27/11/2012 - 21:14

Cân đối chi tiêu trong xây dựng nông thôn mới

Lãnh đạo TP Cần Thơ kiểm tra tiến độ XDNTM ở xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh.

Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới (XDNTM) triển khai trên diện rộng giữa lúc kinh tế trong nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng hết sức khó khăn. Trong bối cảnh này, ngày 24-2-2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP nhằm bảo đảm các mục tiêu kinh tế vĩ mô dẫn đến nguồn lực đầu tư cho XDNTM bị hạn chế. Nhiều ý kiến cho rằng, "liệu cơm gắp mắm" là phương châm hành động, là giải pháp tình thế phù hợp để phân bổ và sử dụng đồng vốn hiệu quả trong lúc khó khăn…

* Gian nan bài toán vốn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, kinh phí phục vụ XDNTM trên địa bàn 36 xã thuộc 4 huyện: Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai và Vĩnh Thạnh là hơn 186 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương gần 1,5 tỉ đồng; vốn ngân sách nhà nước trên 156 tỉ đồng; huy động doanh nghiệp khoảng 3,14 tỉ đồng và huy động trong dân là 25,17 tỉ đồng. Nguồn vốn Trung ương tập trung cho công tác đào tạo, tập huấn, in ấn tài liệu và công tác tuyên truyền tại 2 xã điểm. Vốn huy động trong dân chủ yếu làm đường giao thông nông thôn, nâng cấp hệ thống thủy lợi, nhà thông tin ấp, nhà ở dân cư. Vốn ngân sách nhà nước chủ yếu đầu tư cho các công trình trường học, trạm y tế, một phần hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh thủy lợi... Nhìn chung, việc huy động các nguồn lực thực hiện các tiêu chí, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ XDNTM còn hạn chế, xã hội hóa trong việc XDNTM tại địa phương còn thấp. Nguồn vốn huy động doanh nghiệp và tín dụng còn khó khăn do các chính sách chưa thật sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp…

Có thể thấy rằng, XDNTM trong điều kiện nguồn tài chính hạn hẹp là thực tế chung của cả nước. Đây là nguyên nhân chính khiến các xã không thể hoàn thành các tiêu chí như kế hoạch đề ra. Theo phản ánh từ các địa phương, một số tiêu chí như: làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang nhà cửa, hàng rào, cột cờ; thu gom rác thải; tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp… có thể vận động người dân thực hiện. Nhưng đối với các tiêu chí liên quan đến cơ sở hạ tầng như: xây dựng trụ sở xã, trường học, trạm y tế đạt chuẩn… thì rất cần sự vào cuộc của Nhà nước. Ông Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: "Năm 2012, ngân sách thành phố phân bổ cho các công trình xây dựng cơ bản và XDNTM của huyện là 100 tỉ đồng. Chia bình quân cho 13 xã thì mỗi xã chỉ được gần 7,7 tỉ đồng. Trong khi đó, theo tính toán, để được công nhận là xã nông thôn mới thì mỗi xã tối thiểu phải đầu tư khoảng 300 tỉ đồng…". Nhiều địa phương băn khoăn, nên chăng thay đổi thói quen tư duy dàn trải trong đầu tư XDNTM để tránh tình trạng nhiều công trình thi công dở dang nằm chờ vốn. Bởi 36 xã XDNTM trên địa bàn thành phố có điều kiện đặc thù khác nhau, nếu "bổ đầu" số tiêu chí buộc phải hoàn thành mỗi năm là điều bất cập...

* "Liệu cơm gắp mắm"

Tại cuộc họp lấy ý kiến đóng góp dự thảo "Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn TP Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030", nhiều ý kiến cho rằng, định hướng phát triển nền nông nghiệp đô thị, công nghệ cao gắn với công cuộc XDNTM là xu thế tất yếu, đảm bảo sự thành công của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn thành phố. Tiến sĩ Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, nhận xét: "Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, để có được kinh phí bố trí cho chương trình là sự nỗ lực lớn của thành phố và các địa phương. Nếu chúng ta vẫn giữ thói quen tư duy thành tích, đưa ra chỉ tiêu quá cao thì các mục tiêu đưa ra khó lòng đạt được". Theo Tiến sĩ Trần Thanh Bé, phát triển nông nghiệp, nông thôn TP Cần Thơ nói chung và tiến trình XDNTM ở Cần Thơ nói riêng cần kết hợp hài hòa và đặt trong mối tương quan với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, vùng và quy hoạch phát triển ngành.

Nhằm khắc phục những yếu kém, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng thời đẩy nhanh tiến độ XDNTM, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU xác định mục tiêu, nhiệm vụ XDNTM trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Theo đó, phấn đấu đến năm 2015, thành phố có 12/36 xã đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về XDNTM, 24 xã còn lại đạt 10 tiêu chí trở lên. Năm 2015, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn cơ bản hoàn chỉnh; thu nhập của cư dân nông thôn tăng thêm 1,4 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 8%. Đến năm 2020, 36/36 xã được công nhận là xã NTM. Ngoài ra, phấn đấu vào cuối năm 2020, thu nhập của người dân tăng 1,8-2 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 5%, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 65%; 90% số xã đạt tiêu chuẩn về môi trường và 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch... Để hoàn thành mục tiêu, đồng thời tăng cường nguồn lực XDNTM, TP Cần Thơ xác định sẽ tập trung khai thác tối đa tiềm năng đất đai, lao động sẵn có tại địa phương, qua đó huy động có hiệu quả sự đóng góp của nhân dân; ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào nông nghiệp nông thôn dựa trên sự lồng ghép các chương trình, dự án khác đang được triển khai tại địa phương…

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, XDNTM là chương trình lớn, dài hơi, tốn nhiều công sức, tiền của và cần đi theo lộ trình phù hợp. Do đó, mỗi xã cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong việc huy động nguồn tài chính thực hiện chương trình. Thời gian tới, thành phố tiếp tục quan tâm, ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí phục vụ XDNTM cho các xã bao gồm kinh phí trực tiếp thực hiện chương trình và các nguồn kinh phí lồng ghép (nguồn ngân sách hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu chính phủ, kinh phí hỗ trợ phát triển các loại hình sản xuất, dịch vụ nông thôn...). Doanh nghiệp giữ vai trò "xúc tác" trong XDNTM, do đó ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Nghị định 41/NĐ-CP về tín dụng nông thôn để thu hút doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, thủy sản tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Về phía địa phương, trên cơ sở phát huy nội lực là chính, mỗi xã cũng phải linh hoạt trong việc chọn những tiêu chí không tốn kinh phí hoàn thành trước, tập trung vào những tiêu chí mang tính đột phá, tạo đà thực hiện các tiêu chí khác...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết