22/11/2012 - 20:30

Cảnh báo vi khuẩn đa kháng sinh

Tháng 6-2011, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo vi khuẩn E.coli tạo ra men ESBL (Exrended Spectrum B- Lactamase) có chức năng kháng đa kháng sinh, gây khó khăn cho quá trình điều trị bệnh tiêu chảy. Tại TP Cần Thơ, Bác sĩ CK II Hà Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc của Bệnh viện Nhi đồng (BVNĐ) TP Cần Thơ đã nghiên cứu lâm sàng trên 157 bệnh nhi bị tiêu chảy điều trị tại bệnh viện. Kết quả cho thấy vi khuẩn E.coli siêu kháng thuốc này có khả năng đã xuất hiện. Đây là khó khăn không nhỏ đối với công tác quản lý và điều trị của ngành y tế thành phố. Tuy nhiên, việc phòng bệnh lại đơn giản, người dân có thể chủ động phòng chống loại vi khuẩn nguy hiểm này.

Tránh lạm dụng kháng sinh

E.coli là một nhóm vi khuẩn sống trong đường tiêu hóa của con người và động vật. Ngoài thiên nhiên, vi khuẩn E.coli sống trong môi trường hữu cơ. Ngay cả ở các nước có nền kinh tế tiên tiến như Mỹ và châu Âu, người ta vẫn tìm thấy E.coli trong một số thực phẩm. Trước đây, người ta xem E.coli là vi khuẩn vô hại, vì trên thực tế E.coli có chức năng men tiêu hóa, chỉ trừ một loại E.coli nguy hiểm có tên E.coli O157:H7 thuộc nhóm EHEC - enterohemorrhagic E.coli, đã có tên trong sổ bìa đen ở các bệnh viện cấp cứu. E.coli O157: H7 tiết ra độc tố Shiga-like toxin (SLT) thường được gọi là độc tố Verotoxin (VT1 và VT2), nguy hiểm đến có thể gây thiệt mạng cho trẻ nhỏ vốn không chịu nổi sự mất máu và các dịch tố khác trong cơ thể.

Khi dùng các loại rau cải, trái cây bày bán tràn lan nên rửa bằng thuốc tím hoặc nước chanh pha loãng để tránh vi khuẩn E.coli. 

Tháng 6-2011, qua đại dịch tiêu chảy cấp ở Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha,… với hơn 1.000 người mắc bệnh, 20 người tử vong, WHO khuyến cáo nguyên nhân bùng phát dịch tiêu chảy cấp là do E.coli tạo ra men ESBL (Exrended Spectrum B- Lactamase: đề kháng kháng sinh họ beta:lactamase phổ rộng) gây bất lực trong điều trị. Tại BVNĐ TP Cần Thơ, từ năm 2008 đến nay, bác sĩ Hà Anh Tuấn đã nghiên cứu trên kết quả điều trị 157 bệnh nhi bị tiêu chảy. Qua đó, phát hiện tỷ lệ kháng thuốc rất cao đối với một số loại kháng sinh vốn được WHO khuyến khích dùng cho các trường hợp tiêu chảy, lỵ rất hiệu quả. Cụ thể như: Nalidixic acid bị kháng tới 85%, Cefotaxime và Ceftriaxone bị kháng 87,6 - 88,7% và Ampicilline bị kháng cao nhất đến 94,5%.

Bác sĩ Hà Anh Tuấn cho biết: "Qua công tác chỉ đạo tuyến, BVNĐ đã thông tin đến các bệnh viện trong thành phố, để bệnh viện phổ biến rộng rãi cho bác sĩ cẩn trọng với khả năng sinh ESBL của E.coli ngày càng tăng. Trong điều trị thì việc nuôi cấy bệnh phẩm - làm kháng sinh đồ là rất cần thiết cho không chỉ các trường hợp tiêu chảy cấp, mà còn các trường hợp nhiễm khuẩn khác. Đồng thời, tránh việc sử dụng kháng sinh một cách tràn lan, tránh điều trị theo kiểu bao vây, bác sĩ nên chọn loại kháng sinh theo kinh nghiệm (tức trước đó đã sử dụng hiệu quả). Nhất là cần có chế độ quản lý kháng sinh thật chặt chẽ từ phòng khám - bệnh viện đến hệ thống bán lẻ phục vụ cộng đồng vì dân mình có thói quen tự mua thuốc uống khi bị bệnh.

Người dân nên chủ động phòng bệnh

E.coli truyền bệnh như thế nào? Theo bác sĩ Hà Anh Tuấn, thường thì E.coli nhiễm vào người qua thức ăn, trong các tình huống như: không rửa tay bằng xà bông sau khi đi vệ sinh, rồi dùng tay bốc thức ăn, hoặc ăn rau cải không rửa sạch, hay trong quá trình làm thịt gia súc, phân gia súc bị dính vào thịt và bị nhiễm trùng. Trong nhiều trường hợp nhiễm trùng ở thịt, chỉ cần 10 tế bào E.coli là đã đủ gây độc. Đối với thịt bằm còn nguy hiểm hơn vì E.coli sẽ nẩy nở nhanh hơn. Thịt bị nhiễm vi khuẩn E.coli nhìn và ngửi không khác thịt không bị nhiễm. Uống sữa tươi không rõ nguồn gốc cũng có khả năng nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn E.coli.

Thực tế lâm sàng tại BVNĐ ghi nhận, bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa tăng đáng ngại về số ca mắc và tử vong: năm 2011 có 324 ca mắc, 46 ca tử vong. 9 tháng của năm 2012, có 258 ca mắc, 47 ca tử vong. Bệnh tập trung ở trẻ dưới 3 tuổi, thể hình bụ bẫm. Biểu hiện ban đầu là tiêu chảy cấp, nhưng không bị mất nước nặng. Sau đó, sốt cao, da tay chân, ngực bị bông tím rất nhiều, sốc sâu, mạch nhẹ, huyết áp tụt, xuất huyết dạ dày.

Ngoài thịt, sữa tươi, rau cải và trái cây, thì E.coli còn có trong nguồn nước (nước trong ao hồ có nhiễm phân người, phân gia súc, gia cầm có vi khuẩn E.coli hoặc nước trong hồ bơi không đủ clorine để giết vi khuẩn E.coli gây ra từ phân của người, vì trong số đông người tắm chung hồ khó tránh khỏi trường hợp người không vệ sinh kỹ sau khi đi tiêu). Để khuyến cáo người dân phòng tránh bệnh tiêu chảy, ngành y tế nước ta đã có khẩu hiệu "ăn chín, uống sôi". Khi WHO cảnh báo vi khuẩn E.coli xuất hiện gây bệnh tiêu chảy cấp, ngành y tế đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự phòng tránh bằng cách nên tránh ăn thức ăn đường phố mà nơi đó việc chế biến thiếu vệ sinh và mua thực phẩm phải rõ nguồn gốc. Trên thực tế, ăn trái cây, rau cải tươi sống là thói quen ẩm thực của người dân ĐBSCL và rất tốt cho sức khỏe, nhưng để tránh nhiễm vi khuẩn đường ruột rất nguy hiểm này, bà con nên sử dụng thuốc tím hoặc dùng biện pháp dân gian là rửa bằng nước chanh tươi để sát trùng cho thực phẩm.

Bài, ảnh: ĐÌNH KHÔI

Chia sẻ bài viết