Dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, tác động đến mọi mặt đời sống xã hội; đồng thời cũng làm thay đổi cách sống và chi tiêu của không ít phụ nữ. Nếu như trước kia, nhiều người nuông chiều bản thân, không ngại vung tiền mua sắm quần áo, phụ kiện thời trang… thì nay, chị em đắn đo khi quyết định mua một món hàng mình thích, bởi họ muốn lập quỹ dự phòng cho gia đình; và hơn hết là sự đồng cảm với khó khăn chung của cộng đồng. Từ đó, họ chọn cách chi tiêu hợp lý, hỗ trợ người khác khi cần bởi còn nhiều cảnh đời vất vả mưu sinh, lao đao vì đại dịch.

Nhiều chị em nấu ăn tại nhà thay vì đi hàng quán đông người. Điều này vừa tiết kiệm vừa tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.
Hạn chế “vung tay quá trán”
Chị Phương Thảo ở quận Ninh Kiều, chia sẻ, chồng chị làm thợ điện nước tự do, bình quân mỗi tháng thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Khi có công trình nhiều thì thu nhập của anh sẽ khá hơn. Chị Phương Thảo làm giáo viên mầm non, thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Thời gian dịch bệnh rơi vào mùa hè, chị Phương Thảo nhận giữ 3 trẻ là học trò của lớp, nên thu nhập không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy vậy, chị Phương Thảo chi tiêu rất thận trọng, có sổ ghi chép từng khoản, thường xuyên kiểm tra để đảm bảo mình không tiêu xài hoang phí. Chị Phương Thảo nói: “Tuy kinh tế gia đình vẫn đảm bảo nhưng qua đợt dịch năm trước, tôi rút kinh nghiệm là phải chi tiêu căn bản; đồng thời, phải có khoản tích lũy, dự phòng chứ không vung tay quá trán. Lúc chưa xảy ra dịch bệnh, nếu thích một chiếc điện thoại đắt đỏ, tôi sẵn sàng mua trả góp trong vòng cả năm. Giờ thì tôi ưu tiên mua những mặt hàng thiết yếu”.
Tương tự chị Thảo, cô Kim Lợi ở quận Cái Răng, kể, năm nay, cô đã ngoài 60 tuổi, chỉ ở nhà nội trợ, lo cơm nước cho con trai út. Hằng tháng, ngoài lương tài xế 10 triệu đồng của con trai, cô được con gái lớn đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh biếu 5 triệu đồng để chi tiêu. Trước kia, cô Kim Lợi và con trai đều có chung sở thích mua sắm các thiết bị điện tử trong nhà. Vì vậy, mỗi khi con trai đề nghị mua máy giặt, tủ lạnh, hay đổi ti vi, cô đều đồng ý. Nhiều khi không đủ tiền, cô hỏi con gái để “ứng” trước tiền con biếu hằng tháng. “Cả năm nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tôi biết con gái cũng gặp khó khăn, dù con không than vãn hay cắt bớt khoản biếu tôi. Thế nhưng tôi tự ý thức là mình phải sắp xếp lại chi tiêu. Hổm rày, vào mùa bóng đá, con trai có ý muốn đổi ti vi để xem những trận cầu hấp dẫn hơn. Tôi khuyên con nên để dành tiền cho những việc cần thiết, không gây áp lực cho chị gái. Những khoản ăn sáng, uống cà phê bên ngoài quán xá đông người, hai mẹ con tôi cũng hạn chế tối đa. Thay vào đó, tôi tự nấu ăn ở nhà để đảm bảo sức khỏe, vừa chấp hành tốt chủ trương phòng, chống dịch bệnh" - cô Kim Lợi bộc bạch.
Thay đổi tư duy tiêu xài
Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều gia đình giảm, thậm chí mất thu nhập. Do đó, bài toán chi tiêu được các “tay hòm chìa khóa” cân nhắc cẩn thận. Chị Hồng Mai ở quận Cái Răng, cho biết: “Tôi sống ở Cần Thơ với hai con, con gái lớn học lớp 9, đứa nhỏ mới 3 tuổi. Chồng tôi kinh doanh ngành bánh kẹo, ngoài ra còn “thầu” căn tin ở TP Hồ Chí Minh. Cả 2 năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, thu nhập chỉ còn khoảng 1/3 so với trước. Vì vậy, từ khi xảy ra dịch bệnh, tôi cho người giúp việc nghỉ, đồng thời cân nhắc, giảm bớt chi tiêu”.
Còn chị Hoàng Ðiệp ở quận Cái Răng, thì từ bỏ luôn sở thích “chốt đơn” từ khi có dịch COVID. Chị Hoàng Ðiệp nói: “Tôi làm kế toán trưởng cho một công ty xây dựng. Chứng kiến anh em thợ bị cắt giảm lương, thu nhập vì công trình ít so với trước, tôi tự thấy mình cần điều chỉnh lại mức chi tiêu. Trước đây, tôi có thói quen canh giờ “livestream” của các cửa hàng trên mạng để mua quần áo thời trang cho mình và các con, vì nghĩ cũng không đáng bao nhiêu so với mức thu nhập của gia đình. Nhưng giờ thì tôi bỏ luôn sở thích này”.
Ðiều đáng trân trọng là nhiều phụ nữ, dù bản thân đang gặp khó khăn, nhưng từ các khoản tiết kiệm chi tiêu, sẵn sàng chia sẻ bằng tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Cô Nguyễn Thị Cẩm Vân ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, bán thức ăn sáng. Gần đây, dịch bùng phát, cô nghỉ ở nhà, mất đi khoản thu nhập. Thế nhưng, cô Vân vẫn tình nguyện trích sinh hoạt phí ủng hộ công tác phòng, chống dịch của địa phương. Hay như trường hợp của chị Trương Thị Trúc Mai ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt. Nhà chị Trúc Mai làm nghề gói bánh phục vụ đám tiệc. Tuy thu nhập không nhiều, khoảng 5 triệu đồng/tháng, chị vẫn gói ghém chi tiêu để ủng các hoạt động phòng, chống dịch và mua gạo, mì gói, nhu yếu phẩm... tặng bà con có hoàn cảnh khó khăn.
Dịch bệnh đã và đang tác động đến mọi mặt đời sống xã hội. Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, nhiều người thừa nhận rằng, dịch COVID-19 giúp họ có thời gian nhìn lại bản thân, cách sống; biết trân quý những giá trị tinh thần, không chạy theo lối sống vật chất, hưởng thụ. Bên cạnh đó, nhiều người cũng chia sẻ rằng, từ khi xảy ra dịch bệnh, họ kết nối thường xuyên, chặt chẽ với người thân - điều mà trước đây do phải bận bịu chạy theo “cơm áo gạo tiền”, ít có thời gian, điều kiện để thực hiện…
Bài, ảnh: ÐỒNG TÂM