MAI QUYÊN (Tổng hợp)
Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) được xem là “cặp bài trùng” trong thế giới Arab và khu vực Trung Ðông, nhưng theo giới quan sát, quan hệ giữa hai nước này dường như kém vững chắc hơn những gì họ thể hiện. Hoặc có thể nói, hai bên có vẻ không còn chung tầm nhìn về nhiều vấn đề, dần bộc lộ cạnh tranh trong cuộc đua nắm giữ vai trò lãnh đạo vùng Vịnh cũng như trong thế giới Arab.

Tổng thống UAE Mohamed Bin Zayed Al Nahyan (phải) và Thái tử Saudi Arabia bin Salman Al Saud. Ảnh: Reuters
Đều là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, Saudi Arabia và UAE cũng là những đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Ðông. Cả hai còn chung mục tiêu đánh bại nhóm phiến quân Houthi ở Yemen và phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran.
Nhưng Riyadh và Abu Dhabi đồng thời là đối thủ tự nhiên của nhau, một phần do lịch sử chính trị cũng như tranh chấp lãnh thổ có từ trước khi UAE độc lập vào năm 1971. Những năm gần đây, căng thẳng thị trường dầu mỏ toàn cầu, bối cảnh địa chính trị thay đổi và quan niệm khác nhau về sứ mệnh quốc gia tiếp tục phơi bày mâu thuẫn giữa hai nước tưởng là đồng minh
của nhau.
Khác biệt trong chiến lược kinh tế
Các nhà quan sát đánh giá, Saudi Arabia và UAE đã mâu thuẫn từ nhiều năm trước, rõ nhất trong vấn đề chính trị dầu mỏ. Ðỉnh điểm vào năm 2021, Riyadh dẫn đầu kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Mục tiêu của Saudi Arabia là muốn bù đắp giá dầu lao dốc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng đề xuất trên bị UAE phản đối vì cho rằng chính sách "không công bằng" này khiến họ thiệt hại hàng chục tỉ USD.
Tranh chấp được giải quyết sau đó và các bên đều giảm nhẹ bất đồng, nhưng dựa vào căng thẳng kéo dài có thể thấy bất mãn của UAE trước giả định về vai trò hạt nhân của Saudi Arabia trong OPEC. Vụ việc cũng tạo tiền lệ cho những bất đồng chưa từng có khi hai đối thủ nặng ký vùng Vịnh nỗ lực hiện đại hóa và đa dạng hóa nền kinh tế.
Dưới sự lãnh đạo của Thái tử Mohammed bin Salman Al Saud, Riyadh bắt đầu cạnh tranh với Abu Dhabi thông qua kế hoạch chi 147 tỉ USD nhằm biến Saudi Arabia thành trung tâm kinh doanh và vận tải hàng đầu vùng Vịnh. Vị thế UAE là điểm đặt trụ sở ưa thích của hầu hết công ty nước ngoài hoạt động trong khu vực cũng bị thách thức từ năm 2021, sau khi Saudi Arabia yêu cầu các doanh nghiệp chuyển trụ sở chính đến đây vào năm 2024. Ðể khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, Saudi Arabia còn triển khai loạt chính sách đối đầu trong các lĩnh vực được coi là "xương sống" của nền kinh tế UAE.
Những động thái nói trên của Saudi Arabia là một phần trong kế hoạch "Tầm nhìn 2030" - khuôn khổ phát triển toàn diện khởi động từ năm 2016 nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và phát triển các dịch vụ công. Ðiều không thể tránh khỏi là kế hoạch này đưa Riyadh vào thế cạnh tranh trực tiếp với phần còn lại của vùng Vịnh, đặc biệt là UAE vốn theo đuổi mục tiêu tương tự và có tầm nhìn chiến lược như thế từ nhiều năm trước. Vấn đề là giờ đây, các nhà phân tích đánh giá cạnh tranh giữa Saudi Arabia và UAE bắt đầu có dấu hiệu đấu đá quyền lực mà kết quả sẽ xác định ai nổi lên như một cường quốc khu vực.
Vết nứt địa chính trị
Một trong những trục trặc dễ nhận thấy của liên minh Saudi - UAE là chiến dịch quân sự ở Yemen. Mặc dù Abu Dhabi coi việc tham gia là cách thể hiện sự ủng hộ dành cho Riyadh cũng như bảo vệ lợi ích kinh tế trên các tuyến hàng hải huyết mạch phía Nam Biển Ðỏ, nhưng họ đồng thời lo ngại sự chỉ trích ngày càng tăng của quốc tế. Trước áp lực này và sau khi đạt được mục tiêu bảo vệ các lợi ích an ninh - kinh tế, UAE vào năm 2018 bắt đầu rút quân khỏi Yemen, đánh dấu sự thay đổi đáng kể về mối quan hệ đang biến chuyển giữa hai đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh.
