Bút ký: ÐĂNG HUỲNH
"Thưa quý bổn hội, quý bà con cô bác, quý ân nhân xa gần kính mến! Hôm nay, Ðoàn nghệ thuật tuồng cổ Phương Ánh xin được diễn phục vụ quý vị bổn tuồng “Bạch Nữ thần cứu chúa”. Bổn tuồng có kịch bản đặc sắc, nhiều tình tiết gây cấn, ước mong làm hài lòng quý vị....”. Tiếng rao của bà bầu gánh hát Phương Ánh vừa dứt, cánh màn nhung kéo mở, tiếng đờn, tiếng trống vang liên hồi, các nghệ sĩ vào lớp diễn đầu...
Bà con Bình Thủy coi hát cúng đình. Ảnh: DUY KHÔI
Khi nghệ sĩ trong trang phục rực rỡ bước ra sân khấu, khán giả ở sân đình Bình Thủy vỗ tay rần rần. Mọi người khều nhau, trầm trồ diễn viên này đẹp, diễn viên kia hát hay. Rồi khi bà bầu gánh hát Phương Ánh bước ra trong vai một cô gái đẹp đẽ, kiêu sa, bà con hò reo hơn nữa, vì ai cũng biết, bà đã 66 tuổi mà bước bộ, nét diễn, giọng ca vẫn còn sắc bén lắm.
Vở tuồng hết, nghệ sĩ Phương Ánh vừa tẩy trang, tháo gỡ đạo cụ, vừa dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện, dù cô mệt lừ sau gần 2 tiếng hỉ, nộ, ái, ố trên sân khấu. Cô nói: “Ðược đi hát lại, cô mừng quá, mấy năm rồi dịch bệnh, đoàn phải nghỉ, anh em tan đàn xẻ nghé hết. Nói thiệt, được đi hát lại, cô mừng như ai cho cô vàng vậy”.
Hơn nửa thế kỷ đi hát, mấy chục năm làm bà bầu gánh hát, từ cải lương qua hát bội rồi cải lương tuồng cổ cúng đình, có lúc thăng có lúc trầm, tất cả được nghệ sĩ Phương Ánh gói gọn trong hai từ “yêu nghề”. Chỉ có tình yêu cháy bỏng với nghề đi hát chầu Thần, cô mới đủ can trường vượt qua bao khó khăn, bất hạnh. Bởi bây giờ, người con gái theo nghề hát, đồng hành cùng cô suốt mấy mươi năm cũng vĩnh viễn đi xa sau cơn bạo bệnh, gánh hát chỉ còn mình cô quán xuyến. Vậy mà, cô chưa bao giờ nghĩ chuyện dừng lại, nghĩ chuyện bỏ nghề. Cô nói: “Chừng nào cô diễn hết nổi thì cô cũng xin theo đoàn, theo đốt nhang cho Tổ, theo chừng nào hết nổi thì mới thôi".
Tháng Tư âm lịch trở đi, các đình làng ở Nam Bộ nói chung, Cần Thơ nói riêng lại đáo lệ Kỳ yên. Võ ca đình lại rực rỡ màn nhung sân khấu, lại rộn ràng tuồng xưa tích cũ. Những nghệ sĩ hát bội, cải lương tuồng cổ lại được hát chầu Thần và phục vụ bà con.
“Trồng trầu trồng lộn với tiêu
Con theo hát bội, mẹ liều con hư”
Câu ca dao xưa nói lên thân phận của người theo nghiệp hát bội và sự bạc bẽo của nghề hát. Vậy mà hiện nay, vẫn còn rất nhiều gánh hát bội, tuồng cổ duy trì. Những nghệ sĩ theo nghề hiện nay, có thể khẳng định, họ đều là người sống chết với nghề, gắn đời “cơm hội ngủ đình” từ nhỏ để hát cho bà con coi, để hỉ, nộ, ái, ố với đời qua từng vai diễn, vở tuồng. Dù cho khán giả đông hay thưa, sân khấu lớn hay nhỏ thì họ vẫn cứ hát, cứ diễn với tất cả niềm say mê, như rút ruột ra để hát.
Như trong Ðoàn nghệ thuật tuồng cổ Phương Ánh, nghệ sĩ hầu như ai cũng đã cao tuổi nhưng hết mình sắm trọn vai tuồng, khóc cười trên sân khấu. Trong đoàn này, nghệ sĩ Kim Xuân được xem là trẻ nhất, dù đã 43 tuổi. Chị kể, cha mẹ chị là nghệ sĩ hát bội nổi tiếng đất Long Xuyên, An Giang, nên chị nối nghiệp từ năm 9 tuổi. Bây giờ cha mẹ đều đã qua đời, chị nguyện nối nghiệp cha truyền, đi tìm vinh hoa nghề hát. Công việc thường ngày của chị là đi hát loa bán bánh kẹo ở Long Xuyên, đợi bầu gánh nhắn đi hát thì chị lên đường. Chị Kim Xuân kể: “Nghỉ hát lâu quá, nghe bầu gánh điện thoại kêu đi hát, mừng muốn khóc. Ðêm đó nôn, ngủ không được, soạn đồ sợ quên trước quên sau, không đủ đồ để hát”.
