10/06/2024 - 19:35

Chung tay thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh 

Xu hướng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh ngày càng được các doanh nghiệp, người tiêu dùng quan tâm. Hiện nay, ở hầu hết các ngành hàng như thực phẩm, gia dụng, thời trang… đã và đang bắt nhịp theo xu hướng này.

Kiên trì vì mục tiêu xanh

Sản phẩm xanh, sản phẩm với tiêu chí thân thiện môi trường ngày càng trở thành xu hướng tiêu dùng người tiêu dùng Việt. Tại các kênh mua sắm, đặc biệt là các siêu thị người tiêu dùng sẽ dễ dàng bắt gặp những khu vực chuyên kinh doanh, những sản phẩm Việt dán nhãn sản phẩm xanh … 

Tháng 6 hằng năm, hệ thống siêu thị Co.opmart trên toàn quốc đều triển khai Chương trình “Tháng tiêu dùng xanh”.

Chị Nguyễn Thị Thu Hoài, ở quận Ninh Kiều, cho biết, khi mua sắm ở siêu thị chị đều chọn sản phẩm đáp ứng tiêu chí thân thiện môi trường, với mặt hàng thực phẩm cũng được chị ưu tiên mua các mặt hàng có dán nhãn xanh để bảo vệ sức khỏe. “Dùng sản phẩm xanh cũng là một cách để chung tay bảo vệ môi trường. Mua sắm, quần áo tôi ưu tiên mua sản phẩm được sản xuất từ vải tái chế hoặc chất liệu như sợi tre, bố; những loại vật dụng cũng tiết giảm tối đa sản phẩm nhựa hoặc những sản phẩm nhựa là sản phẩm tái chế”, chị Hòa kể.

Từ năm 2019, chuỗi siêu thị, cửa hàng bán thuộc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh - Saigon Co.op (Co.opmart. Co.op Food, Co.opXtra…) đã tiên phong loại bỏ ống hút nhựa và thay thế bằng ống hút giấy, ống hút tre để kinh doanh trên toàn hệ thống. Cùng đó, nhà bán lẻ này cũng bền bỉ hằng năm thực hiện các hoạt động như “Ngày không túi nylon”, “Tháng tiêu dùng xanh”…

Tháng 3-2024, tại “Hội nghị kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững - nâng cao chất lượng hàng Việt” Saigon Co.op cùng với nhiều nhà bán lẻ khác đã ký kết biên bản ghi nhớ với 6 đối tác, cam kết cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng xanh bền vững. Mục đích việc ký kết nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, đảm bảo lợi ích sức khỏe người tiêu dùng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, bình ổn thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Theo thỏa thuận, dưới sự định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước, 6 nhà phân phối sẽ đưa ra các nguyên tắc quan trọng để phát hiện và ngăn chặn sản phẩm không an toàn ngay từ đầu và ở phạm vi nhỏ trong hệ thống phân phối.

Theo lãnh đạo Saigon Co.op, sự hợp tác này cũng góp phần đưa hàng Việt, hàng sản xuất trong nước có cơ hội xuất khẩu ra thị trường quốc tế thông qua đối tác chiến lược của Saigon Co.op là NTUC FairPrice (Singapore). Trong năm 2023, Saigon Co.op xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy hải sản của Việt Nam sang thị trường Singapore với tổng giá trị xuất khẩu đạt gần 90 tỉ đồng thông qua đối tác chiến lược NTUC FairPrice.

