08/09/2011 - 20:31

BAO TIÊU NÔNG SẢN THEO QUYẾT ĐỊNH 80

Cần sự chủ động từ "4 nhà"

Theo Quyết định 80/2002/QĐ-TTg (ngày 24-2-2002) của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thu mua nông sản hàng hóa theo hợp đồng (gọi tắt là Quyết định 80), vấn đề đầu ra cho nông sản của nông dân và xây dựng vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp (DN) hứa hẹn được đảm bảo trên cơ sở liên kết “4 nhà”. Song, gần 10 năm qua, số lượng DN tham gia bao tiêu nông sản cho nông dân ở TP Cần Thơ vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Những bất cập...

Khi bao tiêu lúa hàng hóa cho nông dân, doanh nghiệp cần đưa ra mức giá cụ thể. Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, vụ lúa đông xuân 2010-2011, trong tổng diện tích 88.672ha của thành phố, chỉ hơn 12.575ha được các DN tham gia bao tiêu lúa hàng hóa; còn 714ha nuôi cá tra cũng mới có 68ha được DN ký hợp đồng thu mua. Đến nay, thành phố có 7 DN (4 DN chế biến gạo và 3 DN chế biến thủy sản) tham gia bao tiêu nông sản theo Quyết định 80. Thực hiện Quyết định 80, DN có thể ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản cho nông dân với hình thức ứng trước vốn, hỗ trợ vật tư kỹ thuật, công nghệ và mua lại nông sản. Song, không phải DN nào ký kết hợp đồng bao tiêu cũng mặn mà đầu tư vốn cho nông dân, do nguồn vốn hạn chế và DN còn sợ rủi ro khi đầu tư. Ông Trầm Tấn Thành, Phó Ban quản lý Dự án lúa chất lượng cao Công ty Cổ phần Thương nghiệp tổng hợp và Chế biến lương thực Thốt Nốt (Gentraco) cho biết, công ty bao tiêu lúa tại TP Cần Thơ và một số tỉnh ở ĐBSCL từ vụ đông xuân 2008-2009. Ban đầu công ty đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân, nhưng trong thời gian gần đây chỉ hỗ trợ giống, vì ít tốn nhân lực và hạn chế rủi ro khi nông dân không tuân thủ hợp đồng.

Trên thực tế, việc ký kết hợp đồng bao tiêu, giữa DN và nông dân vẫn chưa tìm được sự đồng thuận cao. Ông Nguyễn Thông Đạt, Tổ trưởng Tổ sản xuất lúa chất lượng cao xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, cho biết: “Khi ký kết hợp đồng mua lúa với nông dân, DN không đưa ra mức giá cụ thể mà chỉ cam kết sẽ mua bằng hoặc cao hơn giá thị trường tối đa là 250 đồng/kg tùy ẩm độ và độ rạn gãy của gạo. Tuy nhiên, vụ lúa đông xuân, lúa hàng hóa chất lượng nhất trong năm, vẫn rất ít nông dân bán được giá cao hơn giá thị trường đến 250 đồng/kg do không thỏa mãn các điều kiện mà DN đặt ra. Lẽ đó, khi giá lúa hàng hóa biến động ở thời điểm thu mua, hay DN mua chậm, nông dân rất dễ mất lòng tin và không mặn mà với hợp đồng bao tiêu”...

Liên kết “4 nhà” theo Quyết định 80 đã được đặt ra gần 10 năm qua, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp không ít vướng mắc. Sự ràng buộc trách nhiệm của “4 nhà” chưa có chế tài nào cụ thể, DN và nông dân bẻ kèo hợp đồng khi biến động về giá, thị trường tiêu thụ. Các chuyên gia cho rằng, trong hội nhập, liên kết là yếu tố quyết định sống còn, nếu nông dân vẫn “tự sản tự tiêu”, DN không chủ động xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ nhu cầu chế biến, xuất khẩu sẽ dễ bị đào thải theo quy luật cạnh tranh.

“4 nhà” cần làm tròn vai

Các chuyên gia đầu ngành nông nghiệp cho rằng, Quyết định 80 là chính sách thúc đẩy sự phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định và bền vững. Tuy nhiên, tình trạng bẻ kèo hợp đồng vẫn diễn ra phổ biến nhiều năm qua, nông dân đổ thừa DN, còn DN cho rằng nông dân có lỗi. Trong khi đó, trên thực tế khi xây dựng hợp đồng bao tiêu, DN luôn đặt ra những điều khoản có lợi cho mình. Đơn cử như bao tiêu lúa hàng hóa cho nông dân, DN không định giá cụ thể mà chỉ quy định mua cao hơn giá thị trường 10-20%, tùy thời điểm, còn con cá tra cũng tương tự như vậy. Khi giá thị trường tăng, DN trù trừ kéo dài thời gian mua, còn nông dân muốn bán để tái đầu tư, trả nợ tiền phân, thuốc, nợ ngân hàng...

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho rằng trong quá trình thực hiện hợp đồng bao tiêu nông sản, chỉ cần một bên không tuân thủ hợp đồng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bên còn lại. Trong chuỗi giá trị hàng hóa nông sản, nông dân là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Chẳng hạn đối với nghề nuôi cá tra, chỉ cần DN chậm mua cá hoặc mua với giá thấp thì người nuôi đứng trước nguy cơ trắng tay, vỡ nợ. Còn những người nuôi vì lợi ích trước mắt mà “bẻ kèo” sẽ gánh phần thiệt về mình, do DN không ký tiếp hợp đồng và tìm những đối tác khác. Khi đó, rất cần sự vào cuộc của ngành chức năng để giải quyết thỏa đáng những mâu thuẫn phát sinh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, thời gian qua, HTX được Công ty Cổ phần Hùng Vương (tỉnh Tiền Giang) ký kết hợp đồng bao tiêu cá tra, công ty đầu tư chi phí thức ăn trong suốt quá trình nuôi, HTX chỉ tốn chi phí ao nuôi, con giống, công chăm sóc. Vì vậy, dù thị trường có biến động, DN vẫn thu mua cá của HTX. Ông Hải cho rằng, trong liên kết “4 nhà”, DN giữ vai trò quyết định nhưng nhà nông phải thể hiện được năng lực sản xuất của mình để DN sẵn sàng ký kết bao tiêu nông sản. Ông Trầm Tấn Thành, Phó Ban quản lý Dự án lúa chất lượng cao Công ty Gentraco, cho biết: “Gentraco xuất khẩu gạo chất lượng cao, nên phải tập trung xây dựng vùng nguyên liệu. Hàng năm, Gentraco xuất khẩu 200.000-300.000 tấn gạo các loại, trong đó khoảng 20.000 tấn gạo cao cấp. Hiện nay, vùng nguyên liệu mà công ty đang xây dựng chỉ mới đáp ứng từ 10-20% yêu cầu thực tế. Do vậy, việc mở rộng diện tích bao tiêu vẫn đang được công ty ráo riết thực hiện”.

Khi “4 nhà” chủ động gắn kết chặt chẽ: DN đặt hàng nông dân sản xuất sản phẩm mình cần; nhà khoa học nhập cuộc hướng dẫn kỹ thuật, tạo giống triển vọng; Nhà nước có chính sách “đòn bẩy”, quy hoạch vùng nguyên liệu; nhà nông năng động sẽ là cơ sở để xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết