19/10/2013 - 21:16

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Chuyển động tích cực từ vốn ngoại

Tính từ đầu tháng 9-2013 đến nay, khối nhà đầu tư nước ngoài đã liên tiếp có 26 phiên mua ròng trên sàn chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), với giá trị mua ròng hơn 1.100 tỉ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, khối này đã mua ròng khoảng 5.000 tỉ đồng trên 2 sàn chứng khoán (TP HCM và Hà Nội), nâng tổng giá trị cổ phiếu niêm yết mà khối nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 2 sàn lên đến 8 tỉ USD.

Khối ngoại tăng mua cổ phiếu

Trong đợt tái cơ cấu danh mục đầu tư vào cuối tháng 9-2013 vừa qua của các quỹ đầu tư nước ngoài đã làm thị trường chứng khoán Việt Nam sôi động hẳn lên, thanh khoản trong cả tuần tái cơ cấu tăng gấp đôi, gấp ba lần so với trung bình nhiều phiên trước đó. Và kể từ đợt chốt danh mục đầu tư này đến nay, khối nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng trên sàn chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), có ngày mua ròng lên đến gần 200 tỉ đồng. Chưa đầy 3 tuần giao dịch sau khi chốt danh mục, lượng mua ròng của khối này đạt hơn 700 tỉ đồng trên sàn HOSE. Tại sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) khối ngoại cũng có những phiên mua ròng và giá trị mua ròng nhiều hơn bán ròng, tuy giá trị nhỏ so với sàn HOSE. Cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội niêm yết trên sàn HNX được khối ngoại mua thêm gần 60 triệu cổ phiếu kể từ cuối tháng 9-2013. Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (mã chứng khoán VNM), đã được khối ngoại bán ra trên 2 triệu cổ phiếu cách đây hơn 1 tháng làm giá cổ phiếu VNM giảm từ 152.000đồng/1 cổ phiếu về mức 126.000đồng/1 cổ phiếu, nhưng chưa đầy 2 tuần sau đó, khối ngoại liên tục mua lại hết room (tỷ lệ sở hữu) dành cho khối ngoại của cổ phiếu này (49%) và nhanh chóng đưa cổ phiếu VNM về trạng thái hết room dành cho nhà đầu tư nước ngoài - trạng thái vốn tồn tại từ năm 2007 đến nay.

Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài ngày càng tăng.

Nhìn lại nhóm cổ phiếu thuộc rổ VN30 thì một tháng trở lại đây, khối ngoại đa phần đều gia tăng tỷ trọng nắm giữ, nhiều nhất trong nhóm này là cổ phiếu DRC của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng, kế đến là cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và cổ phiếu HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. Hiện nay, hầu hết các cổ phiếu làm ăn tốt, ngành nghề cơ bản ổn định hầu như đã hết room của khối ngoại (room hiện nay dành cho khối ngoại tối đa là 49%) với hàng loạt cổ phiếu hết room như: REE, FPT, VNM, DHG, SSI, HCM, VSH...

Theo thông tin từ Vụ quản lý Quỹ thuộc Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến hết tháng 9-2013, giá trị danh mục đầu tư chứng khoán của khối nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 11,4 tỉ USD. Trong đó, 71% (khoảng 8 tỉ USD) là cổ phiếu niêm yết trên 2 sàn chính thức, cổ phiếu qua M&A (mua bán và sáp nhập) chưa niêm yết chiếm khoảng 9% (1,2 tỉ USD), trái phiếu chiếm 20% (2,2 tỉ USD). Ngoài ra, khối này còn một lượng tiền mặt khoảng 0,5 tỉ USD trong tài khoản sẵn sàng mua cổ phiếu. Đó là chưa kể các quỹ đầu tư ngoại đang kêu gọi nhà đầu tư bên nước của họ tăng vốn để mở rộng quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Thông tin về một vài quỹ ngoại mới sắp mở tài khoản đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới cũng làm thị trường nóng lên.

Sẽ nâng room của khối ngoại lên 60%

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan này trong quý IV/2013 là tập trung xây dựng cơ chế, chính sách cho thị trường chứng khoán. Trong đó, có việc hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định 55 về tỷ lệ sở hữu cổ phiếu niêm yết trên 2 sàn chính thức của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, việc đề xuất việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa 60% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết (hiện room được phép sở hữu tối đa là 49%). Đây được coi là giải pháp mạnh mẽ nhằm thu hút dòng vốn nước ngoài vào thị trường Việt Nam và giúp tăng thanh khoản thị trường. Việc nâng room lên 60% cho khối nhà đầu tư nước ngoài không những được nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng mà cả nhà đầu tư trong nước, lẫn doanh nghiệp niêm yết cũng rất mong đợi. Bởi nó giúp thị trường sôi động, thanh khoản tăng, giá trị cổ phiếu được định giá chính xác hơn. Việc huy động nguồn vốn giá rẻ, dài hạn cho doanh nghiệp để đầu tư sản xuất kinh doanh cũng thuận lợi hơn. Từ đó, kích thích cổ phần hóa doanh nghiệp và góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính, nền kinh tế của đất nước.

Nhật Bản hiện là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Vừa qua, các ngân hàng Nhật Bản đã mua một lượng lớn cổ phần của một số ngân hàng lớn của Việt Nam như Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (VCB), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) và Nhật Bản sắp tới sẽ ký hợp tác 6 lĩnh vực phát triển bao gồm: công nghiệp chế biến thực phẩm, máy móc nông nghiệp, điện tử, đóng tàu, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, ô tô. Điều này tạo ra kỳ vọng về nguồn vốn giá rẻ từ Nhật Bản sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam trong thời gian tới. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến được ký kết vào tháng 12-2013 sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội về giảm thuế suất và huy động các nguồn lực từ nước ngoài. Trong đó, nguồn lực về tài chính được kỳ vọng rất lớn để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế. Đối tác Việt Nam – EU (FDA) dự kiến ký kết trong năm 2014 cũng mở ra nhiều cơ hội đến từ một châu Âu thừa vốn và công nghệ. Ngoài ra, Asean+6 (Asean với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc Trung Quốc, New Zealand, Ấn Độ, Úc) kỳ vọng được ký kết vào năm 2015 để kết nối một cộng đồng kinh tế năng động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam. Cơ hội đón làn sóng đầu tư ngoại vào Việt Nam đang rất khả quan.

Trần Đăng

 

Chia sẻ bài viết