Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tiếp tục dễ dàng giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn hôm 14-12. Theo đó, đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Abe và đối tác là đảng Công minh Mới chiếm tổng cộng 326 ghế, tức hơn 2/3 số ghế tại Hạ viện Nhật (gồm 475 thành viên).
Thế nhưng, nếu xét riêng LDP thì đảng này được coi đã “thắng trên thế thua” khi bị mất 4 ghế so với lần bầu cử trước, chỉ còn 291 ghế và thấp hơn nhiều so với dự đoán 320 ghế mà LDP có thể đạt trong kỳ bầu cử này. Bù lại, đảng Công minh Mới vốn chủ yếu nhận được sự ủng hộ của các tín đồ Phật giáo đã giành thêm 4 ghế, đạt 35 ghế. Đảng Dân chủ đối lập lấy lại “chút ít phong độ” khi giành được 73 ghế, tăng khá so với 57 ghế trong thất bại thảm hại năm 2012. Có điều, thủ lĩnh đảng này là ông Banri Kaeda đã thất cử và buộc phải từ chức. Sự vươn lên ấn tượng nhất có lẽ đảng Cộng sản Nhật Bản khi họ giành được thêm gần gấp 3 số ghế, đạt 21 ghế. Đảng Sáng tạo giành được 41 ghế.
Trả lời phỏng vấn được phát trực tiếp trên truyền hình sau chiến thắng tối 14-12, Thủ tướng Abe tuyên bố: “Tôi tin rằng kết quả chứng minh chúng tôi nhận được sự ủng hộ của công chúng về các chính sách Abenomics trong hai năm qua”. “Chúng ta phải tiến lên phía trước với Abenomics một cách nhanh chóng, điều mà cử tri đã gởi gắm chúng tôi”- ông Abe khẳng định trong cuộc họp báo ngày 15-12. Ông nhấn mạnh kinh tế là vấn đề “ưu tiên số một”, bên cạnh các thách thức lớn khác như an ninh quốc gia. “Chúng tôi vẫn đang đối mặt một núi vấn đề khó khăn cần giải quyết”- ông Abe thừa nhận.
Giới phân tích cho rằng chiến thắng của LDP được coi nhờ sự thờ ơ của dân Nhật khi chỉ có 52,7% cử tri tham gia bỏ phiếu, thấp hơn gần 7% so với cách đây hai năm và là mức thấp kỷ lục kể từ sau Thế chiến thứ hai. Phần lớn cử tri không thực hiện quyền công dân của mình vì họ nghi ngờ vào chính sách Abenomics cũng như khả năng của đảng Dân chủ đối lập. Chiến lược kinh tế “ba mũi tên” gồm nới lỏng tiền tệ, tăng chi tiêu chính phủ và cải cách cơ chế của ông Abe chỉ mang lại tâm thế mới cho người dân chứ chưa tạo kết quả rõ nét.
Thủ tướng Abe tuyên bố “chiến thắng lớn sẽ cho chúng tôi sức mạnh cải cách táo bạo”, nhưng theo các nhà phân tích, hàng loạt các lĩnh vực cần thiết phải thay đổi nhưng nhạy cảm về chính trị đang đe dọa tính khả thi của học thuyết Abenomics, như hủy bỏ bảo hộ nông nghiệp, tạo thuận lợi sa thải lao động, tăng tiền lương và thuế tiêu dùng.
Xem ra, con đường phía trước của Thủ tướng Abe còn lắm chông gai.
KIẾN HÒA (Theo AP, Reuters, AFP)