14/04/2020 - 09:30

Chăm sóc người cao tuổi giữa đại dịch 

Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến hữu ích với các diễn giả gồm bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh và Phó Giáo sư - Tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Thống Nhất, chia sẻ nhiều giải pháp hữu hiệu giúp chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi giữa đại dịch COVID - 19.

Người cao tuổi cần quan tâm chăm sóc sức khỏe. Rửa tay thường xuyên giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

►Tăng cường đề kháng

Theo kết quả nghiên cứu của BV Lão khoa Trung ương, một người cao tuổi Việt Nam trung bình mắc 2,6 bệnh; người trên 80 tuổi, mắc hơn 6,8 bệnh. Đó là tất yếu của quá trình lão hóa cơ thể, hệ thống miễn dịch suy giảm cũng như giảm khả năng thích ứng với môi trường, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp. Từ thực tế diễn biến dịch bệnh COVID - 19 cho thấy, người cao tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh, dễ biến chứng nặng và tử vong. Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc BV Thống Nhất, để người cao tuổi phòng tránh nguy cơ bị bệnh truyền nhiễm, trước hết phải tăng đề kháng và tăng cường thể lực thông qua vận động tập luyện, giữ gìn tốt vệ sinh thân thể, nhất là vệ sinh tay. Để có sức đề kháng tốt, người cao tuổi phải điều trị tốt các bệnh nền bằng việc tuân thủ phác đồ điều trị và chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Khi người cao tuổi mắc bệnh cảm cúm thông thường hoặc các bệnh lý viêm đường hô hấp trên, theo bác sĩ Kim Quế, người bệnh cần tự giác cách ly, nên ở phòng riêng rộng rãi, thông thoáng, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với xà phòng để tránh lây nhiễm trong gia đình. Vật dụng cá nhân đã qua sử dụng của người bệnh cần được giặt riêng để tránh lây nhiễm. Người bệnh cần uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, bồi bổ cơ thể bằng những món ăn chữa cảm cúm hiệu quả như cháo thịt bằm với hành, tía tô; uống nước ấm, trà gừng.

Bác sĩ Kim Quế cũng khuyến cáo người cao tuổi tiêm ngừa vắc-xin cúm và bệnh viêm phổi do phế cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, người trên 65 tuổi tiêm ngừa cúm có thể cản được nguy cơ bệnh lên đến 70%. Nếu không may mắc bệnh thì mức độ bệnh cũng nhẹ hơn và giảm nguy cơ tử vong liên quan các bệnh về cúm.

►Dinh dưỡng nâng cao thể trạng

Một người cao tuổi ở Cần Thơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, mong muốn được bác sĩ dinh dưỡng cung cấp một thực đơn đủ chất dành riêng cho nhóm người có bệnh lý nền này. Theo bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh, người mắc bệnh đái tháo đường cần ăn điều độ, chia nhỏ các bữa ăn thành 4 bữa/ngày, cân đối nhóm thực phẩm, giảm lượng cơm và thực phẩm cùng nhóm tinh bột khoảng 20% so với thời gian trước khi bệnh.

Bác sĩ Ngọc Diệp cho biết thêm, chế độ dinh dưỡng cân đối, phù hợp sẽ giảm nguy cơ nhiễm trùng, giảm biến chứng và hỗ trợ miễn dịch tốt hơn. Với người mắc bệnh đái tháo đường, thực hiện chế độ ăn điều độ, đúng giờ sẽ hạn chế nguy cơ tăng/giảm đường huyết bất thường. Người có bệnh lý nền đái tháo đường, tăng huyết áp, biến chứng của tăng huyết áp, suy tim, thận, phải giảm lượng muối dưới 3g muối/người/ngày; giảm tiêu thụ mỡ động vật và hạn chế các thức ăn từ nội tạng động vật. Giảm thiểu thịt đỏ, thay bằng đạm có nguồn gốc từ thực vật tốt cho sức khỏe như đậu nành, nấm mèo. Người cao tuổi chọn loại sữa phù hợp để bổ sung năng lượng, nâng cao thể trạng.

Theo các bác sĩ, nước là phần thiết yếu của cơ thể, do đó, người cao tuổi cần chú ý uống đủ nước mỗi ngày, từ 1,5 lít nước đến 2 lít nước. Ngoài ra, các cụ có thể sử dụng nước khoáng, nước ép trái cây hoặc các loại trà thảo mộc.

►Sống vui, sống khỏe

Theo các bác sĩ chuyên khoa, người cao tuổi có sức khỏe tốt, không chỉ quan tâm nâng cao thể trạng mà còn quan tâm sức khỏe tinh thần để giúp bản thân đủ sức phòng tránh dịch bệnh. Theo chia sẻ của các chuyên gia y tế, con cháu nên giúp ông bà duy trì mối quan hệ xã hội trong giai đoạn giãn cách xã hội hiện nay như gọi điện thoại hay trò chuyện qua mạng xã hội. Các bữa cơm gia đình sum vầy, ấm cúng cũng giúp các cụ vui vẻ, bồi bổ tinh thần. Đọc sách báo, nghe nhạc hay chăm sóc cây cảnh trong vườn nhà cũng là những thói quen nhỏ mang lại lợi ích to lớn, tiếp thêm sức mạnh giúp các cụ sống khỏe - vui cùng con cháu.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết