 |
Sự góp mặt của hệ thống phân phối hiện đại giúp người tiêu dùng dễ chọn lựa hàng hóa hơn. (Trong ảnh: Khách hàng chọn mua hàng ở Siêu thị Co.opMart). Ảnh: NAM HƯƠNG |
Theo báo cáo của ngành chức năng, 9 tháng đầu năm 2008, tổng mức hàng hóa bán ra của TP Cần Thơ hơn 32.617 tỉ đồng, đạt gần 78% kế hoạch năm và tăng 18% so cùng kỳ. Trong đó, mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ hơn 14.982 tỉ đồng. Các ngành dịch vụ phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, cũng theo nhận định của ngành chức năng, sự phát triển thương mại-dịch vụ (TMDV) TP Cần Thơ hiện vẫn chưa phù hợp và còn nhiều bất cập...
CHƯA THU HÚT NHIỀU THÀNH PHẦN KINH TẾ
Theo ước tính của Cục Thống kê TP Cần Thơ, năm 2008, giá trị tăng thêm của ngành dịch vụ sẽ đạt 12.905 tỉ đồng (gấp 1,6 lần so với năm 2005), đóng góp 46,8% trong cơ cấu GDP thành phố. Ngoài ra, DN hoạt động trong ngành thương mại có bước phát triển đáng kể, khối lượng hàng hóa lưu thông tăng cao, hệ thống chợ, siêu thị và cửa hàng tiện ích đã góp phần đáng kể trong việc bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân. Giai đoạn 2006-2008, tổng mức hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 27,3%/năm (kế hoạch 2006-2010 là 22,4%); trong đó, mức bán lẻ tăng bình quân 24,3%/năm. Đây là những con số minh chứng tốc độ tăng trưởng, khả năng thích ứng cùng với sự năng động của DN trong ngành TMDV trên địa bàn thành phố.
Thành phố hiện có 102 chợ tập trung ở các quận, huyện vùng ven và phát triển tận vùng sâu, đảm bảo cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng. Ngoài ra, còn có 12 Hợp tác xã TMDV với khoảng 566 xã viên và 700 lao động hoạt động khá hiệu quả; thu nhập bình quân của mỗi lao động là 1,2 triệu đồng/tháng. Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ Lê Văn Hừng cho biết: “Hệ thống TMDV của thành phố tập trung chủ yếu ở 4 quận, huyện: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và Thốt Nốt với nhiều loại hình dịch vụ, nhiều thành phần kinh tế tham gia phân phối đã hình thành hệ thống kinh doanh- phân phối liên hoàn. Đại bộ phận người sản xuất hiện nay không phải vận chuyển hàng hóa đi bán mà đã có lực lượng tư thương đến tận nơi thu mua”. Những mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, phân bón...) cũng có các đại lý cung ứng tận vùng nông thôn.
Tuy nhiên, phần lớn DN kinh doanh trong ngành dịch vụ của thành phố là DN nhỏ về qui mô, lao động, vốn... chưa đủ sức cạnh tranh với DN lớn cả trong và ngoài nước. Hiện tại, tỷ trọng của ngành dịch vụ chiếm gần 47% trong cơ cấu GDP của thành phố, nhưng không phải trên mọi phân ngành dịch vụ đều phát triển. Theo phản ánh của doanh nghiệp, lĩnh vực ngân hàng, cho thuê tài chính, kho bãi, văn phòng... của thành phố chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh và chưa thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia. Thêm vào đó, hạ tầng kỹ thuật yếu kém cũng làm giảm khả năng mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực thương mại- dịch vụ.
Bà Phạm Thị Thanh Lan, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Địa ốc Đất Phương Nam (đường Mậu Thân, quận Ninh Kiều), cho biết: “Hoạt động dịch vụ ở thành phố phát triển nhưng chưa chuyên sâu và chuyên nghiệp. Công ty của chúng tôi chuyên về dịch vụ vệ sinh công nghiệp như: dọn dẹp vệ sinh, di dời, tân trang sửa chữa. Mặc dù đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng nhưng đây là dịch vụ mới ở TP Cần Thơ (ra đời năm 2004), nên công ty gặp rất nhiều khó khăn, do khách hàng chưa quen và nhu cầu cũng chưa nhiều. Nhưng khi chúng tôi bắt tay vào công việc cùng với đội ngũ chuyên nghiệp, khách hàng cũng quen dần với cái tên Ô Sin thời đại”. Theo bà Phạm Thị Thanh Lan, khi Cần Thơ trở thành đô thị loại I, đời sống người dân được nâng cao thì dịch vụ mà công ty đang hoạt động rất có tiềm năng phát triển.
