26/05/2011 - 08:42

Chọn lối sống tích cực để phòng ngừa bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường là một bệnh chuyển hóa các chất trong cơ thể mà đặc trưng là lượng đường trong máu tăng lên, kéo theo rối loạn chuyển hóa chất béo (lipid), chất đạm (protid) trong cơ thể. Khi lượng đường trong máu tăng lên tới một mức nào đó thì sẽ xuất hiện đường trong nước tiểu nên gọi là bệnh tiểu đường. Thật ra, khi xuất hiện đường trong nước tiểu thì bệnh đã đi một chặng đường dài và thường đã xuất hiện biến chứng. Biến chứng đái tháo đường là hậu quả của một phức hợp các rối loạn các chất gây tổn thương hàng loạt cơ quan, trước hết là hệ tuần hoàn, thần kinh, mắt, thận, bàn chân… nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tàn tật hoặc tử vong…

Tiến triển tự nhiên của bệnh gồm: người tích hợp nhiều yếu tố nguy cơ ---> người có biểu hiện tiền đái tháo đường ---> bệnh nhân đái tháo đường ---> bệnh nhân có biến chứng nhiều cơ quan ---> tử vong do biến chứng hoặc giảm tuổi thọ.

Các yếu tố nguy cơ dễ đưa đến bệnh đái tháo đường là: Béo phì, chỉ số BMI từ 23 trở lên (chỉ số BMI được tính bằng cách lấy cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (mét)); cao huyết áp; có người thân ruột thịt mắc bệnh đái tháo đường; đã được chẩn đoán đái tháo đường khi mang thai, huyết áp trên 140/90mmHg khi mang thai, hoặc sinh con có cân nặng trên 4kg; rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đặc biệt có HDL-cholesterol thấp mà triglycerid cao; trên 45 tuổi, ít hoạt động thể lực; xét nghiệm thấy có rối loạn dung nạp glucose hoặc giảm dung nạp glucose lúc đói.

 Tăng cường trái cây, rau củ trong khẩu phần ăn hằng ngày sẽ góp phần hạn chế bệnh đái tháo đường của người bệnh. Ảnh: B.Ng

Theo nghiên cứu được tiến hành đồng loạt ở những người từ 30-69 tuổi tại nhiều tỉnh trong năm 2010, thì số người được chẩn đoán đái tháo đường vào khoảng 3,1%, người tiền đái tháo đường là 9%, và số người có yếu tố nguy cơ chiếm 22,1%.

Hầu hết những người đái tháo đường và tiền đái tháo đường không được chẩn đoán; người ta cho rằng điều này xuất phát từ sự thiếu thông tin hoặc kiến thức về bệnh kém mà cơ hội được chẩn đoán giảm đi. Điều đáng lo là nếu không được phát hiện sớm từ lúc còn tiền đái tháo đường hoặc xa hơn nữa là khi mới có nhiều yếu tố nguy cơ thì sau một thời gian người đó có nhiều khả năng sẽ tiến triển thành người bệnh đái tháo đường thực thụ.

Hội nghị lần 6 của Hiệp hội Đái tháo đường thế giới vào năm 2005 đã coi bệnh đái tháo đường là “kẻ giết người thầm lặng”. Những người 40-50 tuổi bị mắc bệnh thì sẽ mất trung bình 10 năm tuổi thọ, người đái tháo đường týp 2 sẽ mắc bệnh lý mạch vành cao gấp 2-3 lần so với người bình thường...

Phòng bệnh đái tháo đường týp 2 cần được tổ chức ngay ở những người có các yếu tố nguy cơ kể ở trên. Về nguyên tắc, tất cả mọi người đều phải thực hiện phòng bệnh, nhưng xét về góc độ chi phí và hiệu quả thì việc phòng bệnh tích cực, có mục đích, có theo dõi và đánh giá nghiêm ngặt thì việc phòng bệnh đầu tiên nên áp dụng đối với những người này, nhất là những người có nhiều nguy cơ cùng lúc. Các biện pháp dự phòng bao gồm:Kiểm soát dinh dưỡng: Gồm kiểm soát cân nặng sao cho BMI từ 18,5-22,9 là vừa; cân đối lượng thức ăn hàng ngày; hạn chế rượu, thuốc lá; hạn chế ăn mặn ở người cao huyết áp...Hoạt động thể lực: Ít hoạt động thể lực cũng là một yếu tố nguy cơ. Hoạt động thể lực trung bình và mạnh vừa luôn được khuyến khích (hoạt động thể lực trung bình như đi bộ nhanh, đạp xe, làm vườn...; hoạt động mạnh vừa như: chạy, bơi, cuốc đất...).Dùng thuốc: Được dùng để phòng bệnh cụ thể do thầy thuốc chỉ định.Biện pháp can thiệp tổng thể vào cộng đồng: Tuyên truyền kiến thức về bệnh đái tháo đường cho rộng rãi người dân; đánh giá tình hình mắc bệnh thông qua công tác điều tra trong cộng đồng hoặc thống kê tại các bệnh viện; khám sàng lọc phát hiện bệnh nhân đái tháo đường và những người được gọi là đái tháo đường tiềm tàng gồm có người “rối loạn dung nạp glucose” và “suy giảm dung nạp glucose lúc đói”.

Ngày nay, người ta biết rằng đái tháo đường týp 2 có thể phòng ngừa được; việc áp dụng chế độ ăn uống, luyện tập... thích hợp từ khi còn là yếu tố nguy cơ đã góp phần làm giảm tỷ lệ đái tháo đường một cách đáng kể; nếu là người bệnh đái tháo đường thì việc áp dụng các biện pháp tích cực kể trên cũng có tác dụng làm chậm tiến triển của bệnh, làm chậm xuất hiện biến chứng, tránh tàn tật, giảm tử vong.

Bs. Dương Phước Long
Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ

Chia sẻ bài viết