bộ” tác giả Nguyễn Thành Hiệp; “Bưng sen Đồng Tháp” và “Kinh Ông Tà - chiến khu Đồng Tháp” của tác giả Huỳnh Phương Đông; hay “Biên giới Hồng Ngự ( Đồng Tháp)”, “Đồng Chó ngáp - 1975”, “Qua Sông Tháp Mười - 1975” của tác giả Nguyễn Thanh Châu… Đó không chỉ là tranh, đó còn là khát khao hòa bình, ước mơ độc lập, quê hương không còn chiến tranh.

Thông tin từ Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, ký họa kháng chiến là một trong những thể loại ký họa đặc biệt, ra đời từ hoàn cảnh chiến tranh của đất nước; xuất phát từ việc ghi nhận những hình ảnh, sự kiện, nhân vật liên quan đến cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX. Thể loại ký họa không những chiếm nhiều ưu thế trong hình thức ghi nhận và thể hiện, mà còn đáp ứng hữu hiệu nhất những yêu cầu trong sự thiếu thốn về họa cụ, điều kiện di chuyển, bảo quản và cất giữ trong chiến tranh. Trong điều kiện ác liệt của chiến tranh, đòi hỏi người họa sĩ phải thực hiện ký họa trong một thời gian ngắn, điều này không chỉ đơn thuần vì những lo lắng do ý thức của sự mất mát, mà còn do kỹ thuật đòi hỏi để giữ kịp cái thần trên mỗi đầu ngọn bút và để có thể tạo được linh hồn của tác phẩm. Sau hơn 30 năm nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã lưu giữ gần 3.500 tác phẩm tranh ký họa kháng chiến, của hơn 100 họa sĩ, chủ yếu là của các họa sĩ hoạt động tại chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Bản thân người viết may mắn sưu tầm được 2 tập của bộ sưu tập ký họa kháng chiến “Miền Nam Việt Nam đất nước, con người” do NXB Giải Phóng phát hành năm 1967. Rất nhiều tác phẩm của các cây bút bậc thầy thể loại này như Huỳnh Phương Đông, Thái Hà, Cổ Tấn Long Châu, Lê Văn Chương… đã được giới thiệu. Trong lời đề từ cho bộ sưu tập, NXB Giải Phóng cho rằng: Được sống và chiến đấu trong thực tiễn cách mạng, những họa sĩ trẻ tuổi đời và tuổi nghề đã trở thành những chiến sĩ kiên cường và luôn luôn có mặt ở những nơi gian khổ, ác liệt nhất. Đó không chỉ là những bức tranh ca ngợi quê hương xứ sở mà còn là “những tang chứng không thể chối cãi về tội ác tày trời do đế quốc Mỹ gây ra trên phần đất đáng yêu này”.

Họa sĩ Lê Nguyễn Thắng, hội viên Hội Mỹ thuật TP Cần Thơ, xem triển lãm và chia sẻ: “Đây là những tác phẩm vô giá, những thành quả lao động của các họa sĩ nơi chiến trường ác liệt. Vũ khí của các anh, các chú chỉ là tờ giấy và cây bút, và để lại cho đời những nét vẽ lịch sử”.

“Sống thiếu thốn nhiều mặt, nhứt là thiếu thốn về phương tiện và vật liệu hoạt động mỹ thuật, nhưng anh em họa sĩ giải phóng vẫn cố gắng tạo đủ mọi điều kiện cần thiết cho mình và đã ghi chép được nhiều hình ảnh sinh động của cuộc chiến đấu nẩy lửa ở miền Nam hiện nay”.

(Đề từ của NXB Giải Phóng cho bộ sưu tập ký họa kháng chiến “Miền Nam Việt Nam đất nước, con người” vào năm 1967).

------------

(*): Trưng bày chuyên đề do Bảo tàng TP Cần Thơ phối hợp Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh thực hiện, diễn ra đến ngày 15-12-2019 tại Bảo tàng TP Cần Thơ.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết