Khuyến khích, hỗ trợ và tạo cơ hội cho hội viên, phụ nữ (PN) khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình là nhiệm vụ trọng tâm được các cấp Hội LHPN trên địa bàn TP Cần Thơ triển khai xuyên suốt nhiều năm qua. Với sự năng động, sáng tạo, các cấp Hội LHPN từ thành phố đến cơ sở đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, tạo việc làm bền vững cho nhiều hội viên, PN.
Lớp dạy nghề cho PN có hoàn cảnh khó khăn khu vực ĐBSCL giúp nhiều chị em có điều kiện học nghề, cải thiện sinh kế. Ảnh: Đơn vị cung cấp.
Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề làm bánh và pha chế thức uống, chị Trần Thị Mai Hân ở phường Bình Thủy, quận Bình Thủy có thêm nguồn thu nhập, giúp gia đình có cuộc sống ổn định hơn. Chị Hân bộc bạch: “Tôi bị khuyết tật ở chân, đi lại bất tiện nên rất khó khăn trong tìm việc làm. Biết có các lớp nghề miễn phí, tôi đăng ký theo học nghề làm bánh và pha chế thức uống. Tuy là lớp học ngắn ngày nhưng các giảng viên rất tận tình, hướng dẫn kỹ lưỡng, chuyên nghiệp. Sau lớp nghề, tôi tự làm bánh kem, chế biến nhiều loại thức uống ngon để bán theo đơn đặt hàng của khách. Sắp tới đây, tôi mong muốn được học các lớp nâng cao để có thêm kiến thức, tay nghề”.
Chị Mai Hân là một trong số nhiều hội viên, lao động nữ trên địa bàn TP Cần Thơ được học nghề tại Văn phòng đào tạo nghề cho PN có hoàn cảnh khó khăn khu vực ĐBSCL. Theo chị Ngô Thị Tuyết Em, Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển PN ĐBSCL, tháng 5-2024, Trung tâm phối hợp cùng Hội Nữ doanh nhân TP Cần Thơ và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp PN thành phố đã ký kết chương trình phối hợp về tổ chức đào tạo nghề sơ cấp dưới 3 tháng miễn phí cho PN có hoàn cảnh khó khăn. Các lớp nghề được triển khai với các tiêu chí dễ học, dễ làm, học ngắn ngày và hoàn toàn miễn phí. Sau gần 1 năm triển khai, đến nay, Văn phòng đào tạo nghề cho PN có hoàn cảnh khó khăn khu vực ĐBSCL đã thực hiện 13 lớp đào tạo nghề cơ bản (nghề làm bánh, nghề pha chế, lớp rau câu giòn) cho 206 lượt PN.
Cùng với việc phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề tại Văn phòng đào tạo nghề cho PN có hoàn cảnh khó khăn khu vực ĐBSCL, hằng năm, các cấp Hội LHPN thành phố đều khảo sát nhu cầu học nghề của PN tại địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đơn vị có liên quan mở các lớp nghề phù hợp, tư vấn, giới thiệu việc làm (GTVL) cho hội viên, PN; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện cho PN được tiếp cận với kỹ năng nghề nghiệp. Trong năm 2024, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp PN Cần Thơ tổ chức dạy nghề cho 684 chị là lao động thất nghiệp; các cấp Hội LHPN thành phố đã phối hợp tư vấn, GTVL cho 7.241 lao động nữ.
Bên cạnh đó, các cấp Hội quan tâm thành lập và nhân rộng các mô hình tổ liên kết, tổ sản xuất, tổ hợp tác, góp phần tăng thu nhập cho hội viên, PN. Theo chị Võ Thị Thúy Đoan, Chủ tịch Hội LHPN quận Ô Môn, năm 2024, các cấp Hội LHPN quận đã duy trì và nâng chất hoạt động 18 mô hình tổ liên kết, tổ hợp tác phát triển sản xuất, nâng tổng số toàn quận có 28 mô hình với 511 thành viên tham gia; GTVL tại chỗ cho 2.019 PN từ các mô hình giải quyết việc làm do Hội thành lập. Nổi bật như các mô hình Tổ liên kết “May gia công”, “May giày da”, “May túi vải, may túi lưới”, “Túi bọc trái cây”, “Đan lưới - Đan lú”... Trong năm 2024, Hội LHPN quận đã hỗ trợ 17 ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; hỗ trợ nâng cao năng lực cho 105 chị là chủ cơ sở, chủ hộ kinh doanh, chủ nhiệm các mô hình kinh tế trên địa bàn; phối hợp mở 2 lớp dạy nghề chăm sóc, tạo dáng hoa kiểng và trồng sầu riêng cho hội viên, PN.
Trong năm 2024, các cấp Hội LHPN thành phố đã giúp 168 PN khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; hỗ trợ 4.523 hộ PN nghèo, cận nghèo xây dựng các phương án làm ăn, phát triển kinh tế gia đình; tổ chức các Ngày Hội PN sáng tạo khởi nghiệp, Hội thi “Tay nghề giỏi”... Thực hiện Đề án 01 “Hỗ trợ hợp tác xã do PN tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, các cấp Hội duy trì hiệu quả các mô hình, như “Đan ráp lú”, “Cây ăn trái”, “Trồng màu”, “Sản xuất rau, củ, quả sạch”, Tổ hợp tác tổ liên kết “Gia công sản phẩm lục bình”, mô hình “Trồng hoa màu”, Tổ hợp tác “Gia công hạt điều”, Tổ liên kết “May gia công”, Tổ hợp tác “Trồng rau an toàn”, các hợp tác xã cây ăn trái... Cùng với đó, các cấp Hội phối hợp thực hiện và quản lý tốt ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội, tạo điều kiện cho hàng ngàn lượt hội viên vay vốn, với tổng dư nợ trên 1.900 tỉ đồng; Quỹ Hỗ trợ PN phát triển kinh tế Cần Thơ đã phát vay cho 1.243 lượt PN, nâng tổng số dư nợ trên 8,1 tỉ đồng.
Sự trợ lực, tiếp sức của các cấp Hội đã và đang giúp nhiều hội viên, PN tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp, khai thác thế mạnh sẵn có ở địa phương để xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, tăng thu nhập, vươn lên khấm khá. Trên hết là góp phần giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực việc làm, tăng cường sự tiếp cận của PN với thị trường lao động.
KIẾN QUỐC