Bài, ảnh: H.HOA
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam hiện nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao đa kháng thuốc cao nhất trên thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 170.000 bệnh nhân lao và nếu không được chữa trị, mỗi người mắc lao sẽ lây nhiễm trung bình từ 10-15 người khác. Vì vậy, việc chủ động tầm soát để sớm phát hiện bệnh lao, lao tiềm ẩn là giải pháp quan trọng nhằm giảm bớt gánh nặng cho người bệnh và xã hội.
Bác sĩ khám bệnh tại Phòng khám lao, BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ.
40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện
Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi trùng lao gây nên. Bệnh có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể như: lao màng phổi, lao hạch bạch huyết, lao màng não, lao xương khớp, lao màng bụng, lao hệ sinh dục - tiết niệu, lao ruột. Trong đó, bệnh lao phổi thường gặp nhất, chiếm 80-85% và là nguồn lây chính cho người xung quanh.
Tại Việt Nam, chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu không còn bệnh lao, hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng. Theo đó, các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới về điều trị đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc. Hiện tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới và xấp xỉ khoảng 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và với 80% bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.
Theo thống kê của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ (BV L&BP), năm 2022, BV đã tiếp nhận thu dung và điều trị cho 2.585 bệnh nhân lao các thể. Trong đó có 63 trường hợp lao đa kháng thuốc trên địa bàn TP Cần Thơ. Từ ngày 1-7-2022, ngành y tế thực hiện khám chữa bệnh lao từ nguồn bảo hiểm y tế trong khi trước đó từ nguồn dự án, ngân sách nhà nước. Người bệnh cùng chi trả với bảo hiểm y tế từ 5-20%. Ngoài ra, với bệnh nhân lao đa kháng thuốc, dự án của WHO cũng hỗ trợ tiền giường bệnh (người bệnh không có bảo hiểm y tế); tiền ăn, tiền xe đi lại tái khám.
Chủ động phát hiện bệnh lao, lao tiềm ẩn
Bệnh lao là “kẻ giết người thầm lặng”. Vì vậy phát hiện sớm chủ động lao, không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng.
Dưới sự hỗ trợ của các dự án, ngân sách địa phương, tại TP Cần Thơ, trong năm 2023, BV L&BP TP Cần Thơ phối hợp trung tâm y tế, trạm y tế thực hiện chiến lược 2X (X-Quang, Xpert) chủ động phát hiện bệnh lao, lao tiến triển miễn phí trong cộng đồng tại tất cả các xã, phường trên phạm vi toàn thành phố. Ngoài ra, BV L&BP TP Cần Thơ cũng thực hiện xét nghiệm lao tố để phát hiện các ca mắc lao tiềm ẩn trong cộng đồng.
Bác sĩ Hứa Trung Tiếp, Phó Giám đốc BV L&BP TP Cần Thơ, cho biết: Công tác chủ động phát hiện bệnh lao được tiến hành ở cả cộng đồng và cơ sở y tế. Với cơ sở y tế, khi người dân có triệu chứng ho kéo dài trên 2 tuần mà dùng kháng sinh thông thường 7-14 ngày không hết, sụt cân, đau lói ngực, sốt nhẹ ớn lạnh về chiều, đổ mồ hôi về đêm... thì nên nghĩ đến bệnh lao. Thầy thuốc cho bệnh nhân chụp X-quang ngực, nếu phát hiện tổn thương, thực hiện xét nghiệm Xpert. Chỉ sau 2 giờ là có kết quả. Với Xpert, chẩn đoán mắc lao hay không và có kháng thuốc Rifampicin không. Từ đó có phác đồ điều trị phù hợp. Hiện nay, Xpert được trang bị tại BV L&BP TP Cần Thơ, Trung tâm Y tế Ninh Kiều và BV Ða khoa Thốt Nốt. Năm nay, dự kiến trang bị thêm cho BV Nhi đồng TP Cần Thơ và BV Quân dân Y TP Cần Thơ (đặt tại huyện Cờ Ðỏ). TP Cần Thơ triển khai xét nghiệm mới Xpert màu dùng để phát hiện, chẩn đoán lao siêu kháng thuốc.
Trong năm 2023, chương trình chống lao đang xây dựng kế hoạch triển khai phác đồ mới điều trị bệnh lao nhạy cảm trong 4 tháng (hiện nay 6 tháng) nhằm rút ngắn thời gian điều trị, giảm tác dụng phụ. Bệnh lao vẫn là căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. WHO chọn ngày 24-3 là Ngày Thế giới phòng, chống lao. Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao 24-3, tại TP Cần Thơ, mạng lưới phòng, chống lao tổ chức các hoạt động: xe cổ động tuyên truyền, băng rôn, áp phích..., đồng thời tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, truyền hình, báo, mạng xã hội nhằm tăng cường nhận thức của người dân về căn bệnh này.