Đầu tháng 6-2024, tại lễ phát động chương trình “Tháng tiêu dùng xanh” do Saigon Co.op và Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết sức tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong “Tháng tiêu dùng xanh” được tổ chức vào tháng 6 hằng năm tại 800 điểm bán đã tăng 50-60% so với các tháng thông thường. Ông Đức cho biết thêm, hiện nay, nhà sản xuất cũng hướng đến những sản phẩm bảo đảm được tiêu chí hữu cơ, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Theo số liệu thống kê của Saigon Co.op trong 5 năm qua, có khoảng 30% bao bì của nhà cung cấp đã chuyển đổi theo hướng xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn. Ngay cả Saigon Co.op cũng đã chuyển sang dùng bao bì tự phân hủy từ nhiều năm nay, tiến tới dùng bao bì có nguồn gốc hoàn toàn thiên nhiên. “Các đơn vị phân phối bán lẻ cũng chuyển hóa, chắt lọc các sản phẩm đặt lên quầy kệ để tạo nên những tiêu chí của riêng mình. Chẳng hạn, Saigon Co.op những năm qua tập trung vào các sản phẩm dùng 1 lần như ống hút, khay đựng thực phẩm, chén, dĩa nhựa… và định hướng những năm tới sẽ hướng đến những sản phẩm tiêu dùng thường xuyên” - ông Đức nói.

Xu hướng tất yếu

Theo các chuyên gia, để cạnh tranh tại thị trường nội địa và ra thị trường thế giới, doanh nghiệp Việt bắt buộc phải sản xuất xanh. Hiện nay, nhiều ngành hàng như sữa, thời trang, nhựa,… đã và đang bắt nhịp.

Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững nhựa tái chế Duy Tân, cho biết: Công ty Tái chế Duy Tân (Duy Tân Plastic Recycling - DTR), một dự án tái khởi nghiệp của Nhựa Duy Tân, là một trong 6 doanh nghiệp tiên phong đang nhận được hỗ trợ kỹ thuật của dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) của Cơ quan phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Hoạt động từ năm 2020 tại tỉnh Long An, nhà máy của DTR hiện là đối tác của các nhãn hàng lớn như Lavie, Nestle, Coca-cola… Để làm được điều này DTR đã đạt 15 tiêu chuẩn quốc tế khắt khe như ISO, FDA, HACCP…  Đặc biệt, công ty đã xuất khẩu thành công 4.000 tấn hạt nhựa tái chế sang thị trường Mỹ, châu Âu, đây là những thị trường khắt khe bậc nhất trên thế giới. Ngoài ra, sản phẩm của DTR đã được xuất khẩu sang tất cả 12 nước trên thế giới.

Với ngành hàng thời trang, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), VITAS đã định hướng từ nay đến năm 2030, sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Từ giai đoạn 2031-2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu; xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới… Để hoàn thành mục tiêu, các doanh nghiệp đang thúc đẩy những giải pháp mà hiệp hội đã định hướng như tiếp tục đầu tư vào công nghệ, quản trị số và các giải pháp tiết giảm chi phí, thời gian giao hàng nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Và trong những năm qua, không ít các các doanh nghiệp dệt may đã nỗ lực sản xuất những sản phẩm dệt may xanh, đáp ứng yêu cầu từ thị trường.

Đại diện MM Mega Market cũng cho biết, siêu thị đang tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp xanh tham gia bán hàng vào hệ thống. Tuy nhiên, đại diện MM Mega Market chỉ ra khó khăn của doanh nghiệp khi chuyển đổi qua sản xuất xanh như để được chứng nhận doanh nghiệp xanh, sản phẩm xanh, doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều. Nếu bỏ qua yếu tố khuyến mãi, giá bán sản phẩm xanh có thể cao hơn sản phẩm thông thường. Do đó, cần phải có chính sách ủng hộ từ tinh thần đến vật chất để khuyến khích doanh nghiệp xanh chuyển đổi xanh.

Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế: Phát triển kinh tế xanh trở thành áp lực của các doanh nghiệp. Thực tế chứng minh rất rõ, doanh nghiệp nào tăng trưởng xanh thì có khả năng cạnh tranh ngày càng tốt hơn trên thương trường. Như vậy, xanh trở thành động lực của các doanh nghiệp. Đó là, doanh nghiệp nếu muốn tồn tại được, muốn cạnh tranh được trên thị trường hàng hóa phải xanh hóa, phải là doanh nghiệp xanh, nếu không thì không tồn tại phát triển được. Chính phủ các nước, kể cả Việt Nam, đã đưa ra rất nhiều chương trình, chính sách về phát triển xanh, doanh nghiệp xanh, đây thực sự trở thành quyết tâm lớn của nhà nước.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết