09/05/2013 - 20:28

Cần kiên trì trong phòng và điều trị bệnh viêm mũi dị ứng

Tại các bệnh viện (BV) ở TP Cần Thơ, vào những thời điểm thay đổi thời tiết (cuối mùa nắng, đầu mùa mưa), khá nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh viêm mũi xoang dị ứng. Nhiều người quan tâm việc phòng, chống như thế nào để hạn chế căn bệnh này, vừa đảm bảo sức khỏe và không mất thời gian, chi phí điều trị. Trao đổi với phóng viên báo Cần Thơ, Tiến sĩ Bác sĩ Châu Chiêu Hòa, Phó Giám đốc BV Tai mũi họng TP Cần Thơ, cho biết:

Bệnh viêm mũi xoang dị ứng thường gặp ở lứa tuổi từ 12-20, với các triệu chứng nhảy mũi, ngứa (mũi, mắt, tai và vòm họng), chảy mũi, chảy mũi sau (khịt, khạc), nghẹt mũi, mất mùi, nhức đầu, đau tai, chảy nước mắt, mắt đỏ, phù nề mắt, mệt mỏi, buồn ngủ, khó chịu…

* Triệu chứng khác thế nào với viêm xoang, thưa bác sĩ ?

Thời tiết chuyển mùa góp phần cho bệnh viêm mũi dị ứng gia tăng. Ảnh chụp tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Cần Thơ. Ảnh: H.Hoa 

- Về triệu chứng, giữa viêm mũi dị ứng (VMDU) và viêm xoang không có gì khác biệt, nhưng về cơ chế sinh bệnh, có những điểm khác biệt như: VMDU phụ thuộc vào sự xuất hiện triệu chứng theo mùa, quanh năm hoặc từng đợt. Tùy thuộc vào từng cá thể nhạy cảm khi tiếp xúc với các nguyên nhân gây dị ứng (dị ứng nguyên) như: môi trường ô nhiễm, thời tiết, bụi trong nhà, phấn hoa, khói thuốc lá, thức ăn, lông thú nuôi, gián…

* Bệnh này điều trị ra sao và có tái phát hay không? Làm gì để bệnh không tái phát, thưa bác sĩ ?

- Điều trị VMDU, có 3 phạm trù điều trị chính yếu gồm: Kiểm soát môi trường - tránh dị ứng nguyên, điều trị bằng thuốc và miễn dịch trị liệu. Điều trị bằng thuốc: dùng trong các trường hợp dự phòng hoặc khi có biểu hiện các triệu chứng dị ứng. Thuốc có 2 dạng sử dụng đường uống và đường xịt vào mũi. Thuốc uống, thường sử dụng những loại thuốc kháng histamine, thuốc chống nghẹt mũi, thuốc giảm đau… tùy theo biểu hiện triệu chứng của từng bệnh nhân. Thuốc xịt mũi có tác dụng và đáp ứng tốt đối với các trường hợp viêm mũi dị ứng. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc uống và thuốc xịt điều trị viêm mũi dị ứng, tuy nhiên việc dùng thuốc uống hay thuốc xịt chúng ta cần phải được sự tư vấn của các dược sĩ lâm sàng, các bác sĩ chuyên khoa… Sai lầm thường gặp là bệnh nhân bỏ điều trị, dễ dẫn tới nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trong quá trình điều trị và sau điều trị, bệnh nhân tránh dị ứng nguyên bằng cách: Kiểm soát môi trường tránh tiếp xúc dị ứng nguyên, gồm những dị ứng nguyên đặc biệt xác định được và cả những chất nghi ngờ không đặc hiệu có liên quan gây kích thích, khởi phát dị ứng. Người bệnh nên mang khẩu trang khi ra đường, hay trong môi trường làm việc (đối với viêm mũi dị ứng nghề nghiệp), vệ sinh môi trường xung quanh sạch, thoáng mát, trong nhà hút bụi, vệ sinh chăn, mền, gối, thảm nền nhà, đồ trang trí nội thất…với nước ấm (khoảng 60oC) 2 tuần/lần; tránh tiếp xúc vật nuôi trong nhà, tiêu diệt côn trùng như con gián, mọt… tránh những thức ăn gây cho cá nhân dị ứng… không khí trong nhà thoáng khô mát, vệ sinh sạch các nơi ẩm nấm mốc… để phòng bệnh tái phát. Bất cứ loại thức ăn nào cũng có thể gây dị ứng, tùy thuộc vào từng cá nhân có cơ địa dị ứng khác nhau. Ngoài ra, việc vệ sinh mũi hàng ngày để chống các chất bụi, bẩn, phấn hoa...bám vào niêm mạc mũi xoang, thường vệ sinh lúc đi bên ngoài về và vệ sinh mũi trước lúc ngủ là tốt nhất.

* Thưa bác sĩ, phương pháp nào điều trị dứt VMDU ?

- Hiện nay, các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã triển khai điều trị miễn dịch trị liệu (giải mẫn cảm): đáp ứng rất tốt từ 80-90%, nhưng đòi hỏi phải điều trị kéo dài từ 3 - 5 năm. Áp dụng phương pháp này khi bệnh nhân tìm ra được các nguyên nhân gây dị ứng và bệnh nhân khỏi hẳn hoàn toàn. Miễn dịch trị liệu (giải mẫn cảm) là vấn đề chuyên sâu về khoa dị ứng. Hiện nay, Bệnh viện Tai mũi họng Cần Thơ chưa áp dụng và chưa có khoa này.

* Nhiều người bị viêm mũi dị ứng cứ tái đi tái lại, nếu để mặc không điều trị, có dẫn đến hậu quả gì không ?

- Nếu bị VMDU mà không tích cực điều trị hết đợt viêm hoặc không kiểm soát được, để lâu ngày có thể gây những biến chứng sau: Viêm tai giữa, rối loạn chức năng vòi nhĩ, viêm mũi xoang cấp, viêm mũi xoang mạn, polype mũi… và nếu tiếp tục không điều trị thì tình trạng bệnh diễn tiến nặng hơn. Đặc biệt, những người có bệnh hen suyễn làm cho bệnh trầm trọng, tốn kém nhiều chi phí điều trị.

* Bác sĩ vui lòng cho biết, vì sao có tình trạng, có người sinh ra đã viêm mũi dị ứng, có người một thời gian sau mới bị bệnh?

- Bệnh dị ứng có tính chất di truyền, khi cha hoặc mẹ có cơ địa dị ứng thì con sinh ra cũng dễ bị dị ứng. Những người trước đây không bị, nay lại đột ngột bị VMDU (trong chuyên môn gọi là VMDU tức thì), khi người đó tiếp xúc với 1 dị ứng nguyên lạ, gây ra các phản ứng dị ứng cho người đó.

* Xin cảm ơn bác sĩ !

H.Hoa (thực hiện)

Chia sẻ bài viết