19/09/2013 - 20:58

Cơ chế quản lý thị trường phân bón

Cần sát thực tiễn

Hiện nay, một số doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón đang gặp khó vì thị trường thấp điểm, nguồn cung dồi dào. Công tác kiểm soát chất lượng phân bón của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ khiến phân bón kém chất lượng tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng lớn đến DN nội địa. Do vậy, cần có chính sách quản lý thị trường chặt chẽ, dự báo cung- cầu chính xác để giảm bớt gánh nặng cho DN.

"Vênh" cung – cầu

Theo Bộ Công thương, cả nước hiện có khoảng 300 đơn vị sản xuất và trên dưới 30.000 đơn vị kinh doanh phân bón. Năng lực sản xuất của các DN phân bón trong nước đáp ứng được trên 80% nhu cầu phân vô cơ, với tổng sản lượng sản xuất hàng năm đạt trên 8 triệu tấn các loại. Riêng phân urê, hiện nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước ta chỉ 1,9-2 triệu tấn/năm, trong khi tổng năng lực sản xuất phân của 4 nhà máy trong nước (Hà Bắc, Phú Mỹ, Cà Mau, Ninh Bình) dự kiến năm 2013 đạt khoảng 2,2 triệu tấn. Sản lượng đang thừa và có thể xuất khẩu. Hiện công suất bình quân của các nhà máy sản xuất phân lân khoảng 2 triệu tấn/năm; các loại phân bón khác như NPK năng lực sản xuất của các DN trong nước đạt trên 3 triệu tấn/năm…

Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp phân bón trong nước đã đáp ứng được trên 80% nhu cầu sử dụng phân vô cơ. 

Ông Võ Văn Quyền, Vụ Trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương, nhận định: "Cục diện thị trường phân bón trong nước đã thay đổi khá lớn. Hiện các nhà máy bắt đầu chủ động hoàn toàn nguồn cung đối với mặt hàng phân urê, một mặt hàng có ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường phân bón trong thời gian qua. Những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho nhập khẩu phân urê giảm dần và thay vào đó là các chính sách phát triển hệ thống phân phối trong nước, điều tiết cân đối cung - cầu một cách hiệu quả". Tuy nhiên, nhu cầu một số loại phân bón đang sụt giảm, nhất là ở nhóm phân NPK và lân nung chảy do đang vào thời kỳ thấp điểm của mùa vụ sản xuất nông nghiệp. Điều này dẫn đến tồn kho của một số DN ở mức cao. Thêm vào đó, quy luật kinh tế thị trường, nguồn cung dồi dào, nhiều nhà sản xuất, nên nông dân sẽ cân nhắc chọn lựa đơn vị cung ứng vật tư, nhà sản xuất, giá cả khi mua hàng. Các nhà sản xuất trong nước đang có phần lép vế trước DN ngoại so về giá cả, thể thức cung ứng sản phẩm.

Theo Bộ Công thương, quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối mặt hàng phân bón giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2025 (Quyết định số 6868/QĐ-BCT ngày 27-12-2010) đến năm 2015, cơ bản sẽ chủ động nguồn cung phân bón trong nước (100% phân urê, NPK, lân; trên 80% phân DAP, kali; trên 30% SA - một loại đạm hàm lượng thấp có thể thay thế phân urê). Phân bón là ngành hàng sản xuất theo tính chất thời vụ, dự báo cung - cầu thị trường rất cần thiết đối với các DN sản xuất trong nước. Song, dự báo thị trường, cơ chế quản lý hiện nay còn nhiều bất cập; diện tích sản xuất lúa, cây trồng giảm sẽ tác động mạnh đến ngành sản xuất phân bón trong nước; cho nhập khẩu tràn lan, tạo áp lực tồn kho lớn cho DN nội… Mới đây, tại TP Cần Thơ, Bộ Công thương tổ chức hội nghị "Cục diện thị trường và định hướng quản lý nhà nước về phân bón" nhằm tiếp nhận ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, DN để đưa ra giải pháp quản lý thị trường phân bón hiệu quả. Các đại biểu cho rằng, cần giải quyết tốt các bất cập để hỗ trợ DN nội nâng cao năng lực cung ứng, cạnh tranh.

Cần quy định "kinh doanh có điều kiện"

Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định số 113/2003/NĐ-CP (Nghị định 113) ngày 7-10-2003 về quản lý sản xuất và kinh doanh phân bón; Nghị định số 191/2007/ NĐ-CP (Nghị định 191) sửa đổi Nghị định 113 ngày 31-12-2007 còn nhiều hạn chế như: Phân bón chưa được qui định là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện có giấy chứng nhận hoặc giấy phép; việc quản lý phân bón theo hình thức Danh mục phân bón không còn phù hợp với thực tế sản xuất và xu hướng hội nhập quốc tế; quản lý Nhà nước còn chồng chéo; hệ thống thanh tra chuyên ngành chưa được thiết lập… dẫn đến tình trạng phân bón giả, kém chất lượng trở thành một vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến quyền lợi của bà con nông dân. Bên cạnh đó, việc quản lý phân bón theo danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam hiện nay rất tốn kém, vừa mất thời gian khảo nghiệm, vừa gây khó khăn cho việc tra cứu (trên 5.000 loại phân bón có trong danh mục), truy xuất nguồn gốc, dẫn tới hiệu quả quản lý thấp...

Theo các chuyên gia, phải đưa phân bón vào nhóm mặt hàng sản xuất kinh doanh có điều kiện để tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất kinh doanh. Sản xuất nông nghiệp ở nước ta phần lớn là nhỏ lẻ, manh mún, gây khó khăn cho DN trong xây dựng hệ thống phân phối. Nếu mỗi nhà sản xuất xây dựng riêng cho mình một hệ thống phân phối cũng không khả thi, vì sẽ chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực xã hội và chi phí đầu tư. Các chế tài xử phạt hành vi sản xuất, lưu hành, kinh doanh phân bón giả hiện chưa đủ tính răn đe; mức xử phạt thấp nên vẫn dễ tái phạm; các tỉnh biên giới chưa kiểm soát chặt chẽ về chất lượng đối với nguồn phân bón nhập khẩu đường tiểu ngạch… Lực lượng kiểm tra mỏng, thiếu kinh nghiệm, thiếu phương tiện trang thiết bị thẩm định, việc hợp tác với các DN cung cấp mẫu đối chứng còn khó khăn do DN sợ ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu.

Bà Nguyễn Kim Liên, Phó Cục Trưởng Cục hóa chất (Bộ Công thương), cho biết: "Từ những bất cập cho thấy việc xây dựng và ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 113 và Nghị định 191 là hết sức cần thiết. Đầu năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì xây dựng Nghị định quản lý, sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón. Bộ đang hoàn hiện dự thảo trên cơ sở kế thừa những quy định phù hợp của những Nghị định trước. Một thay đổi quan trọng trong quản lý là sự phân định rạch ròi về phân công trách nhiệm quản lý giữa các Bộ, ngành. Hy vọng sau khi nghị định mới được ban hành và đi vào thực tiễn, hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón sẽ có diện mạo mới". Theo bà Liên, trong quản lý, điều hành nhập khẩu biên mậu mặt hàng phân bón phục vụ sản xuất trong nước, Bộ Công thương sẽ điều tiết việc nhập khẩu mặt hàng phân bón qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trên cơ sở dự báo cân đối cung cầu của các Bộ, ngành liên quan.

Theo ông Dương Trí Hội, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty phân bón và Hóa chất dầu khí, để ổn định thị trường, cần tăng cường sự hợp tác giữa nhà sản xuất phân bón và cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm trên thị trường. Các Bộ chủ quản cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý để việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón được thống nhất. Có chính sách khuyến khích nhà sản xuất tổ chức, hoàn thiện kênh phân phối, tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ/ngành chủ quản với nhà sản xuất/kinh doanh.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết