08/07/2024 - 10:18

Chủ động giải pháp cho vụ lúa thu đông hiệu quả 

Thu đông là vụ lúa đối mặt với điều kiện sản xuất bất lợi do ảnh hưởng của sâu bệnh và mưa lũ. Ðể sản xuất hiệu quả vụ lúa này, nông dân áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Ðồng thời, thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp trong các khâu làm đất, chọn giống, gieo sạ tập trung đồng loạt để né rầy, tránh lũ, tăng cường chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch lúa kịp thời.

Nông dân ở huyện Thới Lai chăm sóc lúa thu đông.

Chủ động cho vụ lúa thu đông

Năm nay, lúa bán được mức giá khá tốt so với các năm trước nên nông dân ở nhiều địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ đã tranh thủ sản xuất vụ thu đông 2024 với kỳ vọng sẽ có vụ mùa thắng lợi. Ngay sau khi thu hoạch lúa hè thu, nông dân đã khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, làm đất, bắt tay ngay vào sản xuất lúa thu đông. Ðến đầu tháng 7-2024, nông dân tại các quận, huyện đã xuống giống với diện tích 50.000ha, đạt hơn 78,6% so với kế hoạch và cao hơn 4.130ha so với cùng kỳ năm trước. Lúa hiện nay đang trong giai đoạn mạ và đẻ nhánh, lúa sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh.

Ông Hồ Hoàng Diệu ngụ ấp Thới Phong B, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, cho biết: “Vụ lúa hè thu vừa rồi dù giá lúa có giảm so với hồi đầu năm nhưng vẫn nằm ở mức cao, đảm bảo có lời nên bà con rất phấn khởi và tích cực sản xuất vụ thu đông. Vụ hè thu vừa qua, tôi sạ giống chất lượng cao OM 5451 với diện tích 40 công, sau khi trừ chi phí còn lời trên 3,5 triệu đồng/công. Vụ này tôi tiếp tục sạ giống lúa OM 5451, đến nay, ruộng lúa của tôi đã được hơn nửa tháng, lúa phát triển rất tốt...”. Anh Lê Bé Thảo ở ấp Ðịnh Thành, xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai, cũng cho biết: “Gia đình tôi và nhiều hộ dân xung quanh đã xuống giống xong vụ lúa thu đông, hy vọng có thể tiếp tục kiếm được mức lời tốt. Vụ hè thu rồi với 10 công lúa sạ giống OM 18 đạt năng suất 780 kg/công, bán được giá 7.700 đồng/kg, tính ra tôi có lời khoảng 3 triệu đồng/công. Còn vụ này, tôi sạ giống OM 380 đã được 20 ngày tuổi, lúa phát triển tốt, chưa có xuất hiện sâu bệnh nên chưa cần phun thuốc bảo vệ thực vật lần nào”. Còn theo anh Nguyễn Hữu Tầm ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn, vụ thu đông rơi vào mùa mưa lũ nên dự báo việc sản xuất sẽ đối mặt với không ít khó khăn. Tuy nhiên, ở địa phương có hệ thống bờ bao vững chắc đảm bảo ngăn lũ và bà con cũng tranh thủ xuống giống sớm nên không lo bị ảnh hưởng nhiều bởi nước lũ; năm nay dự báo lũ cũng ở mức thấp...

Thường xuyên chăm sóc, bảo vệ lúa

Vụ thu đông 2024, toàn TP Cần Thơ có kế hoạch gieo trồng hơn 63.540ha lúa, dự kiến lịch thời vụ gieo sạ đợt 1 từ ngày 20 đến 27-6-2024; đợt 2 từ ngày 4 đến 11-7-2024. Trên cơ sở lịch thời vụ đã khuyến cáo, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ rầy nâu tại chỗ và tình hình rầy di trú kết hợp với chế độ thủy văn để xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho địa phương.

Ðể phòng tránh sự bùng phát, lây lan, gây hại của các loại dịch hại nguy hiểm và đảm bảo sản xuất thắng lợi vụ lúa thu đông 2024, ngay từ khá sớm, Sở NN&PTNT thành phố yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc sở và các quận, huyện quan tâm vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, làm đất kỹ và xử lý tốt rơm rạ để tránh hiện tượng ngộ độc hữu cơ. Ðảm bảo thời gian giãn cách giữa 2 vụ từ 3 tuần trở lên “cắt đứt” sự lây truyền của các mầm sâu bệnh. Ðồng thời, căn cứ diễn biến rầy nâu vào đèn tại thành phố và các tỉnh trong vùng, kết hợp với chế độ thủy văn để xây dựng lịch thời vụ xuống giống vụ lúa thu đông đảm bảo “né rầy”, hạn chế chi phí bơm tưới đầu vụ và tránh lũ cuối vụ.

Ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ cùng các cấp chính quyền tại các địa phương đang tiếp tục theo dõi sát tình hình sản xuất và diễn tiến của thời tiết, mưa lũ và sâu bệnh để kịp thời khuyến cáo, hỗ trợ người dân chủ động trong sản xuất. Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, năm nay tình hình thời tiết dự báo có nhiều diễn biến phức tạp bởi biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của La Nina, đặc biệt từ tháng 8 đến tháng 11 sẽ có mưa nhiều. Bên cạnh đó, dù lũ được dự báo ở mức thấp nhưng triều cường tiếp tục diễn biến phức tạp và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất lúa và nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Cần Thơ. Do vậy, nông dân cần chủ động gia cố hệ thống đê bao, bờ bao, vệ sinh nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng và chuẩn bị phương tiện bơm tát để chủ động tiêu thoát nước cho ruộng lúa. Phòng tránh nguy cơ lúa có thể bị ngập úng do mưa lớn kéo dài kết hợp với ảnh hưởng của lũ và triều cường, nhất là trong giai đoạn lúa chuẩn bị chín và thu hoạch.

Ðể giảm chi phí sản xuất và phòng tránh nguy cơ lúa bị đổ ngã trong vụ này, nông dân cần thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo, nhất là gói kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” và quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ÐBSCL. Trong đó, nông dân cần chú ý thực hiện tốt từ khâu làm đất, chọn giống tốt (cấp xác nhận trở lên) đến việc gieo sạ với khối lượng hạt giống không quá 70kg/ha, thực hiện bón vùi phân bón vào đầu vụ, áp dụng giải pháp tưới ngập khô xen kẽ, sử dụng phân bón hợp lý, cân đối, tránh bón thừa phân đạm... Qua đó giúp cây lúa có bộ rễ tốt, chắc khỏe, ít bị sâu bệnh và đổ ngã. Ngành Nông nghiệp các địa phương cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy nông dân và các hợp tác xã tăng cường liên kết với nhau và với các doanh nghiệp theo hướng chặt chẽ và có trách nhiệm để nâng cao hiệu quả sản xuất, ổn định đầu ra cho lúa gạo.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết