16/06/2013 - 19:12

ÔNG HUỲNH THANH SỬ, PHÓ GIÁM ĐỐC DỰ ÁN NÂNG CẤP ĐÔ THỊ VÙNG ĐBSCL – TIỂU DỰ ÁN TP CẦN THƠ:

Cần Thơ là thành phố đầu tiên khởi công Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL

 

Dự án Nâng cấp đô thị (NCĐT) TP Cần Thơ (gọi tắt dự án 1) đang bước vào giai đoạn cuối và những công trình hoàn thành đã phát huy hiệu quả. Ngày 17-6-2013, Dự án NCĐT vùng ĐBSCL - Tiểu dự án TP Cần Thơ (gọi tắt dự án 2) từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ chính thức khởi công xây dựng tại địa bàn quận Bình Thủy. Với dự án mới này sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu cải thiện điều kiện sống và môi trường ở những khu vực ngập nghẹt, ô nhiễm tại một số quận trên địa bàn thành phố. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về những vấn đề liên quan đến dự án, ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Dự án NCĐT vùng ĐBSCL – Tiểu dự án TP Cần Thơ, cho biết: 

- Dự án NCĐT vùng ĐBSCL nằm trong chương trình Xây dựng Chiến lược Nâng cấp đô thị Quốc gia và kế hoạch đầu tư tổng thể cho nâng cấp đô thị đến năm 2020, với mục tiêu giảm nghèo các khu vực đô thị bằng việc cải thiện điều kiện sống và môi trường, áp dụng phương pháp có sự tham gia của cộng đồng... Tại TP Cần Thơ, ngoài những mục tiêu trên, dự án còn góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường chung của toàn thành phố, nâng cao điều kiện và chất lượng cuộc sống cho người dân nghèo đô thị. Theo đó, mở rộng quy mô và khả năng tiếp cận với các dịch vụ cơ sở hạ tầng cơ bản như: Thoát nước, cấp nước, vệ sinh môi trường, giao thông tại các khu vực dân cư có thu nhập thấp; quản lý bền vững cơ sở hạ tầng đô thị, nhà đất, từng bước cụ thể hóa chương trình nâng cấp đô thị quốc gia...

* Thưa ông, việc chuẩn bị để triển khai dự án NCĐT vùng ĐBSCL - Tiểu dự án TP Cần Thơ đến thời điểm này đã đến đâu?

- Tính đến nay, công tác chuẩn bị cho Tiểu dự án TP Cần Thơ (giai đoạn 1) đang thực hiện tốt và đảm bảo kế hoạch tiến độ. Hồ sơ thiết kế, mời thầu đã hoàn thành 9/12 gói thầu xây lắp; đã đấu thầu xong 4 gói thầu ưu tiên trên địa bàn 4 quận (Bình Thủy, Cái Răng, Ninh Kiều, Ô Môn). Các gói thầu xây lắp và tư vấn đều có rất nhiều đơn vị tham gia đấu thầu nên tính cạnh tranh khá cao, do đó chúng tôi cũng đã lựa chọn được những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tốt để thi công và giám sát công trình. Ngoài ra, các chuyên gia hỗ trợ đấu thầu trong nước và quốc tế cũng đã được tuyển chọn; gói thầu về đào tạo, truyền thông dự án đang được tiến hành và công tác mời thầu thiết kế cho giai đoạn 2 của dự án cũng đã được thực hiện.

Đô thị Cần Thơ trên đường phát triển. Ảnh: KIM XUÂN

*  Sau gói thầu đầu tiên được khởi công tại Bình Thủy, thứ tự các gói thầu sau đó sẽ triển khai ở những địa bàn nào, thưa ông?

- Ngay từ đầu, Ban quản lý dự án đã xác định 4 gói thầu ưu tiên trên địa bàn 4 quận và chúng tôi đã hoàn tất công tác đấu thầu 4 gói thầu này. Vì vậy, sau gói thầu CT-PW-1.4 (tại quận Bình Thủy) sẽ tiến hành khởi công 3 gói thầu tiếp theo trên địa bàn quận Cái Răng (CT-PW-2.2), Ninh Kiều (CT-PW-1.5) và quận Ô Môn (CT-PW-1.3) trong khoản thời gian từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7-2013. Ngoài ra, 8/12 gói thầu xây lắp còn lại trong giai đoạn 1 cũng sẽ được khởi công trong năm 2013 này.

* Thưa ông, trong quá trình triển khai dự án có gặp những thuận lợi, khó khăn gì từ công tác đền bù giải tỏa, vận động người dân tham gia dự án…?

- Thời gian qua, được sự chỉ đạo kịp thời của UBND thành phố, sự hỗ trợ về chuyên môn của các sở, ngành thành phố và đặc biệt chính quyền địa phương ở 4 quận Bình Thủy, Cái Răng, Ninh Kiều, Ô Môn, do đó, dự án gặp rất nhiều thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Hầu hết người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đều đồng thuận nhận bồi thường và bàn giao mặt bằng thi công đúng tiến độ. Trong 4 gói thầu ưu tiên hiện nay đã GPMB hơn 90% diện tích; riêng gói thầu CT-WP-1.4 (quận Bình Thủy) đã GPMB đạt 100% trước khi khởi công.

Mặc dù hầu hết người dân bị ảnh hưởng của dự án đều đồng thuận nhưng vẫn còn một vài tổ chức và cá nhân khiếu nại về giá bồi thường, về nguồn gốc đất… Ban quản lý dự án đã kết hợp với các quận tích cực sớm giải quyết các trường hợp trên. Công tác GPMB tuy có thuận lợi nhưng dự án mới chỉ giai đoạn đầu. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ tích cực của các sở, ngành và chính quyền địa phương trong giai đoạn tới của dự án; đặc biệt là công tác vận động sự tham gia đóng góp của cộng đồng nhất là vận động người dân hiến đất tự nguyện.

Những con hẻm chật hẹp như thế này sẽ được đầu tư nâng cấp khang trang từ Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL - Tiểu dự án Cần Thơ.

* Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách khó khăn, việc giải ngân vốn đối ứng có kịp thời cũng như nguồn vốn vay của WB có thuận lợi, thưa ông?

- Dù ngân sách địa phương gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, nhưng thành phố cũng đã ưu tiên bố trí và bổ sung vốn đối ứng kịp thời theo tiến độ dự án. Năm 2012 dự án đã giải ngân 55/55 tỉ đồng vốn đối ứng do thành phố cấp (đạt 100%). Tuy nhiên, để thực hiện GPMB theo kế hoạch thì từ nay đến cuối năm 2013 chúng tôi đã đề nghị thành phố bổ sung khoảng hơn 60 tỉ đồng vốn đối ứng cho dự án mới đáp ứng yêu cầu.

Về phần vốn vay của WB, kể từ khi hiệp định có hiệu lực (ngày 9/8/2012) nguồn vốn này luôn sẵn sàng đáp ứng, tuy nhiên vừa qua dự án chủ yếu đang ở giai đoạn chuẩn bị nên việc giải ngân còn thấp. Sắp tới khi các công trình đồng loạt khởi công thì việc giải ngân nguồn vốn ODA chắc chắn được đẩy mạnh đạt yêu cầu kế hoạch.

Trong thời gian qua WB đã tích cực hỗ trợ các Ban quản lý dự án của 6 thành phố (thuộc 6 tỉnh, thành vùng ĐBSCL) về chuyên môn, đặc biệt là công tác đấu thầu. Tuy giai đoạn đầu còn gặp một số vấn đề khó khăn, vướng mắc nhưng đến nay có thể nói toàn dự án nói chung và công tác đấu thầu nói riêng đã đi vào “quỹ đạo”. Trong chuyến công tác hỗ trợ dự án vừa qua, WB và Bộ Xây dựng đã đánh giá tiến độ của Tiểu Dự án NCĐT TP Cần Thơ là tốt nhất trong 6 thành phố; gói thầu CT-PW-1.4 (nâng cấp LIA 7,8 và 16 thuộc quận Bình Thủy) khởi công vào hôm nay 17-6-2013 là gói thầu xây lắp đầu tiên của toàn bộ Dự án NCĐT vùng ĐBSCL. Ban quản lý dự án sẽ chỉ đạo đơn vị thi công, tư vấn giám sát cùng với các đơn vị liên quan thi công các công trình đảm bảo tốt về chất lượng và tiến độ đã đề ra.

* Xin cảm ơn đồng chí!

THIỆN KHIÊM (thực hiện)

Theo Ban Quản lý Dự án NCĐT vùng ĐBSCL - Tiểu dự án TP Cần Thơ, so với 5 thành phố còn lại trong vùng ĐBSCL được chọn đầu tư nâng cấp đô thị lần này là tiểu dự án được chấp thuận với số vốn nhiều nhất tương đương 90,4 triệu USD. Trong đó, nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi của WB là 69,95 triệu USD và vốn đối ứng là 20,45 triệu USD. Theo báo cáo khả thi Tiểu dự án TP Cần Thơ (đã duyệt), sau khi hoàn thành sẽ có hơn 45.000 người hưởng lợi trực tiếp từ dự án; hơn 479.000 người hưởng lợi gián tiếp…

 

Chia sẻ bài viết