29/09/2020 - 06:58

Đối phó lũ và triều cường

Cần giải pháp bảo đảm an toàn sản xuất và đời sống người dân 

Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường), mùa lũ năm 2020, ĐBSCL có đỉnh lũ xuất hiện tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp (mức báo động 1) và xuất hiện muộn, có khả năng xảy ra từ ngày 10 đến 20-10-2020. Còn mực nước tại vùng hạ nguồn sông Cửu Long sẽ lên cao theo triều, đỉnh lũ phổ biến ở mức báo động 2 (1,9m) đến báo động 3 (2m), có nơi trên báo động 3, nguy cơ xảy ra ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt là TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Tại TP Cần Thơ, cùng thời gian trên, mực nước cao nhất năm 2020 trên Sông Hậu có khả năng xuất hiện ở mức 2,15m-2,25m (vượt báo động 3 từ 0,15m đến 0,25m), cao bằng đỉnh triều lịch sử năm 2019 đạt mức 2,25m…

Triều cường lên cao

Bờ kè sông Ô Môn. Ảnh: V. THỨC

Bờ kè sông Ô Môn. Ảnh: V. THỨC

Dự báo tổng lượng mưa tại Cần Thơ trong tháng 9 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN). Vào các tháng cuối mùa 10, 11 và 12-2020, lượng mưa cao hơn TBNN từ 10-30%, cần chú ý đề phòng giông mạnh kèm theo lốc xoáy, sét đánh sau các đợt giảm mưa cũng như thời kỳ chuyển mùa vào giai đoạn cuối tháng 10 và đầu tháng 11-2020. Các tháng cuối mùa mưa cũng cần đề phòng những cơn bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện có đường đi phức tạp, ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ, Tây Nam Bộ...

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ, khẳng định: "Với dự báo trên, ngay thời điểm này Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, UBND các quận, huyện cần tập trung triển khai các biện pháp ứng phó, phòng tránh tác hại do mưa, bão, triều cường gây ra…".

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, trong những năm gần đây tình trạng ngập lụt tại TP Cần Thơ thường xuyên xảy ra do mưa lớn kết hợp triều cường, nước thượng nguồn đổ về. Tình trạng này ngày càng phức tạp đã gây trở ngại lớn cho nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, đặc biệt là kinh doanh buôn bán, hoạt động giao thông, sản xuất nông nghiệp, vệ sinh môi trường và ảnh hưởng mỹ quan đô thị của thành phố.

Ông Nguyễn Ngọc Hè cho biết: Nguyên nhân ngập lụt đô thị do thời điểm lũ trên sông đạt đỉnh và triều cường lớn nhất tháng 9, 10, 11 hằng năm. Trong những ngày ngập lượng mưa trên địa bàn thành phố không phải là những trận mưa lớn nhất trong năm, mà triều Biển Đông mới là một trong những nguyên nhân chính gây ra ngập úng cho TP Cần Thơ, đặc biệt là khu vực nội ô các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy… Một chu kỳ triều cường trung bình 15 ngày, trong đó có 1 kỳ triều cường dâng cao và 1 kỳ triều kém. Thời kỳ triều cường thường xảy ra vào các ngày 1 và 15 tháng âm lịch (hoặc trước hay sau vài ngày). Do đó, mỗi tháng (tháng 9, 10, 11) xuất hiện 2 lần ngập úng tại TP Cần Thơ. Ngoài ra, vào những tháng trung tâm của mùa mưa, thường có những trận mưa lớn làm một số tuyến đường, con hẻm không có hệ thống cống tiêu thoát hoặc có nhưng cống bị nghẹt, bị hư hỏng không tiêu thoát được nước mưa kịp cũng gây ra tình trạng ngập đường phố.

Ưu tiên chống ngập

Công trình kè rạch Cái Sơn thuộc Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành vào cuối năm 2020.

Công trình kè rạch Cái Sơn thuộc Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành vào cuối năm 2020.

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, việc chống ngập trên địa bàn TP Cần Thơ phải được xem xét ở 3 yếu tố: ngập lũ, ngập triều và ngập do mưa. Thủy triều, lũ và mưa là các tác nhân khách quan, do đó để kiểm soát được ngập phải đảm bảo vùng cần kiểm soát ngập tương đối kín và kết hợp sử dụng các biện pháp công trình, như: đê bao kết hợp cống ngăn triều và hệ thống trạm bơm để chống ngập.

Tuy nhiên, để chủ động phòng ngừa, ứng phó với diễn biến của lũ chính vụ năm 2020 kết hợp với mưa, triều cường, trước mắt các sở, ngành, UBND các quận, huyện nắm bắt thông tin về diễn biến của các đợt triều cường, tình hình mưa, lũ để chủ động phòng chống; tổ chức rà soát toàn bộ các tuyến đường bị ngập sâu trên địa bàn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, dây, đèn chớp cảnh báo tại những vị trí ngập sâu, các tuyến đường cặp kênh, mương, ao, hồ khi triều cường dâng cao; tổ chức rà soát các đoạn, tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh bị ngập nước trên toàn thành phố để chủ động bố trí lực lượng và phương tiện hỗ trợ, phân luồng giao thông khi cần thiết; triển khai các biện pháp phòng, tránh đuối nước trong mùa lũ, nhất là bảo đảm an toàn cho trẻ em và học sinh đến trường; kiểm tra và uốn nắn kịp thời các sai sót, ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy của các bến đò ngang, dọc trên địa bàn; chủ động kiểm tra, theo dõi, rà soát các khu dân cư ven sông, kênh, rạch, vùng trũng thấp có nguy cơ bị sạt lở đất, kiên quyết di dời dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn...

Về lâu dài, thành phố triển khai thực hiện và sớm hoàn thành Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Dự án sẽ giúp kiểm soát ngập cho trên 2.657ha vùng lõi các quận Ninh Kiều, Bình Thủy. Tại Hợp phần 1 của Dự án sẽ đầu tư trên 6,1km kè dọc theo tuyến sông Cần Thơ, trên 3km kè dọc theo tuyến sông Cái Sơn, Mương Khai, kết hợp với các hạng mục công trình khác của Dự án như các âu thuyền (Cái Khế, Hàng Bàng), các cống ngăn triều (Đầu Sấu, rạch Sao, rạch Ranh, rạch Súc, rạch Nước Lạnh, rạch Phó Thọ, rạch Cây Dừa, rạch Bà Lễ, rạch Trần Ngọc Quế, rạch Tham Tướng), các van ngăn triều và các trạm bơm nhằm giảm các nguy cơ liên quan đến tình trạng ngập úng tại khu vực đô thị trung tâm TP Cần Thơ...

Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường quản lý và xử lý nghiêm việc lấn chiếm và san lấp kênh rạch tại các khu dân cư; thường xuyên thực hiện kiểm tra, duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống tiêu thoát nước, miệng cống, hố ga để tăng khả năng thoát nước khi gặp mưa lớn, góp phần giảm ngập do mưa, đặc biệt là vào thời điểm đầu mùa mưa và khi nước lũ, triều cường dâng cao.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, nhấn mạnh: "Ngoài việc thực hiện nghiêm các giải pháp hạn chế tác hại xấu của triều cường, mưa bão trong những tháng sắp tới, ngành chức năng, thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố cần tăng cường kiểm tra các giải pháp ứng phó ở các địa phương, chấn chỉnh những hạn chế, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng người dân, hạn chế ngập lụt đô thị… Thành phố sẽ kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện ở các dự án, công trình chống ngập đô thị, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng để góp phần ứng phó triều cường, phát triển đô thị trong thời gian tới…".

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết