20/03/2012 - 08:11

Châu Á nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới

* Lo ngại chạy đua vũ trang tại châu Á

Nỗi lo về một cuộc chạy đua vũ trang đang hiện hữu ở châu Á khi báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Thụy Điển (SIPRI) tiết lộ lượng giao dịch vũ khí toàn cầu giai đoạn 2007-2011 tăng 24% so với giai đoạn 2002-2006, trong đó châu Á nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới.

Không quân Ấn Độ trong một cuộc trình diễn tại Thủ đô New Delhi hồi năm ngoái.
Ảnh Guardian 

Số liệu thống kê được SIPRI công bố ngày 19-3 cho biết trong 5 năm qua, châu Á và châu Đại Dương chiếm 44% tổng lượng nhập khẩu vũ khí của các nước trên thế giới, vượt xa so với châu Âu (19%), Trung Đông (17%), Bắc Mỹ và Nam Mỹ (11%) và châu Phi (9%). Ấn Độ hiện là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 10%, kế đến là Hàn Quốc (6%), Pakistan và Trung Quốc (cùng 5%) và Singapore (4%). Theo SIPRI, viện nghiên cứu độc lập chuyên về các vấn đề kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị, việc 5 quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều nhất đều tập trung ở châu Á đang làm gia tăng lo ngại khu vực này đang xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang.

Nhà nghiên cứu Pirter Wezeman ở SIPRI cho biết việc Ấn Độ vươn lên vị trí số 1 thế giới một phần là do chính phủ nước này tăng cường chi tiêu quốc phòng, một phần là vì e ngại năng lực tự chế tạo vũ khí của Trung Quốc – đối thủ chính của họ trong khu vực, đang ngày một tăng. Thương vụ vũ khí gần đây nhất của Ấn Độ là mua 126 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp có tổng trị giá lên tới 11 tỉ USD. Tuần trước, Ấn Độ cho biết nước này sẽ tăng ngân sách dành cho quốc phòng thêm 13% vào năm tới, lên 38,4 tỉ USD nhằm gia tăng đối trọng với tiềm lực quốc phòng của Trung Quốc. Ước tính, nước này sẽ chi hơn 110 tỉ USD trang bị vũ khí trong vòng 15 năm tới. Các hợp đồng vũ khí khác chủ yếu là mua máy bay chiến đấu, máy bay vận tải, tàu ngầm và hàng loạt tàu hải quân. Giới chức Ấn Độ còn cho biết xe tăng, pháo binh và các loại vũ khí cầm tay khác cũng cần được thay mới.

Trong khi một số nước tăng cường mua vũ khí từ nước ngoài, các nước khác lại tìm cách phát triển ngành công nghiệp vũ khí riêng và giảm lệ thuộc vào các nguồn cung bên ngoài. Như Trung Quốc, từng là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong nhiều năm, dù đã tụt xuống vị trí thứ tư nhưng đổi lại, ngành công nghiệp chế tạo vũ khí của họ phát triển và lượng vũ khí xuất khẩu cũng tăng nhanh. So với giai đoạn 2002-2006, lượng vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua, trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 6 thế giới, sau Mỹ, Nga, Đức, Pháp và Anh. Khoảng 2/3 lượng vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc được bán cho Pakistan, trong đó có chiến đấu cơ JF-17, xe tăng và tàu chiến.

Báo Guadian của Anh cho biết căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ gia tăng trong những năm gần đây có phần là do Bắc Kinh trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Pakistan – nước láng giềng và đôi khi là địch thủ của Ấn Độ.

THANH TRÚC (Theo Guardian, AFP, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết