25/04/2013 - 20:03

Chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm

Theo phân tuyến của Sở Y tế TP Cần Thơ, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ điều trị cúm A (H1N1), A (H5N1) và A (H7N9). Trong thực tế, từ năm 2004, bệnh viện này đã điều trị cúm A (H5N1) ở người lớn, sau đó là cúm A (H1N1) ở cả người lớn và trẻ em. Trước tình hình thời tiết chuyển mùa, bệnh cúm A (H1N1), A (H5N1) đã xuất hiện rải rác ở một số tỉnh, thành trong cả nước, phóng viên Báo Cần Thơ đã trao đổi với bác sĩ Trần Mạnh Hồng, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ về triệu chứng, cách phòng bệnh và công tác chuẩn bị của bệnh viện để thu dung điều trị với dịch bệnh này.

* Thưa bác sĩ, cúm A (H1N1), A (H5N1) và A (H7N9) có những triệu chứng ban đầu giống nhau như thế nào ?

- Cả ba bệnh đều có triệu chứng ban đầu giống nhau: ho, sốt, đau ngực. Tuy nhiên bệnh cúm A (H1N1) (còn gọi là cúm mùa), lây từ người sang người qua đường hô hấp nhưng bệnh cảnh lâm sàng nhẹ, ít khi nào dẫn đến khó thở, suy hô hấp. Năm 2011, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ cũng tiếp nhận trên dưới 100 bệnh nhân cúm A (H1N1) cả người lớn và trẻ em ở TP Cần Thơ. Trong vòng 5-7 ngày điều trị bằng tamiflu, xét nghiệm lại, các bệnh nhân đều âm tính và được xuất viện. Có trường hợp bị bệnh cúm A (H1N1) nhưng sức đề kháng tốt có thể tự khỏi bệnh. Tuy nhiên do bệnh này lây lan nhanh nên cần cách ly bệnh nhân trong quá trình điều trị, theo dõi. Ngoài ra, do chủng vi rút có thể biến thể tạo động lực mạnh hơn nên cán bộ y tế, người dân không nên chủ quan với căn bệnh này.

Đoàn cá bộ Sở Y tế làm việc với Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Thạnh về công tác phòng, chống cúm A. Ảnh: Q.BẢO 

Bệnh cúm A (H5N1), A (H7N9) không lây từ người sang người như cúm A (H1N1), người bệnh do tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm, chim di cư hoặc chim nuôi trong nhà có mang mầm bệnh cúm A (H5N1). Tuy nhiên, bệnh cúm A (H5N1) và cúm A (H7N9) thì bệnh cảnh lâm sàng diễn tiến nhanh, dễ đưa đến khó thở, suy hô hấp. Cúm A (H5N1) suy hô hấp rất nhanh, ngày thứ 3 trở đi bắt đầu khó thở, rồi suy hô hấp, kèm theo suy thận, suy tim, suy tuần hoàn (còn gọi là suy đa phủ tạng). Trong 5 ca điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ thì chưa có ca nào qua được ngày thứ bảy.

* Thưa bác sĩ, nguyên nhân nào cả 5 bệnh nhân cúm A (H5N1) này đều tử vong ?

- Khi xuất hiện các biểu hiện ho, sốt, khó thở, bệnh nhân tự mua thuốc uống, không hết thì họ đến cơ sở y tế tư, trạm y tế, bệnh viện tuyến dưới hoặc các bệnh viện đa khoa. Ở các nơi này, qua khai thác bệnh sử, tiền sử tiếp xúc với gia cầm, các cơ sở này chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ. Vì thế, cả 5 ca đều đến rất muộn, khi đã có suy hô hấp nên dù cố gắng điều trị hết mức, bệnh nhân cũng không qua khỏi.

Bệnh cúm A (H5N1) có biểu hiện tương đối rõ trên X-quang phim phổi, biểu hiện rất đặc trưng, mờ không đồng nhất từ đáy phổi đi lên, còn gọi là hội chứng đông đặc đáy phổi. Kèm theo đó là xét nghiệm công thức máu, bạch cầu giảm, cộng thêm yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm, có ho, sốt, đau ngực thì nghi ngờ mắc cúm A (H5N1), cúm A (H7N9). Nếu muốn chẩn đoán xác định, cán bộ y tế lấy dịch tiết hầu họng hoặc mũi họng gởi đi xét nghiệm tại Viện Pasteur TP HCM. Sau 24 giờ có kết quả dương tính thì TP Hồ Chí Minh sẽ báo cho bệnh viện ngay.

Tuy chưa chẩn đoán xác định bệnh nhân bị cúm A (H5N1) nhưng hội tụ 4 yếu tố trên thì tiến hành điều trị thuốc tamiflu cho bệnh nhân. Điều trị càng sớm thì càng đáp ứng tốt với thuốc tamiflu, nguy cơ tử vong càng giảm.

* Cúm A (H7N9) nguy hiểm thế nào so với cúm A (H5N1), thưa bác sĩ ?

- Về dịch bệnh cúm A (H7N9), tính đến sáng 23-4-2013, có 102 trường hợp mắc bệnh ở Trung Quốc, với 20 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, đến nay 40% ca mắc bệnh chưa rõ đường lây từ đâu, vì thực tế họ chưa tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm, chim mang mầm bệnh hoặc ăn gia cầm, thủy cầm, chim mang mầm bệnh chưa được nấu chín. Trung Quốc cũng chưa có kết luận chính thức về các trường hợp này. Đây là điểm khó so với cúm A (H5N1). Với cúm A (H5N1), khi có các triệu chứng nghi ngờ, mà có tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, thủy cầm, chim mang mầm bệnh thì bác sĩ nghi ngờ cúm A (H5N1) và cho điều trị tamiflu ngay. Nhưng với cúm A (H7N9), đến nay 40% bệnh nhân ở Trung Quốc chưa xác định nguyên nhân lây bệnh từ đâu, vì thế rất khó cho điều trị và dự phòng.

* Thưa bác sĩ, bệnh viện đã có những chuẩn bị gì về trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực cho công tác điều trị cúm A ?

- Ngay từ năm 2003, Sở Y tế TP Cần Thơ đầu tư khu cách ly 20 giường bệnh với 8 phòng bệnh, trong đó 2 phòng dành cho bệnh nhân thở máy. Khu cách ly có phòng điều trị bệnh nhân nghi ngờ và phòng điều trị cho bệnh nhân đã khẳng định nhiễm bệnh. Ngoài ra, bệnh viện cũng được trang bị máy thở, X-quang tại giường, điện tim, máy tạo oxy, monitor theo dõi bệnh nhân, thuốc đặc trị tamiflu, trang bị bảo hộ và xe cứu thương chuyên dụng. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ có điều trị lao đa kháng thuốc nên trang bị phòng hộ, khu cách ly luôn được bảo đảm. Cán bộ y tế của bệnh viện cũng được tập huấn cập nhật các thông tin mới về phác đồ điều trị. Về mọi mặt, đến nay bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận, điều trị cúm A (H5N1), cúm A (H7N9) cho người lớn (bệnh nhân từ 15 tuổi trở lên).

* Người dân cần làm gì để tự phòng bệnh cúm A (H5N1), cúm A (H7N9) ?

Khi phát hiện gia cầm, thủy cầm chết thì phải báo với cơ quan thú y. Trong quá trình chăn nuôi, phải tiêm phòng cho gia cầm, mang găng tay, khẩu trang, rửa tay và tắm rửa thường xuyên. Không ăn gia cầm, thủy cầm không rõ nguồn gốc, chết. Sau khi người dân có tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm, bị sốt, ho, đau ngực nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Để phòng chống dịch cúm A (H1N1) cần thực hiện các biện pháp: rửa tay sạch hằng ngày bằng xà phòng hoặc dung dịch nước sát khuẩn, giữ vệ sinh cá nhân thật tốt; khi ho, khạc cần lấy khăn che miệng, nếu có vấn đề về sức khỏe thì phải đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh.

* Xin cảm ơn bác sĩ !

Q.Bảo (thực hiện)

Chia sẻ bài viết