22/09/2020 - 07:42

Càng giàu càng xả nhiều carbon 

Theo nghiên cứu công bố ngày 21-9, tầng lớp giàu nhất của thế giới - còn gọi là nhóm 1% - phải chịu trách nhiệm cho lượng phát thải carbon cao hơn gấp đôi so với nhóm phân nửa dân số nghèo nhất.

Xe hơi và máy bay là những phương tiện phát thải nhiều carbon. Ảnh: Euractiv

Xe hơi và máy bay là những phương tiện phát thải nhiều carbon. Ảnh: Euractiv

Phân tích của Viện Môi trường Stockholm (Thụy Điển) và tổ chức chống nghèo đói Oxfam cho thấy giai đoạn 1990-2015, chỉ 63 triệu người, chiếm 1% tổng dân số thế giới, đã xả tới 15% lượng khí carbon gây biến đổi khí hậu, so với chỉ 7% ở nhóm 3,1 tỉ người nghèo nhất hành tinh. Trong 25 năm đó, lượng phát thải carbon hàng năm đã tăng 60%, nhưng tỷ lệ tăng lượng phát thải ở nhóm 1% cao hơn gấp 3 lần so với tỷ lệ tăng của nhóm dân số khó khăn nhất.

 “Xã hội loài người không chỉ bị chia rẽ bởi tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng về khía cạnh kinh tế… mà còn phải kể đến tổn thất trong ngân sách carbon chỉ vì một nhóm người tiêu xài quá mức” - Tim Gore, người đứng đầu về chính sách khí hậu của Oxfam, cảnh báo. Việc tiêu xài quá mức và “nghiện” các phương tiện giao thông phát thải lượng lớn carbon ở tầng lớp giàu đang góp phần làm kiệt quệ “ngân sách carbon” của Trái đất. Ngân sách carbon là mức giới hạn tích lũy khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà nhân loại có thể phát thải trước khi đẩy nhiệt độ toàn cầu đến ngưỡng gieo rắc thảm họa ở mức không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, những nước giàu được cho đã phóng tay chi gần 1/3 ngân sách này.

Ông Gore chỉ ra rằng vận tải là một trong những “thủ phạm” chính làm tăng lượng phát thải carbon. Trong đó, người dân tại những nước giàu đang ngày càng yêu chuộng các loại phương tiện vốn phát thải nhiều carbon, như xe thể thao đa dụng (SUV) và đi máy bay nhiều hơn. Việc SUV ngày càng phổ biến là vấn đề đáng bàn, bởi dòng xe “ngốn” nhiên liệu này đã trở thành nguyên nhân lớn thứ hai làm tăng lượng phát thải carbon trên toàn cầu từ năm 2010-2018.

Do vậy, nhóm tác giả nhấn mạnh để kiểm soát được tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu không chỉ đòi hỏi việc hỗ trợ những nước nghèo phát triển sạch, mà còn thực thi những biện pháp cứng rắn để kiềm chế “căn bệnh” chi xài quá mức ở nhóm người giàu. Theo đó, Oxfam muốn đánh thuế nhiều hơn vào những lối sống xa hoa, chẳng hạn như đối với người thường xuyên bay hoặc sử dụng chuyên cơ riêng. Từ đó, thu ngân từ thuế sẽ đầu tư vào các giải pháp thải carbon ít và cải thiện số phận những người nghèo.

Thật ra, Pháp cuối năm ngoái đã đề xuất nâng thuế đối với dòng xe SUV nhằm hạn chế khí thải xe hơi. Cụ thể, những xe phát thải CO2 trên ngưỡng cho phép sẽ bị phạt hơn 22.000USD, cao hơn mức gần 15.000USD trước đây. Trong khi đó, chính phủ một số nước như New Zealand và Scotland đang chuyển đổi mục tiêu từ lấy tăng trưởng kinh tế làm thước đo chính cho sự thành công sang đánh giá “tình trạng khỏe mạnh”.

Được biết, 630 triệu người giàu nhất - chiếm 10% dân số thế giới - chịu trách nhiệm cho khoảng 52% lượng phát thải carbon giai đoạn 1990-2015. Nhóm 10% gồm những người có thu nhập trên 35.000USD/năm, trong khi nhóm 1% là những người bỏ túi hơn 100.000USD. Oxfam ước tính nhóm 10% này sẽ phải cắt giảm lượng phát thải carbon xuống mức thấp khoảng 10 lần so với hiện nay để có thể giúp thế giới tiếp tục theo đuổi và đạt mục tiêu về kiềm chế nhiệt độ toàn cầu.

Hiệp định khí hậu Paris năm 2015 yêu cầu các quốc gia cam kết cùng hợp tác để khống chế mức gia tăng nhiệt độ dưới ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Chỉ cần nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1 độ C như hiện tại cũng khiến cháy rừng càng thêm nghiêm trọng hơn và tần suất hạn hán, siêu bão xảy ra thường xuyên hơn trước.

HẠNH NGUYÊN (Theo Guardian, Reuters)

Chia sẻ bài viết