27/06/2016 - 20:41

Chưa tìm được lối ra

Cuộc bầu cử lại ở Tây Ban Nha hôm 26-6 một lần nữa cho thấy đảng Nhân dân (PP) bảo thủ cầm quyền tiếp tục đứng đầu và chắc chắn sẽ được Nhà vua Felipe VI yêu cầu thành lập chính phủ mới. So với 123 ghế đạt được trong cuộc tổng tuyển cử cách đây 6 tháng, PP lần này giành được 137 ghế. Tuy nhiên, PP vẫn chưa hội đủ 176 ghế cần thiết để tự đứng ra thành lập chính phủ, trong khi việc tìm kiếm liên minh khả dĩ nhất lại không dễ dàng chút nào.

Đảng Xã hội (SP) trung tả đối lập tuy bị mất thêm 5 ghế nhưng leo lên vị trí thứ hai với 85 ghế, còn liên minh cánh tả chống thắt lưng buộc bụng Unidos Podemos (Đoàn kết là có thể) rơi xuống vị trí thứ ba với 71 ghế. Đảng Ciudadanos (Công dân) theo xu hướng tự do chỉ giành được 32 ghế trong Quốc hội 350 thành viên.

Cần biết là tại Tây Ban Nha, PP và SP là hai chính đảng truyền thống thay phiên nhau cầm quyền suốt hàng chục năm qua, trong khi sự ra đời và trỗi dậy mạnh mẽ của Unidos Pademos và Ciudadanos là hai xu hướng lựa chọn khác giữa lúc xứ bò tót lâm vào khủng hoảng tài chính, bất bình đẳng xã hội và thất nghiệp gia tăng.

Trong khi đó, theo giới phân tích, PP và SP vì "sĩ diện của đảng lớn" nên kiên quyết không hợp tác với nhau chọn lựa người đứng đầu chính phủ. Theo nguyên tắc và quan điểm của PP, đảng này chỉ có thể bắt tay với Ciudadanos, nhưng ngặt nỗi sự liên kết của hai bên vẫn không đủ 176 ghế cần thiết.

Cuộc tổng tuyển cử diễn ra chỉ 3 ngày sau khi người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử tại quốc gia này. Đây được đánh giá là diễn biến mới có thể sẽ tác động tới tâm lý của cử tri xứ sở bò tót.

Có thể nói, Tây Ban Nha đã lún sâu vào bế tắc chính trị suốt 6 tháng qua do không đảng nào giành được đa số ghế trong Quốc hội để thành lập Chính phủ trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng Giêng năm ngoái. Cách nay một tháng, Nhà vua Felipe VI đã ký sắc lệnh giải tán Quốc hội Tây Ban Nha và kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử với hy vọng đưa quốc gia này ra khỏi cuộc khủng hoảng.

Nhưng xem ra, như nhận định của hãng tin Mỹ AP, cuộc bầu cử mới vẫn chưa thể định hình được tương lai chính trị của Tây Ban Nha – nền kinh tế lớn thứ 5 của một EU đang bên bờ vực tan rã sau cuộc trưng cầu dân ý chấn động ở Anh.

KIẾN HÒA (Theo AP, AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết