22/04/2013 - 21:50

Vụ nuôi tôm nước lợ năm 2013

Cần tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng

  Thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm nuôi để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Năm 2012, dịch bệnh đã gây thiệt hại tôm nuôi của tỉnh Sóc Trăng trên 24.000ha, chiếm 56,28% diện tích thả nuôi, tập trung chủ yếu trên đối tượng nuôi là tôm sú. Những diễn biến dịch bệnh từ đầu vụ đến nay cho thấy, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn hết sức phức tạp, khi chỉ mới bước vào vụ nuôi nhưng đã có một xã đề nghị xin công bố dịch.

Địa bàn đầu tiên đề nghị công bố dịch chính là xã Hòa Đông (thị xã Vĩnh Châu). Theo báo cáo của UBND xã, tính đến trung tuần tháng 4-2013, nông dân trong xã đã thả nuôi trên 293ha; trong đó, tôm sú trên 136ha và gần 133ha tôm thẻ chân trắng, nhưng đã có 75,4ha tôm giai đoạn 15 - 45 ngày tuổi bị thiệt hại chủ yếu trên tôm thẻ chân trắng với 55,4ha. Hiện nay, số diện tích ao nuôi của xã đã cải tạo chiếm 85% và giá tôm thương phẩm đang tăng cao nên người dân chuẩn bị tiếp tục thả giống, dù dịch bệnh đang xảy ra. Trước tình hình trên, Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu và UBND xã Hòa Đông đã có tờ trình gởi Chi cục Thú y và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Sóc Trăng đề nghị công bố dịch bệnh đốm trắng (WSSV) trên tôm tại xã Hòa Đông. Ông Quách Văn Tây, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Đề nghị công bố dịch đốm trắng trên tôm nuôi ở xã Hòa Đông theo tờ trình của UBND thị xã Vĩnh Châu là phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại địa bàn này. Vì vậy, Chi cục Thú y đã tham mưu lãnh đạo Sở đề nghị UBND tỉnh ra quyết định công bố dịch, để tập trung công tác phòng chống, hạn chế dịch bệnh lây lan”.

Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch và phân công cán bộ giám sát, báo cáo tình hình diễn biến dịch bệnh trên tôm thường xuyên. Phân công lực lượng thường trực, bố trí sẵn nhân lực, vật lực để chủ động đối phó khi có dịch xảy ra, không để lây lan trên diện rộng. Khi phát hiện có dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, phối hợp chính quyền địa phương bao vây khoanh vùng cô lập ổ dịch, xử lý nhanh ao nuôi có tôm bệnh. Phải lấy mẫu xét nghiệm các bệnh nguy hiểm tôm giống tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trước khi xuất bán. Công tác kiểm dịch giống nhập vào tỉnh cũng được tăng cường với sự phối hợp của lực lượng chuyên ngành và địa phương. Ngoài ra, tỉnh đã phân bổ 30 tấn Chlorine cho các huyện nuôi tôm để chủ động trong công tác phòng chống dịch.

Theo ông Quách Văn Tây, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi từ đầu vụ đến nay tiếp tục có những diễn biến phức tạp do điều kiện môi trường chưa ổn định, nắng nóng kéo dài xen kẽ những cơn mưa rào. Dịch bệnh do virus đốm trắng là tác nhân chính và đã gây thiệt hại trên một số vùng nuôi tôm của tỉnh. Đồng thời, bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV) cũng là một tác nhân cần được quan tâm trong vụ nuôi năm nay. Dự báo về tình hình dịch bệnh tôm thời gian tới, ông Quách Văn Tây nhận định: “Bệnh đốm trắng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do đa phần người nuôi không có ao xử lý nước, một số hộ nuôi chưa thực hiện tốt khâu cải tạo, xử lý nước đầu vụ; một số ao nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh chưa được xử lý đã xả thẳng ra kênh rạch và điều kiện thời tiết thay đổi làm cho môi trường ao nuôi biến động tạo điều kiện dịch bệnh phát sinh gây hại”.

Công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi đang được ngành chức năng và chính quyền địa phương tiến hành khẩn trương, dù diện tích thiệt hại tôm nuôi toàn tỉnh chỉ mới chiếm 8,25% diện tích thả nuôi. Để công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi đạt hiệu quả, nhằm hạn chế mức độ thiệt hại xuống dưới mức 20%, Sở NN&PTNT Sóc Trăng đề nghị các đơn vị trực thuộc, UBND các huyện, thị xã vùng nuôi tôm giám sát chặt chẽ hơn nữa tình hình dịch bệnh và theo dõi, thống kê sát sao diện tích bị thiệt hại. Ông Quách Văn Tây cho biết thêm: “Kết quả xét nghiệm 191 mẫu bệnh phẩm cho thấy có 132 mẫu dương tính với virus đốm trắng, chiếm tỷ lệ 69,1%; 7/29 mẫu dương tính với virus gây bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu, chiếm tỷ lệ 24,13%. Điều đó cho thấy, bệnh đốm trắng và hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu rất cần được người nuôi đặc biệt quan tâm để giảm mức độ thiệt hại. Chi cục sẽ tăng cường phối hợp cùng các đơn vị có liên quan và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người nuôi về công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản”. Điểm mới trong công tác quản lý, phòng chống dịch bệnh ở vụ nuôi 2013 là mỗi hộ nuôi đều phải khai báo vào “Tờ khai báo dịch bệnh thủy sản” để làm cơ sở cho ngành chức năng, chính quyền địa phương trong việc giám sát, phòng chống dịch bệnh cũng như thống kê, lập dữ liệu về diện tích thiệt hại do dịch bệnh để có căn cứ hỗ trợ cho người nuôi bị thiệt hại theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg Về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Những khó khăn ở vụ nuôi tôm 2013 đã được dự báo trước, vấn đề còn lại là ý thức người nuôi trong việc chấp hành khung lịch thời vụ, áp dụng các khuyến cáo của ngành chức năng về cải tạo ao nuôi, thiết kế công trình, chọn con giống tốt, chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật…thì mức độ thiệt hại mới được kéo giảm và vụ nuôi tôm 2013 mới có khả năng thành công cao như mong muốn.

Bài, ảnh: Xuân Trường

 

Chia sẻ bài viết