19/05/2009 - 20:06

Cơ hội cho hàng Việt khai thác thị trường Campuchia

Hàng hóa Việt Nam tập kết tại Cửa khẩu quốctế Tịnh Biên - An Giang để xuất khẩu sang Campuchia.
Ảnh: THÀNH NHÂN

Theo thống kê của Hội Người Việt Nam tại Campuchia, khoảng 60% hàng tiêu dùng ở đây có xuất xứ từ Việt Nam, chứng tỏ khả năng cạnh tranh của hàng Việt tại thị trường Campuchia. Tiềm năng của thị trường Campuchia còn rất lớn, đây là nơi trung chuyển hàng hóa đi nước thứ 3 nếu khai thác tốt lợi thế. Tuy nhiên, để chiếm lĩnh thị trường đầy tiềm năng này, doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải có chiến lược sản xuất, kinh doanh và quảng bá hình ảnh một cách dài hơi.

THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG

Tại hai cửa khẩu quốc tế Xà Xía (tỉnh Kiên Giang) và Tịnh Biên (tỉnh An Giang) lúc nào cũng tấp nập xe tải giao-nhận hàng tiêu dùng từ Việt Nam. Phần lớn sản phẩm có mặt tại đây là mặt hàng nhu yếu phẩm, như: mì gói, dầu ăn, bánh kẹo, đồ nhựa, mỹ phẩm, hàng điện tử, may mặc, nông-thủy sản... Theo Bộ Thương mại Campuchia, năm 2008, hàng Việt Nam tiêu thụ tại Campuchia đứng ở mức cao nhất với 988 triệu USD, Trung Quốc chỉ 784 triệu USD và Thái Lan 674 triệu USD. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, hàng Việt Nam dẫn đầu về giá trị hàng hóa tiêu thụ tại thị trường này.

Theo phản ánh của một số DN Campuchia, tiềm năng của thị trường này rất lớn và là trung tâm “thí nghiệm” hàng hóa của Việt Nam, nếu hàng hóa Việt Nam được chấp nhận ở thị trường Campuchia sẽ xuất được sang nước thứ 3. Song, vấn đề này chưa được nhiều DN Việt Nam quan tâm đầu tư một cách dài hơi. Đại diện một DN Campuchia cho biết, DN Việt Nam đầu tư vào Campuchia phải có tầm nhìn và chiến lược bảo hộ sản phẩm hàng hóa của mình, chất lượng phải đồng nhất để có thị trường bền vững. Khi củng cố được thị trường Campuchia, DN có nhiều cơ hội đưa hàng hóa đi các nước trong khu vực ASEAN.

Ông Châu Văn Chi, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Campuchia, cho biết: “Tại các chợ bán sỉ và lẻ, hàng tiêu dùng Việt Nam chiếm khoảng 60% thị trường. Trước đây, có đến 90% các mặt hàng này nhập từ Thái Lan. Đây là điều kiện thuận lợi để hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Campuchia. DN Việt Nam có thể đầu tư nhà máy sản xuất tại Campuchia và phối hợp với DN ở đây để xây dựng thương hiệu sản phẩm”. Tại các chợ đầu mối và thị trường nông thôn, hàng Việt Nam chiếm đa số do chất lượng khá tốt và giá cả phù hợp. Giá mì ăn liền của Việt Nam chỉ bằng 2/3 giá mì có xuất xứ từ Thái Lan, đây là mặt hàng được nhập với số lượng lớn hằng năm. Ngoài ra, các loại máy móc nông nghiệp, như: máy sạ hàng, máy gặt đập liên hợp, máy suốt lúa... có mặt tại Campuchia hầu hết được sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Một số mặt hàng của Việt Nam còn bị DN Thái Lan “nhái” để đưa vào thị trường này, nhất là các loại nước tương của DN ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh và nước mắm Phú Quốc - Kiên Giang.

CƠ HỘI CHO DOANH NGHIỆP

Trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2009, Bộ Công thương đã tổ chức Hội chợ Thương mại- Du lịch- Đầu tư cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (tại Khu Công nghiệp Xuân Tô- An Giang) từ ngày 14 đến 19-5-2009 với sự tham gia của 200 DN Việt Nam và Campuchia cùng 500 gian hàng (trong đó, 50 gian hàng của DN Campuchia). Mục tiêu của hội chợ là hoạt động kết nối cùng với chuỗi sự kiện tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa DN Việt Nam - Campuchia. Theo phản ánh của DN tham gia hội chợ, họ đến đây chủ yếu để giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác. Bà Quảng Thị Tâm, chủ cơ sở dệt thổ cẩm Chăm ở tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Thổ cẩm của người Campuchia và người Chăm có nét tương đồng. Hiện nay, chúng tôi đã có nhiều mẫu mã, hoa văn mới theo thời trang nên muốn giới thiệu sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng Campuchia và các DN kinh doanh nhà hàng, khách sạn, du lịch...”. Hay anh Tươi, chủ cơ sở sản xuất sơn mài thủ công mỹ nghệ truyền thống ở Bình Dương, đến với hội chợ với sản phẩm sơn mài được sáng tác theo các công trình kiến trúc, nghệ thuật đặc trưng của Campuchia như đền Angkor Wat, tượng Bayon... Theo anh Tươi, Campuchia là thị trường rất tiềm năng vì thu hút nhiều du khách quốc tế. Do đó, cơ sở đang xúc tiến việc giới thiệu sản phẩm để bổ sung cho thị trường quà lưu niệm và trang trí cho các resort, nhà hàng, khách sạn tại Campuchia...

Thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam và Campuchia ký kết nhiều chương trình hợp tác thúc đẩy thương mại... là tín hiệu vui cho DN hai bên. Đầu tháng 5-2009, có 51 DN tỉnh Kiên Giang và một số tỉnh lân cận đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Kampot và đi thực tế tại đây để tìm cơ hội đầu tư lĩnh vực nông - thủy sản, khai thác vật liệu xây dựng, sản xuất phân bón... Trong khuôn khổ của Hội chợ Thương mại - Du lịch - Đầu tư cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Ban tổ chức hội chợ cũng tổ chức cho đoàn DN Việt Nam sang khảo sát thị trường và gặp gỡ DN Campuchia từ 15 đến 17-5-2009. Đây còn là chương trình nằm trong chiến lược đẩy mạnh việc đưa hàng Việt sang thị trường Campuchia và tìm kiếm cơ hội hợp tác của DN hai bên... Ông Kong Boran, Giám sát bán hàng của Công ty TNHH Lao Hang Heng Wine (Campuchia), cho biết: “Sản phẩm rượu của công ty có danh tiếng 40- 50 năm nay. Chúng tôi muốn đưa sản phẩm sang thị trường Việt Nam và tìm đối tác tại ĐBSCL. Hiện nay, sản phẩm của công ty được nhập vào thị trường TP Hồ Chí Minh qua cửa khẩu Mộc Bài. Tiềm năng ở cửa khẩu An Giang và thị trường ĐBSCL rất lớn, nên tham gia hội chợ lần này, chúng tôi muốn tìm nơi tiêu thụ và trao đổi hàng hóa qua lại biên giới”. Còn bà Thab Maren, đại diện Tập đoàn Keo Maly, cho biết: “Tập đoàn Keo Maly đang tìm đối tác đầu tư trồng lúa trên diện tích 6.500 ha ở huyện Son Tuk, tỉnh Kompong Thom. Đây là vùng đất rất thích hợp trồng lúa mùa. Nhiều tỉnh ĐBSCL có kinh nghiệm trồng lúa chất lượng và năng suất cao nên chúng tôi muốn tìm đối tác. Tại Campuchia, còn nhiều vùng đất trồng lúa rất tốt do có nguồn phù sa từ sông Mê Công và Biển Hồ”.

Nói về tiềm năng đầu tư vào thị trường Campuchia, ông Chou Kim Hong, Giám đốc Công ty TNHH xuất - nhập khẩu và Du lịch Kim Vy tại Campuchia, cho biết: “Campuchia chưa có nhiều cơ sở sản xuất. Do đó, DN Việt Nam có nhiều cơ hội đầu tư lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến thủy hải sản tại nhiều tỉnh và thủ đô với nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư, nhân công rẻ. Riêng lĩnh vực du lịch đang là cơ hội tốt để doanh nghiệp hai bên hợp tác với nhau và với các nước lân cận. Đây cũng là lĩnh vực được DN quan tâm. DN hai bên có thể kết nối tour để đưa khách du lịch hai nước và nước thứ 3 qua lại biên giới”. Ngược dòng sông Mê Công từ các tỉnh ĐBSCL, du khách khám phá vùng sông nước từ Việt Nam đến Campuchia rồi theo đường bộ đến Thái Lan. Một tuyến khác là đường bộ hoặc đường biển qua 3 nước dọc Vịnh Thái Lan. Các tour đường bộ hiện nay được DN lữ hành ở ĐBSCL khai thác khá hiệu quả. Mới đây, chính quyền và DN tỉnh Kiên Giang đã tổ chức khảo sát tour du lịch đường biển qua 3 nước, hứa hẹn nhiều tiềm năng trong tương lai. Tuyến đường bộ hành lang ven biển Vịnh Thái Lan đang được đầu tư từ Thái Lan qua Campuchia đến Kiên Giang và Cà Mau (Việt Nam) là một hướng mở cho giao thương và du lịch trong vùng.

GIA - NGUYỄN

Hàng hóa Việt Nam tập kết tại Cửa khẩu quốctế Tịnh Biên - An Giang để xuất khẩu sang Campuchia. Ảnh: THÀNH NHÂN

Chia sẻ bài viết