24/05/2020 - 09:24

Cần Thơ khẳng định vị thế trung tâm tài chính vùng 

TP Cần Thơ hiện có 46 tổ chức tín dụng (TCTD) và 7 Quỹ tín dụng Nhân dân đang hoạt động. Hoạt động của các ngân hàng ngày càng mở rộng, không có giới hạn về địa giới hành chính. Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: Cần Thơ là một trong những địa phương có dư nợ cho vay lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dần khẳng định được vị thế trung tâm tài chính của vùng.

* Cần Thơ có vai trò trung tâm động lực vùng ĐBSCL, ông nhận định gì về sự phát triển của ngành Ngân hàng thành phố trong 15 năm qua?

- Năm 2004, khi chia tách tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ thì TP Cần Thơ có gần 30 TCTD và quy mô dư nợ cho vay chỉ khoảng 7.700 tỉ đồng. Khi đó chủ yếu là ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần còn ít. Hoạt động cho vay và huy động của các ngân hàng tương đối thấp so với mặt bằng chung cả nước, còn so với các địa phương khu vực ĐBSCL thì cũng chưa thật sự nổi trội. Nghiệp vụ hoạt động của ngân hàng tương đối đơn giản, chỉ có thanh toán liên ngân hàng, thanh toán bù trừ nhưng hạn chế; thanh toán tiền mặt là chủ yếu, hoạt động máy ATM, POS cũng hạn chế.

Thời điểm mới chia tách, mạng lưới TCTD chủ yếu hoạt động tại địa bàn quận Ninh Kiều, còn các quận, huyện còn lại chủ yếu là các chi nhánh của ngân hàng thương mại nhà nước (chủ yếu là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam-Agribank) và một số quận, huyện có phòng giao dịch của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín. Vì vậy, khả năng tiếp cận vốn và cạnh tranh giữa các ngân hàng chỉ ở mức vừa phải. Trên địa bàn nông thôn, hầu hết người dân nếu có giao dịch với ngân hàng thì chủ yếu qua Agribank và Ngân hàng Chính sách Xã hội. Còn hoạt động của các TCTD khác chủ yếu cho vay các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chứ khách hàng cá nhân không nhiều.

Khi TP Cần Thơ được thành lập, hạ tầng thương mại, dịch vụ, hạ tầng giao thông phát triển (cảng, sân bay quốc tế…), dần dần đã khẳng định vị thế trung tâm vùng ĐBSCL. Do vậy, hầu hết các ngân hàng đã lựa chọn Cần Thơ để mở chi nhánh hoạt động. Nhiều ngân hàng không chỉ hoạt động tại thành phố mà còn vươn tới các tỉnh, không giới hạn địa giới hành chính. Thành phố hiện có 46 TCTD và 7 Quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động, bao gồm đủ loại hình: ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh; công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, với tổng đầu mối quản lý là 60 đầu mối, 257 địa điểm có giao dịch ngân hàng hoạt động (không kể hoạt động ngân hàng chính sách). Với mạng lưới này thì hầu hết các huyện vùng xa của Cần Thơ, các huyện mới tái lập, thành lập, huyện ít nhất cũng có 7 TCTD hoạt động trên địa bàn. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng.

* Như vậy, hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP Cần Thơ đã có tính cạnh tranh cao, tăng cả về quy mô và loại hình hoạt động. Để thu hút khách hàng, các ngân hàng đã đầu tư nâng chất lượng dịch vụ ra sao, thưa ông?

- Hiện tại, TP Cần Thơ là một trong những địa phương có dư nợ cho vay lớn nhất khu vực ĐBSCL. Ngay cả khi bị tác động của dịch COVID-19, tín dụng vẫn tăng trưởng, dư nợ cho vay của các TCTD đến hết tháng 4-2020 đạt trên 92.627 tỉ đồng; huy động trên 82.000 tỉ đồng. Ngoài ra, ngân hàng hoạt động không bị giới hạn bởi địa giới hành chính, hoạt động mở rộng hơn. Chẳng hạn, ngân hàng đặt tại Cần Thơ có thể cho vay ở Hậu Giang, An Giang đối với khách hàng quen của mình và ngược lại. Có nghĩa là ngân hàng nào có dịch vụ tốt, quản lý dòng tiền tốt và doanh nghiệp tin tưởng sẽ phát triển mở rộng.  

TP Cần Thơ có lợi thế phát triển thương mại-dịch vụ. Đây cũng là lợi thế để các ngân hàng chọn Cần Thơ làm địa điểm mở rộng hoạt động.

Đi đôi với hoạt động tín dụng truyền thống thì các ngân hàng đều chú trọng phát triển dịch vụ ngân hàng mạnh hơn, hiệu quả hơn, gồm các hoạt động tư vấn dịch vụ tài chính, quản lý hỗ trợ khách hàng... Các ngân hàng đã đặt máy ATM, POS đến tận vùng nông thôn để khuyến khích người dân đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Các ngân hàng cũng phát triển dịch vụ tư vấn tài chính, Internet Banking, Mobile Banking, ví điện tử,... Sắp tới thí điểm dịch vụ Mobile Money, góp phần hạn chế sử dụng thanh toán dùng tiền mặt. Mặt khác, giá phí của các hoạt động của các ngân hàng trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày được giảm xuống, có thể cạnh tranh giữa ngân hàng này với ngân hàng khác và đẩy mạnh hoạt động này. Hệ thống thanh toán Liên ngân hàng của NHNN luôn được quan tâm nâng cấp, cải tiến về kỹ thuật, mở rộng thời gian, giảm phí thanh toán… đã trở thành hệ thống xương sống kết nối thanh toán các ngân hàng thương mại.

Với lợi thế trung tâm của khu vực ĐBSCL, thuận lợi về giao thương so với các địa phương, hạ tầng giao thông vận tải có đủ các phương thức: hàng không, đường thủy, cảng biển… nên kỳ vọng các ngân hàng sẽ phát triển mạnh hơn thời gian tới. Tuy nhiên, các ngân hàng phải nâng cao chất lượng hoạt động và khắc phục hạn chế về mặt thủ tục giấy tờ, nhất là cải cách thủ tục hành chính cho vay, huy động, phải sử dụng công nghệ trong các giao dịch ngân hàng, tối giãn thời gian cho khách hàng và cũng là nâng cao năng lực cạnh tranh.

* Thưa ông, với quy mô ngân hàng hiện tại, ông có đánh giá gì về khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thành phố?

- Quy mô tín dụng hiện thấp hơn quy mô kinh tế TP Cần Thơ. Hiện tại dư nợ cho vay toàn nền kinh tế thành phố chỉ hơn 92.627 tỉ đồng, chưa tương xứng với quy mô tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn thành phố. Trong cơ cấu kinh tế của thành phố, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nên nhu cầu vốn không lớn. Công nghiệp thâm dụng vốn và lao động, một dự án công nghiệp có thể cần đến hàng ngàn tỉ đồng, nhưng dự án dịch vụ thương mại thì nhu cầu vốn thấp hơn.

Nhưng phải khẳng định rằng, Cần Thơ đã và đang phát triển mạnh các ngành dịch vụ như: giao thông vận tải, bưu chính - viễn thông, thương mại, tài chính, tín dụng, bảo hiểm, khoa học - công nghệ... đã từng bước trở thành trung tâm dịch vụ lớn của vùng ĐBSCL và cả nước. Lượng kiều hối cũng nhiều hơn các địa phương khu vực ĐBSCL. Thêm vào đó, chỉ số tiếp cận tín dụng của Cần Thơ là một trong những địa phương khá tốt. Tính minh bạch trong công tác điều hành kinh tế của lãnh đạo cũng được doanh nghiệp đánh giá cao; hầu hết các ngân hàng đã nâng cao năng lực tài chính, sử dụng công nghệ sinh trắc, thẻ chip… đảm bảo an toàn hơn trong thanh toán. Hoạt động của ngân hàng không có địa giới hành chính, nên các ngân hàng Cần Thơ không chỉ cho vay, cung ứng dịch vụ cho TP Cần Thơ mà còn vươn mạnh ra các tỉnh trong khu vực.

*Xin cảm ơn ông!

Gia Bảo (thực hiện)

Chia sẻ bài viết