Giấy phép lái xe (GPLX) là một trong những giấy tờ bắt buộc người điều khiển phương tiện cơ giới phải có khi tham gia giao thông (trừ trường hợp điều khiển xe gắn máy dưới 50cm3). Người không có GPLX đồng nghĩa với việc không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Hành vi tham gia giao thông khi không có GPLX không chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Cảnh sát giao thông quận Bình Thủy lập biên bản vi phạm hành chính người điều khiển giao thông trên đường Võ Văn Kiệt. Ảnh: K.XUÂN
Tháng 3-2024, Tòa án Nhân dân quận Thốt Nốt xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trịnh Phước K 2 năm 6 tháng tù (nhưng cho hưởng án treo) tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Ngày 16-8-2023, K (sinh năm 2006) chưa có GPLX hạng A1, được người bạn tên P điều khiển mô tô chở từ quận Thốt Nốt đến tỉnh An Giang. Đi được một đoạn, K và P gặp H đang chạy xe gắn máy từ quận Thốt Nốt đến An Giang. Khi đó, K mượn xe chạy và được H đồng ý. Khi đó, H điều khiển mô tô chở P chạy phía trước. K một mình điều khiển xe chạy phía sau cách xe của H khoảng 5-10m. Khoảng hơn 5 giờ chiều cùng ngày, đến đoạn đường thuộc phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, khi K phát hiện bà Q đang đi bộ sát lề phía trước, do khoảng cách quá gần, K không kịp xử lý tình huống, nên va chạm với bà Q, làm bà này ngã xuống đường bất tỉnh. K cùng P và H đưa bà Q đến bệnh viện cấp cứu nhưng bà Q không qua khỏi.
Tại phiên tòa, hội đồng xét xử nhận định hành vi của bị cáo K đã đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ với tình tiết định khung không có GPLX theo quy định. Hành vi của K đã xâm phạm trực tiếp đến những quy định của Nhà nước về an toàn giao thông đường bộ và xâm phạm đến tính mạng của công dân được pháp luật bảo vệ. Thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo là người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và nhận thức được hành vi vi phạm của mình. Hành vi của bị cáo không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra sự đau đớn, mất mát không gì bù đắp được cho gia đình người bị hại; đồng thời, gây mất trật tự trị an tại địa phương, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân khi tham gia giao thông đường bộ nên cần phải xử lý bị cáo với mức án tương xứng để giáo dục, cải tạo bị cáo và phòng ngừa chung trong toàn xã hội. Qua xem xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đã tuyên K với mức án nêu trên.
Bộ Luật Hình sự quy định, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm: làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61-121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 3-10 năm: không có GPLX theo quy định; trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; làm chết 2 người; gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122-200%; gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 7-15 năm: làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, quy định: phạt tiền 8-10 triệu đồng đối với cá nhân, từ 16-20 triệu đồng đối với tổ chức là chủ mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện hành vi vi phạm giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có GPLX nhưng đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng).
HOÀNG YẾN