11/05/2021 - 10:30

Phòng, chống sạt lở tại ĐBSCL

Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp đã gây nên tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của người dân tại ÐBSCL. Trong các giải pháp phòng, chống sạt lở, thì giải pháp công trình đang được nhiều địa phương triển khai nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn.

Sạt lở bờ sông làm vỡ đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái đặc sản của người dân ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Sạt lở bờ sông làm vỡ đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái đặc sản của người dân ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Sạt lở tràn lan

Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực ÐBSCL đang ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bến Tre cho biết toàn tỉnh có khoảng 112 điểm sạt lở bờ sông, 8 điểm sạt lở bờ biển. UBND tỉnh đã ký Quyết định ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển tại các khu vực cồn Lợi (huyện Thạnh Phú), cồn Ngoài (huyện Ba Tri), khu vực bãi biển xã Thừa Ðức (huyện Bình Ðại) và sạt lở bờ sông Bến Tre khu vực xã Nhơn Thạnh (TP Bến Tre). Năm 2020, các dự án xói lở khu vực bờ biển xã Thừa Ðức (huyện Bình Ðại), xói lở bờ biển khu vực cồn Nhàn (huyện Ba Tri) đã được Trung ương bố trí vốn 45 tỉ đồng trong khi nhu cầu vốn để xây dựng lên đến 164 tỉ đồng.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, 5 năm gần đây, sóng biển đã xóa sổ hơn 110ha đất sản xuất của người dân vùng ven biển. Trong đó, khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp khoảng 9,5km, với gần 100 hộ dân đang sinh sống. Hiện tại, tỉnh đã triển khai 2 dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở tại khu vực cồn Bửng dài 860m và cồn Lợi dài 1,7km với tổng kinh phí hơn 120 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều khu vực tại cồn Bửng, Vàm Rỗng với chiều dài khoảng 8km vẫn đang bị sạt lở khi sóng to, gió lớn. Ông Ðào Công Thương, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú, cho biết: “Sạt lở khu vực bờ biển mấy năm nay trên địa bàn khá nghiêm trọng, nhất là khu vực cồn Bửng đến Cồn Lợi khoảng 18km. Ðịa phương đang được đầu tư một số dự án kè nhưng ngăn chặn chỗ này thì sạt lở chỗ kia”.  

Tình trạng sạt lở tại tỉnh Tiền Giang cũng đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Năm 2020, tỉnh có 132 điểm sạt lở, chiều dài trên 8,5km, kinh phí khắc phục khoảng 115 tỉ đồng. Tại vùng dự án ngọt hóa Gò Công cũng có 108 điểm sạt lở, tổng chiều dài trên 16,2km, kinh phí xử lý khoảng 46 tỉ đồng. Bên cạnh đó sạt lở còn làm thiệt hại về nhà ở và vật kiến trúc của 45 hộ; thiệt hại về đất ở, đất trồng cây lâu năm của 44 hộ; thiệt hại về cây trái, hoa màu của 19 hộ. Ngoài ra, 2 công trình đang thi công (kênh Bình Phan và kênh 14) bị sạt lở ảnh hưởng đến lưu thông kênh và đường giao thông. Nguyên nhân sạt lở là do lượng phù sa, bùn cát từ thượng nguồn sông Mekong đổ về giảm mạnh, nền đất yếu, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu…”.

Còn ở Long An, vào mùa khô hạn, mực nước trên sông Vàm Cỏ Tây, Rạch Cá Rô và Rạch Cửa Ðông thuộc cánh Ðồng Tháp Mười xuống thấp, tình trạng sạt lở bờ sông, các kênh rạch cũng rất nghiêm trọng, nhiều nhà cửa và tài sản của nhân dân đã bị đổ sụp xuống sông. Ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An, cho biết: “Hiện tại, ven sông Vàm Cỏ Tây đoạn phường 1 và phường 2 đang xuất hiện nhiều đoạn sạt lở, với tổng chiều dài gần 1,5km, sâu vào đất liền khoảng 17-20m. UBND tỉnh Long An vừa có quyết định về việc ban bố tình huống khẩn cấp kè chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây (đoạn từ chợ cá phường 2 đến cầu mới Tân An, TP Tân An)”.

Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết trong năm 2020 toàn tỉnh đã xảy ra 12 trường hợp sạt lở với chiều dài hơn 1km, tập trung ở các huyện Cần Giuộc, Cần Ðước, Tân Trụ, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Ðức Huệ, thị xã Kiến Tường… Riêng đầu năm 2021 đến nay, tình trạng sạt lở tại tuyến sông Dương Văn Dương (dọc quốc lộ 62), sông Bến Lức đoạn qua địa bàn thị trấn Bến Lức và xã Thạnh Phú đang trong tình trạng báo động, nhiều hộ dân đã mất đất, mất nhà do sạt lở. 500 hộ dân dọc theo sông Vàm Cỏ Tây, rạch Cá Rô và rạch Cửa Ðông tại thị xã Kiến Tường đang sống trong cảnh bất an do tình trạng sạt lở âm ỉ, đe dọa từng ngày đến tính mạng và tài sản.

Cần trợ lực từ Trung ương

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, cho biết: Hằng năm, UBND tỉnh hỗ trợ các địa phương một phần kinh phí để tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng dân cư nâng cao ý thức và trách nhiệm trong phòng ngừa sạt lở; trồng lục bình, cây chắn sóng, trồng cỏ mái sông, kênh, rạch để hạn chế sạt lở. Tập trung huy động các nguồn lực từ địa phương đến Trung ương và nguồn vốn hợp pháp khác để xử lý sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Giải pháp ưu tiên là di dời nhà ở, công trình để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Ðối với giải pháp công trình, địa phương đã và đang kiến nghị Trung ương tăng kinh phí cấp hằng năm cho Chương trình đê biển theo Quyết định 667/QÐ-TTg ngày 27-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ để hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án nâng cấp đê biển Gò Công với tổng vốn khoảng 700 tỉ đồng nhằm chống xói lở, gây bồi và trồng cây chắn sóng bảo vệ đê biển. Ngoài ra, tỉnh đang cần khoảng 2.000 tỉ đồng để xử lý các điểm xói lở cấp bách.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Thời gian qua, Trung ương đã hỗ trợ vốn xây dựng các công trình chống sạt lở, góp phần cho người dân ổn định cuộc sống, an tâm phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu nên tình trạng sạt lở trên địa bàn ngày càng phức tạp. Nguồn vốn địa phương có hạn nên rất cần Trung ương hỗ trợ để khắc phục nhằm đảm bảo an toàn cho người dân sống ven sông”.

Thời gian qua, tỉnh Bến Tre cũng đã kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ 325 tỉ đồng để đầu tư xây dựng công trình chống sạt lở, xâm thực tại các khu vực trên. Ông Nguyễn Văn Ðiền, Giám đốc Ban quản lý Dự án Ðầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết: “Tỉnh đã kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở và kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ vốn thực hiện 5 dự án gồm: hệ thống kè chống xói lở 2 bên bờ sông Giao Hòa (huyện Bình Ðại và Ba Tri); kè chống xói lở sông Mỏ Cày Nam (huyện Mỏ Cày Nam); dự án gia cố sạt lở sông Vĩnh Bình (huyện Chợ Lách); dự án kè chống xói lở khu vực ấp Thừa Thạnh (xã Thừa Ðức, huyện Bình Ðại) và dự án gia cố đê bao chống sạt lở xã Tam Hiệp (huyện Bình Ðại). Tổng nguồn vốn khoảng 400 tỉ đồng để xây dựng 20,8km đê kết hợp với kè nhằm ổn định đời sống, sản xuất cho các hộ dân trong vùng bị sạt lở”.

Thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT, ĐBSCL có 564 điểm sạt lở, với tổng chiều dài trên 834km. Trong đó, sạt lở bờ sông dọc theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch là 512 điểm, với tổng chiều dài khoảng 566km; sạt lở bờ biển là 52 điểm, với tổng chiều dài 268km. Mỗi năm, ĐBSCL có 300ha cơ sở hạ tầng ven sông và rừng ngập mặn ven biển trôi theo dòng. Trong số này thì 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, uy hiếp trực tiếp đến khu vực tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng, với tổng chiều dài 170km.
Để giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở gây ra, giai đoạn 2010-2020, nguồn vốn Ngân sách Trung ương, vốn vay các dự án ODA, Chương trình SP-RCC đã bố trí và có kế hoạch bố trí từ nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 trên  8.700 tỉ đồng cho các tỉnh, thành ĐBSCL xử lý sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển. Trong giai đoạn tiếp theo, Trung ương tiếp tục hỗ trợ trên 7.000 tỉ đồng để xử lý 46 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, với tổng chiều dài 113km, trong đó 33 vị trí bờ sông tại Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hậu Giang và Cần Thơ.

Bài, ảnh: AN LONG

Chia sẻ bài viết