CHUYÊN NGHIỆP HÓA TRONG VIỆC XÂY DỰNG KÊNH PHÂN PHỐI GẮN VỚI SẢN XUẤT
Thành phố đã phê duyệt chương trình phát triển TMDV đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 với tổng kinh phí đầu tư khoảng 59.220 tỉ đồng. Theo định hướng của chương trình, đến năm 2010 sẽ xóa những chợ tự phát, tập trung đầu tư mới, nâng cấp và đưa vào hoạt động các chợ trung tâm tại quận, huyện. Phấn đấu đến năm 2015, tại mỗi trung tâm quận, huyện hình thành ít nhất một trung tâm thương mại, siêu thị loại II trở lên. Sang giai đoạn 2016-2020, xã hội hóa hoàn toàn việc quản lý, khai thác chợ. Song song đó, tập trung phát triển những dịch vụ có thế mạnh của thành phố như: tài chính - ngân hàng, bưu chính viễn thông, vận tải, du lịch, giáo dục- đào tạo, nông nghiệp, công nghiệp- xây dựng... nhằm đa dạng hóa các loại hình sở hữu, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Theo nhận định của các ngành chức năng, phát triển thương mại- dịch vụ phải huy động từ nhiều nguồn. Nhà nước chỉ hỗ trợ về hạ tầng, tạo môi trường kinh doanh, tạo mối liên doanh liên kết giữa các thành phần kinh tế với nhau. Tuy nhiên, đây là vấn đề khá nan giải, bởi chính sách thu hút đầu tư, hạ tầng kỹ thuật của thành phố vẫn chưa hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Như năm 2007, có nhà đầu tư nước ngoài đến xin thuê 40 ha đất để xây dựng hệ thống phân phối (logistic) với điều kiện là gần cảng, nhưng thành phố không có đất đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư.
Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, nói: “Phát triển TMDV phải tập trung ở các quận Ninh Kiều, Bình Thủy và ven sông Hậu. Nhưng những vùng đất này đã ưu tiên cho phát triển công nghiệp, khu dân cư; nên không thể đưa xuống các huyện Cờ Đỏ hay Ô Môn. Bởi ngoài phát triển TMDV, nhà đầu tư còn muốn khai thác thêm một số dịch vụ đi kèm như cho thuê văn phòng, hội trường cho các cuộc hội thảo qui mô lớn, nhà cho người nước ngoài... để tăng hiệu quả đầu tư. Do vậy, cần huy động nhiều nguồn lực tham gia phát triển TMDV và tạo quỹ đất”. Tuy nhiên vấn đề “đất sạch” và đất phù hợp với yêu cầu, điều kiện của nhà đầu tư đang là thách thức cho thành phố trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa.
Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Thanh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế TP Cần Thơ, nói: “Chúng ta đang hội nhập nhanh vào nền kinh tế khu vực và quốc tế. Riêng lĩnh vực phân phối, tồn tại song song 2 xu thế là phân phối chuyên môn hóa và phân phối như là một khâu của qui trình sản xuất nối dài. Hiện nay, phân phối chuyên môn hóa cũng chỉ mới ở giai đoạn “thiếu niên”, thể chế kinh tế, hệ thống luật pháp, chính sách quản lý, tập quán tiêu dùng... còn rất khác nhau giữa các quốc gia. Cho nên trong xu thế toàn cầu hóa, việc sản xuất và phân phối trực tiếp vẫn còn sức mạnh cạnh tranh với sự chuyên môn hóa nói trên”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Thanh, trong xu thế hội nhập, ngành dịch vụ của TP Cần Thơ chưa thật sự chuyển biến về chất. Do vậy, hiện tại, các DN phải xây dựng kênh phân phối gắn với sản xuất. Tuy nhiên, tiềm lực tài chính, trình độ quản lý, tổ chức của các DN nước ngoài hơn hẳn DN Việt Nam. Do đó, để tồn tại và cạnh tranh cùng với kênh phân phối chuyên nghiệp, các DN phải có sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực. DN phải có chính sách thu hút nhân tài, sự năng động, thích ứng nhanh với mọi hoàn cảnh của đội ngũ này là chìa khóa thành công cho DN khi muốn mở rộng mạng lưới bán lẻ.
Trong xu thế hội nhập, sự chuyên nghiệp trong phục vụ là yêu cầu đặt ra đối với các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ. Bà Phạm Thị Thanh Lan, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Địa ốc Đất Phương Nam, nhận định: “Tới đây, sân bay Cần Thơ, cầu Cần Thơ... hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho thành phố đẩy mạnh phát triển TMDV. Tuy nhiên, nhu cầu của khách hàng sẽ cao hơn khi đời sống phát triển. Với dịch vụ ô sin thời đại, tôi tin mình sẽ có chỗ đứng trong tương lai không xa và cần thiết cho cuộc sống. Hiện nay, công ty đang tập trung công tác huấn luyện, đào tạo đội ngũ nhân viên để hướng đến một cung cách phục vụ chuyên nghiệp”.
Hiện nay, ngoài triển khai chương trình phát triển TMDV, ngành Công Thương TP Cần Thơ đang xây dựng chiến lược xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đến năm 2010, tầm nhìn 2020. Đây được xem là nền tảng để đẩy mạnh phát triển TMDV cho thành phố. Mặt khác, trong thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đến thành phố tìm hiểu cơ hội đầu tư, mở thêm nhiều cơ hội để TP Cần Thơ tăng tốc trở thành trung tâm TMDV vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
GIA BẢO