11/03/2018 - 09:50

Canh bạc của ông Trump

Nữ phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders hôm 9-3 tuyên bố Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nếu ông không thấy “có được điều gì đó bằng một số bước đi và hành động cụ thể” như đã hứa của Bình Nhưỡng.

Tuyên bố trên muốn nói một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai ông Trump và Kim chưa chắc chắn  diễn ra vào tháng 5 tới.  Tuy nhiên, bà Sanders không nêu rõ những việc gì Triều Tiên cần thực hiện và sau đó giải thích bà không có ý đặt điều kiện đàm phán với ông Kim Jong-un. Cố vấn An ninh Quốc gia của Hàn Quốc Chung Eui-yong và người đồng cấp Mỹ H.R. McMaster cũng đã thảo luận các bước chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ giữa hai ông Trump và Kim.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định chính sách mà Mỹ áp đặt (đối với Triều Tiên)  và được Bộ Ngoại giao tiến hành đã thành công.  Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thì nhấn mạnh việc nhà lãnh đạo Triều Tiên mời ông Trump tổ chức một hội nghị thượng đỉnh lịch sử là bằng chứng cho thấy các chính sách của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên đang mang lại kết quả.

Rõ ràng, dù không chắc chắn 100% nhưng cuộc gặp “trong mơ” trên sớm muộn gì cũng thành hiện thực. Không gì là không thể. Báo chí Mỹ, giới ngoại giao và chuyên gia quốc tế mô tả cuộc gặp chưa có tiền lệ này là “cơn lốc ngoại giao”, “dấu mốc lịch sử”, “bất ngờ, không thể tin nổi”. Người tiền nhiệm của ông Trump, Tổng thống Barack Obama  thuộc đảng Dân chủ cũng từng “làm nên lịch sử” khi lầu đầu tiên gặp Chủ tịch Cuba Raul Castro năm 2015 tại Panama và sau đó có chuyến thăm chưa từng có tới đảo quốc Caribe tháng 3-2016. Với Triều Tiên, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter sau khi rời Nhà Trắng 13 năm có chuyến thăm Bình Nhưỡng gặp Chủ tịch Kim Il-sing (Kim Nhật Thành) năm 1994. Năm 2000, Tổng thống Bill Clinton cử nữ Ngoại trưởng Madeleine Albright đến Triều Tiên và Bình Nhưỡng cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân.

Lần này, ông Trump muốn chứng tỏ mình là nhà lãnh đạo có khả năng ngoại giao và đàm phán, một chiến lược gia có thể tạo ra sự khác biệt. Bà Sanders khen ngợi ông Trump là nhà đàm phán và chuyên gia thỏa hiệp tinh tế. Gặp trực tiếp Kim Jong-un là một quyết định thể hiện lòng tin cá nhân của Tổng thống Trump, một thương gia dày dặn kinh nghiệm. Có thể Triều Triên đã vài lần “bội ước” phi hạt nhân hóa nhưng đó không phải dưới triều đại của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un.

Riêng những người bi quan như ông Bil Richardson, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc dưới thời Tổng thống Bill Clinton và từng nhiều lần thực hiện sứ mạng ngoại giao tại Triều Tiên, cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim là một canh bạc. Nhà cựu ngoại giao Mỹ lo ngoại Tổng thống Trump có thể rơi vào “cái bẫy” của ông Kim.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết