22/04/2018 - 09:24

Chuyện trẻ em nghèo ở nước Đức thịnh vượng 

Trong bài phát biểu vận động tái tranh cử của mình, Thủ tướng Angela Merkel từng ca ngợi Đức là đất nước mà người dân sống sung túc và hạnh phúc. Song những lời nói đó dường như không đúng khi mà cứ 5 trẻ em nước này lại có 1 em sống trong cảnh nghèo đói, cũng như việc nhiều phụ huynh có con nhỏ thường thiếu thốn kinh tế lẫn thời gian để có được những bữa ăn bình thường.

Trẻ em từ các gia đình tị nạn tại Đức. Ảnh: Daily Sabah

Hãng tin AFP cho biết tại nền kinh tế đứng đầu châu Âu, ngân sách công chưa bao giờ đầy đủ và tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức thấp nhất kể từ khi nước Đức thống nhất năm 1990. Tuy nhiên, Bộ Gia đình cho biết khoảng 20% số người dưới 18 tuổi sống trong tình cảnh “tương đối nghèo khó”, nghĩa là sống trong các gia đình kiếm được thấp hơn 60% mức thu nhập trung bình của một hộ gia đình Đức. Cụ thể, đối với một phụ huynh đơn thân có 1 con, thì số tiền đó là thu nhập ròng hàng tháng dưới mức 1.192 euro. Còn với một gia đình có 4 con, số tiền này chưa đến 2.355 euro.

Và mặc dù Đức có số lượng công việc kỷ lục, song chuyên gia Heinz Hilgers thuộc Hiệp hội bảo vệ trẻ em Đức (Kinderschutzbund) cho biết chỉ có 1/3 số phụ huynh của 2,8 triệu trẻ em nghèo nước này có việc làm. Các số liệu thống kê còn cho thấy 45% số trẻ em Đức được nuôi dạy bởi một phụ huynh đơn thân (thường là người mẹ) sống ở mức “tương đối nghèo khó”. Nhằm phá vỡ tình cảnh nghèo đói này, một số chính trị gia và nhà vận động đã kêu gọi cấp một khoản thu nhập cơ bản hàng tháng cho trẻ em là khoảng 500 euro dành cho các hộ có thu nhập thấp nhất. Tuy nhiên với một chính phủ quyết tâm duy trì một ngân sách cân bằng như Đức, thì bất kỳ đề nghị chi tiêu rộng rãi nào cũng là điều bị phản đối mạnh mẽ.

Bên cạnh thiếu thốn vật chất, những trẻ em nghèo còn phải chịu đựng nhiều khía cạnh xã hội khác, âm thầm hơn. “Bọn trẻ cảm thấy bị gạt ra bên lề, bắt đầu cảm thấy xấu hổ khi không thể tham gia các chuyến tham quan ở trường hoặc mời bạn bè đến dự tiệc sinh nhật. Chúng cuối cùng mất niềm tin vào bản thân và gặp khó khăn ở trường”- Giáo sư Klaus Hurrelmann đến từ Trường Quản lý Hertie ở thành phố Berlin cho biết.  

Các ý kiến phê bình nhận xét rằng hệ thống phân loại giáo dục mầm non của Đức đang làm tồi tệ thêm vấn đề này. Tác động có thể sớm đưa những học sinh có hoàn cảnh thua thiệt vào một con đường ít học vấn hơn, dễ dẫn đến viễn cảnh làm những công việc làm có mức lương thấp và kém an toàn hơn. “Đó là cách mà các thế hệ trẻ em nghèo trở thành những người lớn và cha mẹ nghèo khó” - Hilgers cảnh báo.

NG. CÁT

Chia sẻ bài viết