Còn với nghệ sĩ Vương Tiến, quê ở Châu Thành A, Hậu Giang, có hơn 30 năm theo nghiệp sân khấu. Hồi cải lương còn hoàng kim, anh theo các gánh lớn, sau thì chuyển qua hát tuồng cổ cúng đình. Sau Kỳ yên, anh lại về quê, cùng vợ coi sóc tiệm tạp hóa nhỏ, bán trái bầu, trái bí, sống qua ngày. Anh gọi nghề hát là cái nghiệp “chắc từ mấy kiếp trước”, chẳng thể nào bỏ được.
Nghệ sĩ Quốc Linh, 63 tuổi, trong nghề hay gọi thân thương là chú Tư, thì cởi bỏ áo bào, rời ánh đèn sân khấu, lại kiếm sống bằng nghề chạy xe ôm, đánh trống lạy cho đám tang... Ðường mưu sinh vất vả là vậy nhưng hễ ánh đèn sân khấu sáng lên, chú Tư lại là một nghệ sĩ Quốc Linh tài hoa, từng nét diễn, trình thức sân khấu đầy cuốn hút. Nói về chuyện thù lao, nghề hát, chú rụt rè: “Chắc đủ tiền cơm gạo”. Nói như vậy nghĩa là “sống được”, bởi nghệ sĩ trong đoàn ai cũng biết thù lao mỗi đợt cúng đình chẳng đáng là bao, “chia bảy chia mười” mỗi người một chút.
Nghệ sĩ Phương Ánh trần tình, cô gắn bó và duy trì đoàn tới giờ này cũng là nhờ tình thương của khán giả và tình nghệ sĩ dành cho nhau. Là nữ bầu gánh duy nhất hiện nay, chuyện hậu đài, sân khấu đến điện đài, di chuyển... cô đều được các nghệ sĩ trong đoàn quán xuyến tiếp. Ðời nghệ sĩ của gánh hát không giàu, mọi người nương náu nhau mà sống. Cô Phương Ánh lấy từ trong túi tờ 500.000 đồng ra và nói: “Như đây là tiền mà khán giả vừa thưởng cho đoàn ở tuồng hát vừa rồi. Cô có thông báo trên loa cảm ơn khán giả đàng hoàng. Nghệ sĩ, thầy đờn trong tuồng là 10 người, cô chia đều, mỗi người 50.000 đồng. Chẳng đáng là bao nhưng anh em vui”.
Trong câu chuyện với chúng tôi, những nghệ sĩ hát bội ở miền Tây lúc nào cũng không quên nói về khán giả. Họ nói bằng tất cả sự tri ân, những người đã cho họ “chén cơm” nghề hát. Ðạo lý yêu nghề, kính nghiệp, biết ơn người mộ điệu là căn cốt của sân khấu truyền thống Nam Bộ. Có lẽ từ tâm tình đó mà khán giả bây giờ vẫn còn thương nghệ sĩ hát bội cúng đình nhiều lắm. Dù trời mưa hay trời nắng, ban trưa hay ban tối, bà con vẫn say sưa coi hát. Có ghế thì ngồi ghế, không có ghế thì lót dép cũng ngồi coi tới vãn hát. Nét đẹp truyền thống ở đình làng vì vậy mà được thêm điểm xuyết.
Bữa hát cúng đình Ðình Bình Thủy, chị La Tú Hằng dẫn bà ngoại là cụ Trần Chinh đã 91 tuổi, ở tận phường Long Hòa ra coi. Chị Hằng nói, bà ngoại hay kể chuyện hồi xưa đốt đuốc ra đình coi hát, rồi lại coi nghệ sĩ vẽ mặt, hóa trang. Chị cũng vậy, mấy mươi năm qua vẫn quen việc đi coi hát bội cúng đình mỗi khi đình đáo lệ Kỳ yên. Chị Hằng gọi đó là bản sắc của quê hương. Còn với cô Phan Thị Tuyết Mai, nhà ở tận phường Long Tuyền, cũng không ngại dắt cháu ra coi suốt mấy ngày gánh hát về. Cô Mai nói: “Thương nghệ sĩ, họ hát hay, cuốn hút quá. Hát cúng đình là truyền thống từ hồi nào tới giờ, được bảo tồn tốt lắm. Cô dẫn cháu coi cho nó biết”.
* * *
Giữa xã hội hiện đại, cánh màn nhung giăng giăng ở võ ca đình làng, tiếng trống chầu vang lên như mời gọi bà con cùng rủ nhau đi coi hát cúng đình. Những tuồng tích đầy màu sắc, ý nghĩa nhân văn như đưa khán giả về với những hoài niệm ngày xưa, hồi đó... Ðằng sau những ông hoàng, bà chúa trên sân khấu là nghệ sĩ dành trọn cuộc đời “cơm hội, ngủ đình”, góp vui cho đời bằng tiếng hát, lời ca.