09/04/2020 - 20:16

Cảnh báo “làn sóng thứ hai” của dịch COVID-19 tại Trung Quốc 

Ngày 9-4, giới chuyên gia cảnh báo Trung Quốc nên từng bước dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn ngừa nguy cơ bùng phát “làn sóng thứ hai” của đại dịch COVID-19 sau khi hàng nghìn người dân ở tâm dịch Vũ Hán cuối cùng cũng được phép di chuyển khỏi thành phố này từ ngày 8-4. 

Cảnh đông đúc tại một nhà ga ở Vũ Hán ngày 8-4. Ảnh: Reuters

Các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt bao gồm cấm đi lại gần 11 tuần, dường như đã phát huy hiệu quả, và cuộc sống dần dần trở lại bình thường tại Vũ Hán dù dịch bệnh vẫn đang hoành hành tại châu Âu và Mỹ. Các biện pháp hạn chế đã giúp các cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm soát được dịch bệnh mà vào thời kỳ đỉnh điểm đã lây lan cho hàng nghìn người mỗi ngày ở tỉnh Hồ Bắc, trong đó Vũ Hán là thủ phủ.

Các chuyên gia tại Hong Kong cho rằng việc dỡ bỏ các quy định về giãn cách xã hội tại các vùng bên ngoài Hồ Bắc cần được dỡ bỏ dần dần để giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch bệnh quay trở lại. Họ phân tích số ca nhiễm bệnh tại 4 thành phố của Trung Quốc gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Ôn Châu trong thời gian từ giữa tháng Một đến cuối tháng Hai, và cho biết các biện pháp như đóng cửa doanh nghiệp, trường học và hạn chế đi lại nghiêm ngặt đã kiềm chế tỷ lệ lây lan của SARS-CoV-2 xuống dưới 1, tức là mỗi người nhiễm bệnh trung bình chỉ lây cho 1 người khác. Đây là một kết quả rất tích cực khi vào thời điểm dịch bệnh mới bùng phát, 1 người có thể lây cho khoảng 2-3 người, như vậy đủ để dịch bệnh lây lan theo cấp số nhân. 

Các mô hình nghiên cứu cho thấy việc vội vàng dỡ bỏ các biện pháp hạn chế sẽ dẫn đến các ca nhiễm mới có thể tăng lên mức ghi nhận vào lúc đỉnh điểm của đợt dịch vừa qua. Theo đồng trưởng nhóm nghiên cứu trên, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Joseph Wu thuộc Đại học Hong Kong, dù các biện pháp hạn chế đã giảm số ca nhiễm bệnh xuống mức rất thấp, nhưng điều này không có nghĩa là cộng đồng được miễn dịch hoàn toàn với SARS-CoV-2. Do vậy, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi các doanh nghiệp, nhà máy và trường học dần dần hoạt động trở lại và người dân gia tăng giao tiếp xã hội. 

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết các ca tử vong do COVID-19 ở mức dưới 1% tại các khu vực ngoài Hồ Bắc. Còn tại tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh này, tỷ lệ tử vong ở mức 5,91% khi hệ thống y tế của Hồ Bắc bị quá tải. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc bảo đảm hệ thống chăm sóc sức khỏe địa phương có đủ nhân lực và vật lực để giảm thiểu tỷ lệ tử vong do COVID-19.

WHO hối thúc ngừng chính trị hóa dịch bệnh

Cùng ngày, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nhà lãnh đạo ngừng chính trị hóa dịch bệnh, hối thúc Mỹ và Trung Quốc phối hợp chống dịch, thay vì đổ lỗi cho nhau. 

Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến ở Geneva (Thụy Sĩ), đáp lại lời chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng WHO dùng tiền đóng góp của Mỹ chi cho Trung Quốc - nơi đầu tiên bùng phát dịch COVID-19, ông Ghebreyesus cho rằng "Mỹ và Trung Quốc nên cùng nhau chiến đấu chống kẻ thù chung nguy hiểm". Ông nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu của chính phủ các nước hiện nay là dập dịch.

Hiện WHO đã nhận được cam kết hơn 800 triệu USD để hỗ trợ các nước ứng phó với dịch bệnh. Theo Tổng Giám đốc Ghebreyesus, số tiền trên bao gồm hơn 140 triệu USD từ 229.000 tổ chức và cá nhân quyên góp thông qua Quỹ Ứng phó đoàn kết của WHO. Ông bày tỏ cảm ơn tất cả các nhà tài trợ và đảm bảo rằng số tiền này sẽ được sử dụng đúng mục đích.

9-4 đánh dấu 100 ngày kể từ khi WHO ghi nhận những ca đầu tiên mắc "bệnh viêm phổi lạ" tại Trung Quốc. Đến nay, số người nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt con số 1,5 triệu và gần 90.000 ca tử vong. 

Trần Quyên (TTXVN)

Chia sẻ bài viết