Song hành cùng quá trình phát triển kinh tế - xã hội, TP Cần Thơ đặc biệt quan tâm nâng cao ý thức của người dân tham gia xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp, thân thiện môi trường. Từ đó, tạo nên diện mạo đô thị khang trang, nâng cao chất lượng đời sống, còn xứng đáng với danh hiệu “Thành phố Xanh Quốc gia”…
Đại diện Trường Tiểu học Tô Hiến Thành, quận Ninh Kiều và các đơn vị liên quan ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện thí điểm mô hình “Trường học xanh, giảm thiểu rác thải”.
Những “lá phổi xanh”
Nằm ở cửa ngõ huyện Phong Ðiền, công viên Mỹ Khánh với diện tích khoảng 6.000m2 như bức tranh rực rỡ sắc màu tạo ấn tượng cho người dân, du khách. Ðưa vào sử dụng đầu năm 2024, nơi đây trở thành điểm đến vui chơi, thể dục thể thao của người dân. Chú Nguyễn Văn Thành ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Ðiền, chia sẻ: “Nơi này trước đây là một bãi lau sậy um tùm. Nhờ chính quyền xây dựng công viên hoành tráng, có cây xanh, hoa lá tạo không gian thoáng mát, sạch đẹp, người dân chúng tôi vui lắm. Sáng, chiều tập thể dục rồi vô đây hóng mát, thật là một không gian bổ ích!”…
Hệ thống công viên, cây xanh chính là những “lá phổi xanh” thể hiện sức sống, tạo cảnh quan tươi đẹp, sức hấp dẫn cho thành phố, tạo dựng giá trị bền vững theo thời gian. TP Cần Thơ quan tâm không ngừng cải tạo, mở rộng diện tích công viên, điểm vui chơi công cộng khu vực trung tâm và cả vùng ngoại thành. Tại các khu đô thị, khu dân cư, công viên cây xanh là điểm nhấn về cảnh quan và thu hút người dân. Trong đó phải kể đến công viên Nam Long 2 (quận Cái Răng) là “điểm hẹn” của nhiều người dân đến vui chơi, “check in”… mấy tháng nay; hay công viên ở khu tái định cư An Bình (quận Ninh Kiều) vừa hoàn thành gần đây tạo “luồng sinh khí” mới cho nơi này…
Học sinh Trường Tiểu học Tô Hiến Thành, quận Ninh Kiều hào hứng với mô hình “Trường học xanh, giảm thiểu rác thải”.
Trên địa bàn thành phố không khó để bắt gặp hình ảnh những hàng cây xanh mướt, những khóm hoa rực rỡ dọc theo các tuyến đường từ thành thị đến nông thôn. Ðó là kết quả của phong trào trồng cây xanh được phát động hằng năm đã trở thành nét đẹp văn hóa, gắn liền với sự phát triển của thành phố. Sức lan tỏa của phong trào này thể hiện qua số lượng cây xanh được trồng mới tăng theo từng năm, tạo thành những “lá phổi sống” thanh lọc và cải thiện môi trường. Ðơn cử, năm 2023, thành phố trồng được 1,415 triệu cây xanh phân tán; năm 2024, thành phố đã trồng 1,502 triệu cây xanh phân tán.
Phát huy và gìn giữ bản sắc đô thị sông nước Cần Thơ, trong quá trình chuyển mình để trở thành đô thị hiện đại, thành phố huy động đầu tư các công trình, dự án chỉnh trang đô thị, khơi thông ao, hồ, kênh rạch, cải thiện môi trường nước, không khí, hướng đến mục tiêu phát triển Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái đáng sống. Các ngành, các cấp, tổ chức hội đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân nhằm hạn chế tình trạng vứt rác, lấn chiếm các tuyến sông, kênh rạch. Ðồng thời, tổ chức thường xuyên các đợt ra quân dọn dẹp rác thải dọc theo các tuyến sông, ao hồ, kênh rạch trên địa bàn…
Gắn kết trách nhiệm cộng đồng
Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của người dân cùng với nhiều chiến dịch, mô hình, giải pháp bảo vệ môi trường được triển khai thực hiện đã gắn kết cộng đồng cùng hướng về mục tiêu chung bảo vệ môi trường. Qua đó mang lại động lực, niềm hứng khởi, thu hút nhiều người tham gia, tạo sự chuyển biến rõ nét. Nhiều mô hình bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố đã đi vào đời sống như ra quân làm sạch môi trường; đổi rác thải lấy quà tặng; tuyến đường/khu dân cư xanh - sạch - đẹp; phân loại rác thải tại nguồn; xử lý rác bằng thùng compost; thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật... Bà Mã Phụng, Bí thư Ðảng ủy phường An Bình, quận Ninh Kiều, chia sẻ: Cùng với triển khai các mô hình hiệu quả, các tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn thực hiện cam kết không vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Phát huy chức năng camera an ninh nhằm ghi nhận và xử lý kịp thời trường hợp bỏ rác không đúng quy định…
Ra quân vớt rác thải tại chợ nổi Cái Răng, quận Cái Răng.
Tháng 9-2024, thành phố thí điểm mô hình “Trường học xanh, giảm thiểu rác thải” tại Trường Tiểu học Tô Hiến Thành nhằm mục tiêu giảm từ 10-20% lượng rác thải của trường thông qua các hoạt động và thực hành. Ông Lưu Tấn Tài, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ), cho biết: Mô hình góp phần xây dựng môi trường học tập, vui chơi xanh - sạch - đẹp, thân thiện, phù hợp với học sinh. Ðồng thời, tạo sự thay đổi tích cực trong ý thức bảo vệ môi trường, hình thành một thế hệ tương lai sống thân thiện, có trách nhiệm với môi trường…
Thành phố xây dựng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính bằng việc tăng cường sử dụng các phương tiện xe buýt chất lượng cao đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4; 50% xe taxi chạy bằng năng lượng điện; triển khai các chương trình sản xuất sạch hơn. Hoạt động sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh ứng dụng quy trình VietGAP, Global GAP; chăn nuôi an toàn sinh học; mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm, sản xuất lúa carbon thấp… Các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn, siêu thị dần chuyển sang tái tạo các vật liệu, dùng các túi phân hủy sinh học, ống hút giấy, cốc giấy, bằng gỗ, tre…
Với những nỗ lực trên, TP Cần Thơ được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam trao danh hiệu Thành phố Xanh Quốc gia trong khuôn khổ chương trình Thành phố Xanh giai đoạn 2023-2024. Ông Vũ Quốc Anh, Quản lý dự án - Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam cho biết: “Ðây là lần thứ hai TP Cần Thơ tham gia chương trình Thành phố Xanh, đạt được nhiều kết quả tích cực và được đánh giá rất cao từ cộng đồng quốc tế. Ðặc biệt, năm 2024, TP Cần Thơ được vinh danh là Thành phố Xanh Quốc gia dựa trên những nỗ lực hiệu quả, quyết liệt nhằm đưa thành phố phát triển theo hướng bền vững, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu”...
Về mục tiêu xây dựng TP Cần Thơ ngày càng xanh - sạch - đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố tăng cường nâng cao nhận thức, phát huy sự chủ động, đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong đẩy mạnh áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, các mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển kinh tế xanh, bền vững. Đồng thời, khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng về văn hóa sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại hài hòa với thiên nhiên và môi trường. Cùng đó, lồng ghép nội dung về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan...
TUYẾT TRINH