18/03/2008 - 10:22

Chương mới trong quan hệ Đức - Israel

Thủ tướng Israel Olmert đón Thủ tướng Đức Merkel tại sân bay ở Tel Aviv. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang có chuyến công du 3 ngày tới Israel nhằm tăng cường quan hệ song phương và giúp giải quyết cuộc xung đột Israel- Palestine. Bên cạnh các cuộc gặp quan trọng với các nhà lãnh đạo Israel như Thủ tướng Ehud Olmert và Tổng thống Shimon Peres, chuyến thăm của bà Merkel còn được xem là bước ngoặt mới trong quan hệ giữa Đức và Israel khi bà trở thành Thủ tướng Đức đầu tiên phát biểu trước Quốc hội Israel vào hôm nay 18-3.

Hơn 6 thập niên sau khi kết thúc Thế chiến thứ hai, chuyến thăm của Thủ tướng Đức tới Israel vẫn là sự kiện nhạy cảm. Lịch sử vẫn chưa quên việc 6 triệu người Do Thái bị sát hại trong vụ Holocaust dưới thời phát-xít Đức hồi Thế chiến thứ hai. Và hiện có khoảng 250.000 nạn nhân sống sót đang ở Israel là chứng nhân lịch sử của tội ác đó. Mặc dù nhà nước Israel được thành lập vào năm 1948, nhưng quan hệ ngoại giao với Đức chỉ được thiết lập 17 năm sau đó. Thậm chí cho đến nay, nhiều người Israel vẫn tẩy chay hàng hóa Đức và không đi du lịch đến Đức. Một thành viên Quốc hội Israel tên Arye Eldad tuyên bố không tham dự buổi diễn thuyết của bà Merkel vì không muốn nghe tiếng Đức. Để xoa dịu nỗi đau do lịch sử để lại, Thủ tướng Merkel khẳng định lại “trách nhiệm đặc biệt” của Đức đối với nhà nước Israel khi vừa đến sân bay Ben Gurion ở Thủ đô Tel Aviv. Bà Merkel cho biết sẽ đến thăm đài tưởng niệm quốc gia Holocaust của Israel.

Quan hệ giữa Đức và Israel từ trước đến nay khá phức tạp, có thể nói là “cứ một bước tiến lại có một bước lùi”. Thực tế, bà Merkel cũng thừa nhận rằng không phải tất cả 7 thành viên nội các tháp tùng bà lần này đều có thái độ thiện cảm với nhà nước Do Thái. Tháng trước, khi Thủ tướng Olmert tới thăm Berlin, bà Merkel đã phải cẩn trọng khi phát biểu về việc ủng hộ Israel có quyền đáp trả Phong trào Hồi giáo Hamas (Palestine) nếu lực lượng này tiếp tục bắn rocket vào lãnh thổ Israel. Bởi thái độ đối với Israel của người dân Đức rất khác biệt với các nhà lãnh đạo. Theo khảo sát năm 2004 của chuyên gia xã hội học Wilhelm Heitmeyer, 51% người Đức cho rằng các biện pháp của Israel đối với Palestine là “không khác những gì phát-xít Đức từng làm với người Do Thái”. Tương tự, khảo sát của hãng tin BBC (Anh) năm 2007 cũng cho thấy 77% người Đức có thái độ chống đối Israel.

Mặc dù còn nhiều trắc trở trong quan hệ nhưng hiện Đức là một trong những đồng minh chính trị và đối tác thương mại hàng đầu của Israel ở châu Âu. Đức hiện là “nhà cung cấp” chính cho lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế ở miền Nam Liban, sau khi Israel không kích nhóm dân quân Hezbollah năm 2006. Đức cũng làm trung gian hòa giải với Hezbollah để trả tự do cho 2 binh sĩ Israel bị bắt, vốn được xem là nguyên nhân dẫn tới cuộc chiến tranh 34 ngày ở Liban. Bước tiến quan trọng nhất trong quan hệ giữa Đức và Israel có lẽ là vụ Đức bán 2 tàu ngầm hạt nhân trị giá 1,27 tỉ USD cho Israel năm 2006, nhằm tăng cường khả năng cho quân đội Israel đối phó với Iran.

• N.MINH (Theo AFP, Jpost, Haaretz)

Chia sẻ bài viết