Sóng ngầm tiếp tục khuấy đảo quan hệ Saudi - UAE khi hai bên có cách tiếp cận khác nhau đối với Israel. Từ năm 2020, UAE và Israel đã ký kết Hiệp định Abraham, chính thức khép lại quá khứ "thù địch" vốn kéo dài hơn nửa thế kỷ. Mối quan hệ kinh tế dự kiến đạt thêm nhiều bước tiến quan trọng khi Hiệp định Ðối tác Kinh tế Toàn diện UAE - Israel được thực thi. Trong khi đó, Saudi Arabia bất chấp nỗ lực ngoại giao của Mỹ, đến nay vẫn chưa có động thái nào cho thấy khả năng bình thường hóa quan hệ với Israel. Giới quan sát cho rằng so với Abu Dhabi, tình hình này gây bất lợi cho Riyadh về mặt chính trị - kinh tế ở thời điểm Mỹ đang thúc đẩy mở rộng vòng tròn hòa bình giữa Tel Aviv với các quốc gia Arab, thậm chí coi đây là chiến lược nền tảng ở Trung Ðông.

Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab hồi tháng 5-2023 tại Saudi Arabia. Ảnh: Reuters
Theo các nhà chuyên môn, quan hệ Mỹ - UAE nhìn chung vẫn bền chặt, đặc biệt về kinh tế và quân sự. Hiện UAE là một trong quốc gia tiêu thụ chính vũ khí của Mỹ, đồng thời là thị trường nhập khẩu các sản phẩm "made in America" hàng đầu ở Trung Ðông. UAE còn tích cực tham gia các hoạt động quân sự do Washington lãnh đạo ở Afghanistan, Kuwait, Iraq và Serbia, bên cạnh sứ mệnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) tại Libya. Quan trọng hơn, thái độ của Abu Dhabi nhiệt tình chấp nhận Hiệp định Abraham và cải thiện quan hệ với Israel được đánh giá là yếu tố then chốt thúc đẩy chính sách an ninh của Mỹ trong khu vực.
Trong khi đó, quan hệ giữa Thái tử Mohammed bin Salman với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đến nay vẫn chưa được cải thiện đáng kể, bất chấp sự quan tâm ở cấp cao mà Washington dành cho vương quốc này từ năm ngoái. Hướng tới chính sách đối ngoại độc lập hơn, Saudi Arabia thậm chí còn phớt lờ những lo ngại và cảnh báo của Mỹ, tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh và công nghệ nhạy cảm với Trung Quốc; đồng thời bắt tay với Nga cắt giảm sản lượng khai thác để thúc đẩy
giá dầu.
Nhìn chung, xung đột giữa Saudi Arabia - UAE trong nỗ lực khẳng định quyền lực có xu hướng công khai hơn khi chiến lược phát triển của cả hai bắt đầu cạnh tranh trong cùng lĩnh vực, đặc biệt sự trỗi dậy của Abu Dhabi dần thách thức quan niệm về vai trò dẫn đầu của Riyadh không chỉ ở vùng Vịnh mà còn trong OPEC và trên sân khấu quốc tế. Tuy hai bên đều bác bỏ rạn nứt, nhưng cuộc tranh giành ảnh hưởng được dự báo leo thang ở thời điểm Saudi Arabia tìm cách tái khẳng định vai trò lãnh đạo trong nền chính trị khu vực còn UAE tiếp tục theo đuổi các mục tiêu phù hợp với nhu cầu riêng về kinh tế và sứ mệnh toàn cầu của mình. Sự cạnh tranh có thể diễn ra đáng chú ý nhất trong OPEC, rộng hơn là toàn bộ lĩnh vực kinh tế. Về mặt ngoại giao, hai bên được dự đoán kèn cựa vai trò trung tâm khu vực và vị thế lớn hơn ngoài OPEC, giống như cách UAE sắp xếp nhóm họp hàn gắn rạn nứt giữa Qatar và Bahrain hồi tháng 2.
Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi ngày 15-7 bắt đầu chuyến thăm chính thức UAE. Trước đó ông đã thăm Pháp.
Trong bối cảnh thế giới chứng kiến những bất ổn địa chính trị mới, Ấn Ðộ, Pháp và UAE mới đây đã thiết lập một sáng kiến hợp tác 3 nước trong lĩnh vực quốc phòng, công nghệ, năng lượng và chống biến đổi khí hậu, đồng thời vạch ra lộ trình để thực hiện sáng kiến này. Theo kế hoạch, 3 nước nhất trí triển khai các dự án hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, trọng tâm là năng lượng Mặt trời và năng lượng hạt nhân, cũng như trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học, nhất là ở khu vực Ấn Ðộ Dương.
Thế giới Arab qua những con số
Thế giới Arab hay còn gọi là các quốc gia Arab gồm có 22 nước nói tiếng Arab thuộc Liên đoàn Arab. Tổng dân số thế giới Arab là khoảng 456 triệu người theo số liệu năm 2022 và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt hơn 3.500 tỉ USD.
Ai Cập là quốc gia có dân số đông nhất với hơn 106 triệu người và trong quá khứ từng giữ vai trò lãnh đạo thế giới Arab. Tuy nhiên, với dân số chỉ hơn 36 triệu người, Saudi Arabia ngày nay - nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - có nền kinh tế lớn nhất với GDP đạt khoảng 770 tỉ USD năm 2022. Trong khi đó, dân số của UAE khoảng 9,5 triệu người và GDP đạt hơn 415 tỉ USD, theo số liệu năm 2021.
|
|