20/01/2022 - 09:53

Cẩn trọng khi dùng melatonin điều trị mất ngủ 

AN NHIÊN (Theo NYT)

Việc trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm melatonin khiến không ít người lầm tưởng đây là một chất hỗ trợ giấc ngủ tự nhiên, giống như trà hoa cúc ở dạng thuốc viên. Trên thực tế, melatonin cũng là một hoóc-môn được sản xuất tự nhiên trong não. Việc sử dụng melatonin - dù chỉ với một lượng rất nhỏ - cũng có tác dụng mạnh trên khắp cơ thể. Do đó, các chuyên gia sức khỏe Mỹ khuyến cáo mọi người cần cẩn trọng khi dùng melatonin để điều trị các rối loạn về giấc ngủ.

Ảnh: Medical News Today

Melatonin hoạt động ra sao?

Vào ban ngày, tuyến tùng - một tuyến nhỏ, to cỡ hạt đậu nằm trong não - không hoạt động. Nhưng một vài tiếng trước thời gian buồn ngủ tự nhiên của chúng ta - tức khi trời tối và ánh sáng đi vào võng mạc yếu đi, tuyến tùng sẽ bắt đầu tiết ra melatonin cung cấp cho não. Khi nồng độ melatonin tăng lên, nồng độ hoóc-môn gây căng thẳng tinh thần cortisol giảm đi. Cùng lúc đó, nhịp hô hấp chậm lại, khiến cơ thể chúng ta dễ dàng đi vào trạng thái ngủ hơn.

Vì thường được sản xuất vào ban đêm, melatonin đôi khi còn được gọi là “hoóc-môn bóng đêm” hoặc “hoóc-môn ma cà rồng”. Nó hoạt động giống như một công tắc điều chỉnh độ sáng của ánh đèn, mà ở đây là  tắt chức năng “ban ngày” và bật chức năng “ban đêm” của cơ thể. Vì vậy, việc bổ sung melatonin giống như uống một liều thuốc nhằm đánh lừa cơ thể cảm thấy như đang ban đêm.

Về cơ bản, melatonin không giúp bạn ngủ nhiều hơn, bởi nó chỉ có báo cho cơ thể biết đã đến lúc phải chợp mắt. Tuy melatonin có thể khiến bạn cảm thấy buồn ngủ hơn một chút sau khi dùng, nhưng nó có tác động lớn hơn đến việc điều chỉnh chu kỳ ngủ - thức của cơ thể, tức giúp chỉnh lại đồng hồ sinh học của cơ thể và đồng bộ hóa nó với thế giới bên ngoài. Theo Viện Y học Giấc ngủ Mỹ, tác động của melatonin đối với giấc ngủ còn phụ thuộc vào thời gian sử dụng trong ngày.

Hiệu quả và liều dùng an toàn của melatonin

Theo một phân tích dựa trên việc tổng hợp kết quả từ 19 nghiên cứu có sự tham gia của 1.683 người, những người bổ sung melatonin đã ngủ nhanh hơn 7 phút và ngủ lâu thêm 8 phút. Các nhà nghiên cứu còn phát hiện melatonin cũng cải thiện chất lượng giấc ngủ tổng thể, bao gồm cả việc thức dậy với cảm giác sảng khoái tinh thần. Nhưng thực tế cho thấy melatonin không đảm bảo phát huy hiệu quả với tất cả mọi người.

Tiến sĩ Ilene M Rosen, một chuyên gia về giấc ngủ tại Ðại học Pennsylvania (Mỹ) cho biết tuy não có thể tự sản xuất melatonin, nhưng chỉ ở mức picogram (một phần ngàn tỉ gram). Còn thuốc bổ sung melatonin thường ở liều lượng cao hơn nhiều. Vì thế, nhiều chuyên gia khuyến nghị nên bắt đầu với liều lượng nhỏ nhất là từ 0,5-1 miligam, dùng từ 30 phút đến 1 tiếng trước khi ngủ. Nếu nhận thấy liều dùng này không hiệu quả, thì có thể tăng dần. Lưu ý là nên kiên trì sử dụng một liều lượng melatonin cụ thể trong vài ngày để có thể điều chỉnh liều dùng thích hợp. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần để ý đến cảm giác thức dậy vào ngày hôm sau. Nếu thấy đứng không vững hoặc chệnh choạng thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang dùng liều lượng quá cao.

Nếu chỉ sử dụng ngắn hạn, melatonin không gây hại sức khỏe tổng thể. So với hầu hết các loại thuốc ngủ khác, tác dụng phụ của melatonin không đáng kể và cũng không gây nghiện. Nhưng vì melatonin gây buồn ngủ, người dùng không nên lái xe hoặc vận hành máy móc trong vòng 5 tiếng sau khi dùng. Tuy nhiên, việc sử dụng melatonin lâu dài sẽ làm giảm khả năng sản xuất melatonin tự nhiên trong cơ thể, ảnh hưởng sức khỏe. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, buồn ngủ (vào sáng hôm sau).

Các biện pháp chữa mất ngủ thay thế melatonin

Các bác sĩ có thể sử dụng melatonin để giúp những bệnh nhân bị rối loạn nhịp sinh học điều chỉnh chu kỳ ngủ - thức của cơ thể. Song ngoài biện pháp bổ sung melatonin, các chuyên gia đặc biệt khuyến khích những người bị chứng mất ngủ kinh niên tìm đến liệu pháp nhận thức hành vi - một phương pháp điều trị tâm lý ngắn hạn có thể giúp tìm ra gốc rễ của vấn đề mất ngủ. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên điều chỉnh lối sống theo hướng có lợi cho giấc ngủ, bao gồm tránh sử dụng điện thoại gần giờ ngủ (do có thể cản trở quá trình sản xuất melatonin tự nhiên), thực hành thiền, cai rượu bia và thức uống chứa caffeine, cũng như giữ cho nhiệt độ phòng luôn mát mẻ giúp dễ ngủ hơn.

Chia sẻ bài viết